Mỹ nêu ba hướng duy trì ổn định ở Biển Đông

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết Washington triển khai các hoạt động ngoại giao, hàng hải và quân sự để đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

“Để đảm bảo mục tiêu lâu dài là duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông, Mỹ đã triển khai các hoạt động theo ba hướng: tăng hoạt động ngoại giao với các đối tác ở khu vực, trong đó có ASEAN; hỗ trợ các nước tăng cường năng lực hàng hải, giúp họ hiểu điều đang xảy ra để bảo vệ lợi ích của mình; phát triển năng lực quân sự của Mỹ, trong đó có các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink phát biểu trong họp báo ngày 2/7 nhân kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ tại Hà Nội.

Đại sứ Kritenbrink cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng việc các nước tập trung đối phó với Covid-19 để gia tăng hoạt động đòi yêu sách ở Biển Đông, thực hiện các hành động mang tính khiêu khích và ảnh hưởng đến ổn định ở khu vực.

Ông cho hay Mỹ tin rằng các nước có quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, các quốc gia lớn nhỏ đều phải hành xử theo luật pháp quốc tế, nêu yêu sách theo luật quốc tế, sử dụng các biện pháp hoà bình để giải quyết khác biệt. Do đó, Mỹ phản đối Trung Quốc ngăn cản các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, hoạt động thương mại, kinh tế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; phản đối các hoạt động cưỡng ép ở Biển Đông, ngăn các quốc gia tiếp cận nguồn dầu khí có trữ lượng trị giá đến 2.500 tỷ USD ở vùng biển này.

“Covid-19 không ảnh hưởng gì đến hợp tác của Mỹ với các nước ở khu vực. Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam và các đối tác thúc đẩy lợi ích chung”, ông nói.

Trả lời câu hỏi của về bình luận ASEAN tuyên bố không chọn bên trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Kritenbrink khẳng định Mỹ “không muốn và không yêu cầu nước nào phải chọn bên”.

Trên vai trò lãnh đạo nước Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 26/6 khẳng định ASEAN chắc chắn không muốn phải chọn bên và Hiệp hội luôn mong khu vực châu Á – Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển.

Đại sứ Kritenbrink cho biết Mỹ hy vọng các quốc gia ủng hộ hợp tác và thúc đẩy các lợi ích trong việc duy trì trật tự tuân theo pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong ngăn các nước lớn bắt nạt nước nhỏ hơn. Mỹ cũng hoan nghênh Trung Quốc cùng tham gia nỗ lực đảm bảo trật tự, tôn trọng luật pháp quốc tế.

“Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy các nguyên tắc đó”, ông Kritenbrink nói.

Mỹ và Trung Quốc từ 2019 gia tăng cạnh tranh chiến lược, khi hai bên thể hiện sự cứng rắn và quyết liệt trong cuộc chiến thương mại. Cạnh tranh dần lan sang các vấn đề khác như công nghệ và địa chính trị, trong đó có vai trò dẫn dắt ở châu Á, đặc biệt là khu vực Biển Đông.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink, phải, trong họp báo chiều 2/7 tại Hà Nội. Ảnh: VA.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink trong họp báo chiều 2/7 tại Hà Nội. Ảnh: VA.

Sự ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc đẩy nhiều nước, gồm các nước ASEAN, đứng trước thách thức phải chọn bên. Khi Covid-19 bùng phát từ cuối 2019, giới nghiên cứu dự đoán cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Trên phạm vi rộng hơn, Đại sứ cho hay Mỹ vẫn cam kết bảo đảm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dù nước này đã rút khỏi một số tổ chức đa phương.

Nhắc đến các sáng kiến mới của Mỹ ở khu vực như Mạng lưới kinh tế thịnh vượng, Bộ Tứ mở rộng (Quad plus) hay Mạng lưới Điểm xanh, ông Kritenbrink cho biết Mỹ không có ý định tạo ra các “câu lạc bộ” mới, mà hợp tác dựa trên các giá trị chung là tôn trọng luật pháp quốc tế. Ông khẳng định các nước châu Á có nhu cầu lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng, việc hợp tác với các nước cần bảo đảm mang lại lợi ích cho bên thực hiện, thay vì là gánh nặng cho các quốc gia. Các dự án hợp tác cũng cần tránh gây ảnh hưởng đến chủ quyền hay làm suy yếu các nước thụ hưởng.

Đánh giá quan hệ song phương với Việt Nam, Đại sứ cho rằng hai nước đang có hợp tác mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Mỹ không chú trọng đến tên gọi chính thức quan hệ hai nước (hiện duy trì khuôn khổ Đối tác Toàn diện), mà tập trung vào hợp tác thực chất.

“Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến xây dựng niềm tin, duy trì thương mại công bằng, có đi có lại và tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng”, ông nói.

Kim ngạch thương mại hai nước đạt 77 tỷ USD mỗi năm, gần 30.000 sinh viên Việt Nam cũng đang theo học ở Mỹ. Việt Nam đã hỗ trợ tìm kiếm được 770 hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Đại sứ khẳng định việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng từ 2012, đặc biệt là năng lực trên biển, mang lại lợi ích chung cho cả hai bên. Hợp tác đào tạo, gồm huấn luyện phi công, được thực hiện trên cơ sở hai bên tôn trọng nhau, với tốc độ hai bên cảm thấy thoải mái. Trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Mỹ ủng hộ các ưu tiên của Hà Nội là đảm bảo hoà bình, ổn định ở Biển Đông, cùng hành động có trách nhiệm ở sông Mekong và tiểu vùng Mekong.

Đề cập vai trò của Việt Nam khi Mỹ muốn xây dựng chuỗi cung ứng mới khi Covid-19 qua đỉnh, Đại sứ cho biết Mỹ đang thảo luận với Việt Nam và các nước về việc tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia hay một nguồn lực. Các đối tác của Mỹ ngày càng có chung quan điểm rằng Covid-19 đã cho thấy các nước dễ bị tổn thương và sản xuất toàn cầu dễ bị ảnh hưởng thế nào khi phụ thuộc vào một bên sản xuất, do đó các quốc gia cần đa dạng hoá nguồn cung.

Ông cho rằng việc chuỗi cung ứng sẽ được đặt ở đâu phụ thuộc vào hoạt động của các công ty tư nhân, gồm các công ty Mỹ.

“Điều quan trọng với Việt Nam là tạo ra các chính sách, môi trường, hệ thống pháp lý, quy định hấp dẫn với các doanh nghiệp. Chúng tôi hoan nghênh đối thoại để Việt Nam có hệ thống như vậy”, Đại sứ nói.

Việt Anh – Vnexpress