Quy trình đào tạo phi công Pakistan

Công dân Pakistan từ 17 tuổi trở lên có thể bắt đầu học điều khiển máy bay và mất khoảng 2-3 năm để được cấp bằng phi công thương mại.

Các phi công Pakistan từ tuần trước trở thành tâm điểm chú ý của dư luận vì bê bối gian lận bằng cấp. Bộ trưởng Hàng không Ghulam Sarwar Khan cho biết 262 trong số 860 phi công nước này đã thuê người thi hộ để lấy bằng lái và không đủ khả năng điều khiển máy bay.

Thông tin được đưa ra sau khi Pakistan cho biết máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) gặp nạn khi hạ cánh ở Karachi hôm 22/5, làm 97 người thiệt mạng, là do lỗi của con người. Trước khi thảm họa xảy ra, hai phi công trong buồng lái đã mải mê trò chuyện về Covid-19, phớt lờ các chỉ dẫn và cảnh báo của kiểm soát viên không lưu và tìm cách hạ cánh máy bay khi chưa thả càng đáp.

Một máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan. Ảnh: AFP.
Một máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan. Ảnh: AFP.

Độ tuổi tối thiểu để bắt đầu chương trình đào tạo phi công ở Pakistan là 17 tuổi. Để được học bay, học viên phải có Chứng nhận Trung học Phổ thông (kỳ thi sau khi học hết lớp 10 ở Pakistan). Họ có thể chọn theo học trường đào tạo bay tại Pakistan hoặc nước ngoài hay tham gia Không quân Pakistan để lấy giấy phép.

Có chưa đến 10 trường đào tạo phi công ở Pakistan. Người muốn trở thành phi công cũng có thể theo học chuyên ngành hàng không ở trường đại học. Nếu gia nhập không quân Pakistan, quân đội sẽ chu cấp cho quá trình huấn luyện, với điều kiện học viên phải làm việc cho không quân 12 năm sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, trước khi xuất ngũ và trở thành phi công thương mại.

Để bắt đầu quá trình huấn luyện, học viên cần có giấy chứng nhận sức khỏe. Họ phải đến Cơ quan Hàng không Dân dụng Pakistan để được Giám định viên Y khoa kiểm tra.

Quá trình đào tạo chia thành ba giai đoạn: Chứng chỉ Học viên Phi công (SPL) cho phép học viên bắt đầu huấn luyện, Bằng Phi công Tư nhân (PPL) cho phép bay một mình hoặc chở hành khách và hàng hóa nhưng không được trả công. Bằng Phi công Thương mại (CPL) cho phép làm phi công chuyên nghiệp được trả lương.

Ngoài ra còn có các chứng chỉ nâng cao như Chứng chỉ Bay bằng Phi cụ, tức là điều khiển máy bay trong mọi điều kiện thời tiết như tầm nhìn thấp hoặc bằng không chỉ bằng cách sử dụng các thiết bị trên máy bay, hay Chứng chỉ Đa động cơ, cho phép phi công lái máy bay nhiều động cơ.

Mặc dù giới chức hàng không Pakistan không yêu cầu phi công có trình độ đại học, nhiều hãng hàng không lớn đòi hỏi điều này. Học viên cần có trình độ tiếng Anh cấp 4 trước khi nhận Bằng Phi công Thương mại, tức là có đủ vốn từ để sử dụng trong công việc, ngữ pháp ổn, phát âm có thể bị ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ nhưng không thường xuyên gây khó hiểu.

Theo trang Aviationfly, để có được Bằng Phi công Thương mại ở Pakistan, học viên mất khoảng 2-3 năm với chi phí hơn 60.000 USD, bao gồm Chứng chỉ Bay bằng Phi cụ và Chứng chỉ Đa động cơ.

Cơ quan Hàng không Dân dụng Pakistan (CAA) yêu cầu phi công vượt qua 8 bài thi sát hạch và hoàn thành ít nhất 1.500 giờ bay thương mại để được coi là đủ tiêu chuẩn.

Một nữ học viên phi công tại câu lạc bộ hàng không Karachi, Pakistan. Ảnh: Twitter/Karachi Aero Club.
Một nữ học viên phi công tại câu lạc bộ hàng không Karachi, Pakistan. Ảnh: Twitter/Karachi Aero Club.

Pakistan mở cuộc tra về bằng giả của các phi công từ năm 2018, sau vụ máy bay trượt khỏi đường băng ở Panjgur. Giới chức phát hiện ngày thi trong giấy phép của một số phi công là ngày nghỉ lễ, thời điểm không thể tiến hành kỳ thi. Cuộc điều tra khiến 16 phi công PIA bị ngừng bay năm 2019, song chưa hoàn tất do vụ tai nạn rơi máy bay ở Karachi.

Pakistan đã sa thải 5 quan chức cao cấp của Cơ quan Hàng không Dân dụng sau bê bối và cho biết họ có thể đối mặt với cáo buộc hình sự. Một loạt hãng hàng không quốc tế đã mở điều tra phi công Pakistan. PIA cuối tuần qua gửi thư cho các cơ quan nước ngoài cùng các cơ quan quản lý và an toàn quốc tế, đảm bảo rằng đã dừng bay toàn bộ 141 phi công bị nghi gian lận bằng lái.

Tuy nhiên, Chaudhry Salman, người đứng đầu Hiệp hội Phi công Hàng không Pakistan, công đoàn của các phi công tại nước này, bác bỏ thông tin Bộ trưởng Khan đưa ra. Salman thừa nhận 141 phi công đã bị PIA cấm bay nhưng cho biết các phi công bị cáo buộc gian lận sẵn sàng biện hộ cho mình ở bất kỳ diễn đàn nào.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ra tuyên bố cho biết họ đang theo dõi bê bối chặt chẽ. “Thông tin phi công Pakistan gian lận bằng cấp rất đáng lo ngại, cho thấy một lỗ hổng nghiêm trọng trong việc cấp phép và giám sát an toàn của cơ quan quản lý hàng không”, phát ngôn viên của IATA nói.

Phương Vũ (Theo Aviation Fly/Tribune) – Vnexpress