Đề xuất phân loại 17 hạng bằng lái xe gây tranh luận

Chuyên gia Nguyễn Văn Thanh nói ông là người trong ngành nhưng thấy “rối mù” khi đọc các hạng bằng lái xe mới theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đề xuất chia giấy phép lái xe ra thành 17 hạng khác nhau thay vì 13 hạng như hiện nay.

Theo đó, hiện nay bằng lái hạng A1 cho phép điều khiển xe máy có dung tích xy-lanh từ trên 50cc đến dưới 175cc; bằng A2 cấp người điều khiển xe trên 175cc. Dự thảo mới quy định, hạng A1 sẽ chỉ được điều khiển xe máy có dung tích xy-lanh đến 125cc; hạng A sẽ được cấp phép điều khiển cho xe máy có dung tích trên 125 cc.

Với các mẫu xe phổ thông có dung tích dưới 175 cc như Honda SH 150, Airblade 150, Honda Winner, Yamaha Exciter 135…, hiện nay người dân có thể điều khiển khi sử dụng bằng A1; còn theo dự thảo mới phải là bằng A. Bằng A cũng được điều khiển xe phân khối lớn trên 175cc như hạng A2 trước đây.

Ngoài ra, dự thảo Luật còn đề xuất bằng lái A0 cho xe máy dung tích dưới 50cc và xe điện dưới 4kw.

Cũng theo dự thảo Luật, bằng lái xe ôtô hạng B1 sẽ không được phép điều khiển ôtô, thay vào đó hạng B1 được cấp cho người lái xe môtô 3 bánh. Hạng B2 sẽ cấp cho người lái xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi hoặc xe tải có khối lượng hàng không vượt quá 3,5 tấn.

Tuy nhiên tài xế chỉ được phép điều khiển các loại xe kể trên với thiết kế số tự động. Hiện nay hạng B2 cho phép lái xe kinh doanh vận tải đến 9 chỗ và dưới 3,5 tấn.

Để được cấp phép điều khiển cả xe số sàn và số tự động thì tài xế cần được cấp bằng B theo dự thảo mới.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng được phân nhỏ bằng lái theo từng loại xe, có thêm các loại bằng lái như BE, C1E, D1E… theo từng loại tải trọng xe.

Bằng lái xe hiện tại cho Bộ Giao thông cấp. Ảnh:Phương Sơn.
Bằng lái xe hiện tại cho Bộ Giao thông cấp. Ảnh:Phương Sơn.

Nhận xét về đề xuất trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, ông là người công tác lâu năm trong ngành, đọc các loại bằng theo dự thảo Luật thấy “rối mù”, như vậy người dân sẽ càng thấy phức tạp, cơ quan chức năng cũng quản lý khó khăn hơn trước. “Đơn cử, loại bằng B1 cấp cho người lái ôtô đã quen thuộc với người dân, nay chỉ cấp cho xe ba bánh”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, sau khi thay đổi loại bằng lái, người dân có thể phải đổi bằng gây lãng phí vì đến lúc nào đó nhà nước cần có sự quản lý thống nhất. Ngoài ra, tâm lý người dân muốn đổi bằng mới hơn là sử dụng bằng cũ, nên sẽ phải bỏ thời gian và chi phí đi đổi.

Ông Thanh cũng cho biết, không đồng tình với việc cấp bằng lái A0 cho xe dưới 50cc và xe điện, vì quy định này bắt buộc học sinh phải học và thi lấy bằng lái xe, sẽ gây phiền hà và tốn kém cho nhiều gia đình, có thể nảy sinh tiêu cực. Thay vào đó, cần đưa các nội dung giáo dục an toàn giao thông vào chương trình học để nâng cao kiến thức cho học sinh.

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, cũng cho rằng, việc chia nhỏ các loại bằng lái xe là không cần thiết, vì gây khó nhận biết cho người dân và dẫn đến nhiều thắc mắc không đáng có.

“Luật cần dễ hiểu với số đông người dân thì mới dễ thực thi”, ông Liên nói.

Giải thích việc thay đổi cách phân hạng bằng lái trong dự thảo Luật, ông Lương Duyên Thống – Vụ trưởng quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục đường bộ Việt Nam, đại diện Ban soạn thảo, cho biết các hạng giấy phép lái xe được sắp xếp lại theo chuẩn quốc tế và theo Công ước Vienna 1968 mà Việt Nam là thành viên. Việc này sẽ tạo điều kiện để bằng lái xe Việt Nam sử dụng được ở nước ngoài và ngược lại. Cùng với đó, việc điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe không phát sinh thủ tục và chi phí cho người dân.

Ông Thống cho biết, luật mới nếu được thông qua sẽ không hồi tố với tài xế đang sở hữu bằng lái cũ. Tài xế có bằng A1 cũ vẫn được điều khiển xe máy đến dung tích 175cc. Họ cũng không cần đổi bằng bởi giấy phép hạng A1 được cấp vô thời hạn. Đối với bằng lái hạng B1, tài xế tiếp tục sử dụng như bình thường cho đến khi hết hạn thì làm thủ tục đổi sang giấy phép theo hạng mới (hạng B2 với xe số tự động hoặc hạng B với xe số sàn).

“Không có chuyện người đang có bằng B1 không được lái ôtô hay bằng A1 không được lái xe SH. Người dân đã được cấp giấy phép lái xe thì cứ sử dụng bình thường”, ông Thống nói.

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, Ban soạn thảo vẫn đang ghi nhận các ý kiến của người dân để sửa đổi phù hợp.

Đoàn Loan – Vnexpress