Đã hơn một tháng kể từ khi Trung Quốc khơi mào xung đột thương mại với Australia bằng cách thông báo áp thuế 80,5% với lúa mạch và cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 công ty chế biến thịt lớn ở bang Queensland và New South Wales. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn chưa trả lời bất kỳ cuộc gọi nào từ người đồng cấp Australia Simon Birmingham.
Hai biện pháp này đã tác động mạnh mẽ tới ngành nông nghiệp Australia và là một tín hiệu đáng báo động, khi kim ngạch thương mại giữa hai nước lên tới 161 tỷ USD, tính từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019. Quan hệ song phương cũng đang chứng kiến đà xuống dốc trong ít nhất 5 năm qua.
Lãnh đạo chính phủ Australia chưa có chuyến thăm cấp nhà nước nào tới Trung Quốc kể từ tháng 4/2016 đến nay. Đương kim Thủ tướng Australia Scott Morrison chưa đến Trung Quốc kể từ sau khi lên nắm quyền thay người tiền nhiệm Malcolm Turnbull hồi tháng 8/2018.
Mối quan hệ Bắc Kinh – Canberra được ví như “mối tình nồng” vào năm 2007, khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu khoáng sản.
Một xung đột xảy ra vào năm 2008 khi Thủ tướng Australia lúc bấy giờ Kevin Rudd nói Australia có thể là “tranh hữu” của Trung Quốc, hay “một người bạn luôn chỉ ra những điều sai trái bằng những ý kiến gây khó chịu”, khi phát biểu tại Đại học Bắc Kinh, đề cập tới vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng.
Dù bình luận của ông Rudd khiến Trung Quốc giận dữ, hai nước cuối cùng cũng dàn xếp được bất đồng vào năm 2009 và thương mại song phương tiếp tục tăng trở lại, dẫn tới một hiệp định thương mại tự do hồi năm 2015.
Canberra thời kỳ đó có một số động thái nghiêng về phía Bắc Kinh, như việc họ gia nhập Ngân hàng Đầu tư và Hạ tầng châu Á do Trung Quốc điều hành, được thành lập tháng 12/2015 để hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Á. Australia còn cho công ty Trung Quốc Landbridge thuê cảng Darwin trong 99 năm và không tham gia các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, theo Tom Switzer, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Độc lập, trụ sở ở Sydney.
“Từ giữa thập niên 1990 đến giữa thập niên 2010, chính phủ Australia, cả Công đảng lẫn đảng Bảo thủ, đều giữ được cân bằng trong mối quan hệ với đối tác thương mại quan trọng nhất, Trung Quốc, và đồng minh an ninh quan trọng nhất, Mỹ. Tôi thường ví von rằng Canberra đã khéo léo cưỡi hai con ngựa cùng lúc”, Switzer nói. “Năm 2014, Australia và Trung Quốc đồng ý nâng tầm mối quan hệ song phương lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’. Tất nhiên, điều này gây khó chịu cho Washington”.
Dù vậy, Mỹ khi đó không có bất kỳ tác động nào nhằm làm suy giảm mối quan hệ Trung Quốc – Australia, giới chuyên gia đánh giá.
Năm 2015, sau khi thủ tướng Malcolm Turnbull lên nắm quyền, thông tin chấn động được tiết lộ rằng cựu thượng nghị sĩ Australia Sam Dastyari đã nhận tiền từ tập đoàn Yuhu do Trung Quốc hậu thuẫn để thúc đẩy một dự luật pháp lý.
Yuhu được thành lập bởi tỷ phú Hoàng Tương Mạc, công dân Trung Quốc sống tại Australia nhưng đã bị thu hồi quyền thường trú hồi tháng 2/2019 vì các cáo buộc can thiệp nước ngoài.
Sự việc xảy ra trong lúc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng về kinh tế với Australia và nhiều quốc gia phương Tây khác, cả về đầu tư tài sản lẫn phát triển bất động sản.
Tiền từ Trung Quốc nhanh chóng chảy vào các dự án bất động sản Australia vào khoảng năm 2013 và tiếp tục tăng lên trong khoảng thời gian bùng nổ từ 2014 đến 2018. Tuy nhiên, điều này lại khiến các chủ sở hữu bất động sản địa phương cảm thấy lo lắng về việc để mất dự án vào tay người mua đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, việc giá nhà tăng vọt cũng có nguy cơ khiến họ bị gạt khỏi thị trường.
Yuhu đóng góp không nhỏ trong cơn sốt bất động sản ở Australia, khi liên tục thu mua đất và khởi xướng các dự án bất động sản thương mại.
Cáo buộc liên quan đến cựu thượng nghị sĩ Dastyari và những hoài nghi về Trung Quốc trên truyền thông Australia đã dẫn tới việc chính phủ Australia thông qua một bộ luật mới vào năm 2018 nhằm ngăn chặn những hành vi can thiệp từ nước ngoài. Dù vậy, thủ tướng Turnbull khẳng định bộ luật mới không nhằm vào Trung Quốc.
Chính quyền Turnbull, từ tháng 9/2015 đến tháng 8/2018, chứng kiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia trở nên băng giá chưa từng thấy suốt nhiều thập kỷ, theo Switzer và James Laurenceson, giám đốc Viện Quan hệ Australia – Trung Quốc.
“Rất khó để chỉ ra thời điểm chính xác mối quan hệ Trung Quốc – Australia bắt đầu xói mòn, nhưng tôi cho rằng vào khoảng năm 2017”, Switzer nói.
Không chỉ chính phủ Australia thay đổi giọng điệu và chính sách, Trung Quốc cũng ngày càng có lập trường cứng rắn hơn, Laurenceson nhận định.
Năm 2017, ngoại trưởng Australia Julie Bishop trong một bài phát biểu ở Singapore cũng cảnh báo Bắc Kinh sẽ không bao giờ phát huy hết tiềm năng nếu không tôn trọng dân chủ.
Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei sau đó vào năm 2018 bị cấm cung cấp dịch vụ 5G tại Australia.
Trong bước ngoặt mới nhất, cảnh sát liên bang Australia gần đây khám xét nhà riêng và văn phòng của chính trị gia Shaoquett Moselmane bang New South Wales khi tiến hành cuộc điều tra mà theo Thủ tướng Morrison là có liên quan đến hành vi can thiệp từ nước ngoài, rất có thể từ Trung Quốc.
Moselmane cũng bị đình chỉ mọi vai trò trong Công đảng Australia hôm 26/6, vài giờ sau cuộc khám xét.
Moselmane đã công khai ca ngợi sự lãnh đạo “kiên định” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong đại dịch Covid-19, trái ngược hoàn toàn với phản ứng từ chính phủ Australia.
Truyền thông địa phương đưa tin nghị sĩ Moselmane đã thuê một nhân viên được đào tạo từ Học viện Quản trị Trung Quốc, một cơ sở đào tạo cho các quan chức cấp trung và cấp cao của chính phủ nước này.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Theo Vnexpress