Đầu tháng 7, Tây Nguyên bắt đầu mùa mưa, hơn 50 km đường đất đỏ dẫn vào cụm 12 trở nên lầy lội. Nhiều dốc cao dựng đứng, ngoằn ngoèo. Muốn vào được ổ dịch bạch hầu, cán bộ y tế mất gần 3 giờ chạy xe máy mới đến nơi.
Khu cách ly cụm dân cư 12 – nơi có ba ca nhiễm bạch hầu, có 61 hộ, với 320 nhân khẩu, người dân tộc H’Mông. Họ sống giữa một bên là núi, bên kia ngăn cách dòng sông là địa phận tỉnh Lâm Đồng. Từ khi dịch bùng phát, thực hiện cách ly, người dân đa số chỉ luẩn quẩn trong nhà, không cho con trẻ ra khỏi nhà chơi.
Ở trong căn nhà vách gỗ đã 10 ngày, Giàng A Cú, 20 tuổi, không biết em trai Giàng A Phủ 13 tuổi của mình đang được điều trị ở đâu, tình trạng sức khỏe như thế nào. Cú chỉ biết rằng, hôm bố mẹ chở đi bệnh viện, Phủ đã “nặng lắm”. Anh muốn gọi hỏi thăm sức khỏe em, nhưng ngại leo lên ngọn núi cao vài trăm mét trước nhà tìm sóng điện thoại. Cú đành ngồi nhà đợi tin, lo cơm nước cho bốn đứa em còn lại.
Anh Cú kể, gia đình từ Bắc vào Đăk Nông sống và lập nghiệp hàng chục năm trước. Cuộc sống tương đối no đủ nhờ vào 4.000 cây cà phê và vài sào ruộng. Do đường sá đi lại khó khăn, trường học cách nhà hơn 20 km, nên Cú và A Phủ chưa một ngày đến lớp. Hai người em của Cú may mắn hơn, đang học cấp hai.
Nửa tháng trước, A Phủ vẻ mệt mỏi, nằm lì trên giường mà không chạy nhảy, đi câu cá với đám trẻ con trong làng như bình thường. Bố mẹ đã cho A Phủ uống thuốc cảm và loại thuốc bằng lá, rễ cây rừng nhưng không khỏi. Ngày 18/6, em có biểu hiện nặng, được bố mẹ chở vào Trung tâm Y tế huyện Đăk G’long khám.
“Mới nghe các cán bộ y tế bảo, Phủ bị bệnh bạch hầu, đã chuyển xuống TP HCM”, Cú nói. Anh cho biết, không nhớ các em của mình đã tiêm vaccine phòng bạch hầu hay chưa.
Trước đây, anh thường thấy cán bộ đến tận nhà tiêm, cả gia đình chẳng ai quan tâm, vì phải lên nương rẫy. Họ thậm chí không biết bệnh bạch hầu là gì, nguy hiểm ra sao.
Vài ngày sau khi em trai của Cú phát bệnh, Trung tâm Y tế xã về lập chốt cách ly trên con đường độc đạo (cách làng khoảng 7 km). Các bác sĩ tiến hành khám sàng lọc, phun thuốc khử khuẩn, cho người dân cả cụm 12 uống thuốc phòng bệnh bạch hầu, Cú mới lờ mờ hiểu.
Cách nhà Cú khoảng 200 m, mấy hôm nay, chị Ma Thị Chư, 38 tuổi, luôn nhắc nhở bốn đứa con của chị (8 -16 tuổi) phải ở trong nhà cho hết thời gian cách ly. Chị cấm chúng không được sang chơi ở ba căn nhà có ca nhiễm bạch hầu. Chồng chị vẫn lên nương, sau khi cam kết với cán bộ y tế không tiếp xúc với ai.
“Con tôi thường hay chơi với Giàng A Phủ, nhưng may mắn bác sĩ khám nó không bị nhiễm bệnh”, chị Chư nói. Chị nhớ mang máng, trong nhà chỉ có đứa 8 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, những bé còn lại hầu như không tiêm. Một phần do chị thấy nhiều đứa trẻ hàng xóm la khóc sau khi tiêm xong, sợ con mình bị đau nên không cho tiêm.
Bác sĩ K’Le, Phó trạm Y tế xã Đăk R’măng cho biết, sau khi nhận được tin có ba ca dương tính bạch hầu, 12 cán bộ y tế xã và huyện lập tức vào khoanh vùng, lập chốt không cho người dân ra vào khu cách ly. Đồng thời, ngành y tế cũng khử trùng, xử lý… khu vực theo trình tự. Hiện người dân đã uống đủ 7 ngày thuốc phòng bệnh, và dịch cơ bản đã được khống chế.
Trong bốn năm công tác tại xã, hàng tháng anh K’Le cùng các đồng nghiệp đều thực hiện việc tiêm vaccine đầy đủ cho người dân toàn xã. Song cụm 12 là nơi xa nhất, đường đi khó nhất. Cán bộ y tế phải mượn nhà dân ở lại qua đêm.
“Nhiều lúc mang thuốc, mang vaccine vào tận nhà, nhưng nhiều ông bố bà mẹ không cho tiêm cho bọn trẻ, đành ra về”, anh K’Le nhớ lại.
Cách ổ dịch cụm 12, xã Đăk R’măng gần 100 km, barie chốt kiểm soát ở xã Quảng Hòa (có năm ca dương tính bạch hầu, trong đó một ca tử vong) đã được tháo dỡ. Cả gia đình anh Vũ Mỹ Dinh, 38 tuổi, tỏ ra vui vẻ khi được đi lại tự do ra bên ngoài.
Bên trong căn nhà bằng tôn, trống rỗng không có vật dụng gì giá trị, ngoài hai cái giường và chiếc bàn gỗ xiêu vẹo. Năm đứa con anh (3-13 tuổi), áo quần cáu bẩn, chân tay lấm lem chạy nhảy trên nền đất. Sau vườn, vợ anh Dinh đang hái ngọn bí, chuẩn bị bữa cơm trưa. Một nồi cơm trắng, hai quả trứng là tất cả bữa trưa của gia đình anh hôm đó.
Vợ chồng Dinh vội vàng ăn xong bữa, chuẩn bị một bao lúa mang lên chòi rẫy cách 30 km, cho đàn gà 50 con bị bỏ đói suốt 10 ngày cách ly và chăm sóc vườn cà phê hơn 2.000 gốc. Ba đứa con của họ sửa soạn áo quần quay trở lại trường.
Nhà anh Dinh gần trung tâm xã Quảng Hòa, nhưng từ trước đến nay anh chưa từng nghe đến căn bệnh bạch hầu. Chỉ khi có một đứa 9 tuổi chết, vợ chồng anh mới lo lắng cho những đứa con của mình. Theo trí nhớ của anh, chỉ hai trong số năm đứa con của anh được tiêm chủng trong khi các con anh thỉnh thoảng cũng chơi với những đứa trẻ đã nhiễm bệnh. “Nhưng nay các cháu đã được uống thuốc, tiêm vaccine đầy đủ, vợ chồng tôi rất an tâm”, anh Dinh cho hay.
Ông Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk G’long cho biết, ổ dịch cụm 12, xã Đăk R’măng, ngày 2/7 mới dỡ bỏ cách ly, sau đó tiếp tục tiêm vaccine phòng bệnh cho người dân.
Theo ông Huynh, trên địa bàn huyện, người H’mông sống rải rác chủ yếu ở vùng sâu, đồi núi cao. Nên việc tuyên truyền cũng như tiêm chủng gặp nhiều khó khăn. “Về tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ chung toàn huyện của vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 52 %”, ông Huynh nói.
Trong tháng 6, Đăk Nông ghi nhận 12 ca bạch hầu, trong đó một bé tử vong, một bé là Giàng A Phủ bị biến chứng nguy kịch được đưa về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM điều trị.
Trần Hóa – Vnexpress