Quảng trường Poncitlan nằm ở trung tâm Palmdale, thành phố hoang mạc miền nam California, nổi bật với bãi cỏ xanh mướt cùng vọng lâu và đài phun nước. Một bên quảng trường là Tòa Thị chính, bên kia là trạm cứu hỏa. Gần đó là một quán cà phê và khu căn hộ Whispering Palms.
Thời điểm này năm ngoái, lần đầu tiên nơi đây tràn ngập những người kỷ niệm Juneteenth, lễ hội thường niên đánh dấu sự kết thúc của chế độ nô lệ. Hôm 19/6, nó là nơi mà hàng trăm người đau đớn, giận dữ, bày tỏ tiếc thương và nghi ngờ khi thi thể Robert Fuller, một thanh niên da đen 24 tuổi được phát hiện treo cổ chết trên cây vào đầu giờ sáng.
Giờ đây bãi cỏ quanh cây hạt dẻ cười ngập bóng bay, nến, hoa và ảnh của Fuller. Một lá cờ Mỹ khổng lồ bay phấp phới trên cao, khi người ta tụ tập quanh gốc cây, bày tỏ tuyệt vọng vì mạng sống một người da đen nữa mất đi.
Sở cảnh sát Los Angeles ban đầu kết luận đây là vụ tự sát. Nhưng cơ quan này nhanh chóng chuyển hướng bằng cách tuyên bố sẽ điều tra toàn diện như một phản ứng trước các cuộc biểu tình tại thành phố và khắp đất nước chống lại nạn bạo lực và phân biệt chủng tộc của cảnh sát.
“Người da đen không bao giờ làm thế”, Terry L.Scott, một đại lý bất động sản đến từ Los Angeles, cách Palmdale khoảng một giờ lái xe về phía tây, nói. Ý kiến của anh được nhiều người dân Palmdale đồng tình. “Họ không bao giờ treo cổ tự sát trên một cái cây ở nơi công cộng”.
Khi căng thẳng gia tăng khắp nước Mỹ sau vụ sát hại George Floyd, một người da đen chết vì bị cảnh sát ghì gáy, khu vực sa mạc phía đông Los Angeles này lại rúng động không chỉ vì cái chết của Fuller mà còn vì một vụ tương tự gần Victorville, nơi người ta tìm thấy một người đàn ông da đen chết trong tư thế treo cổ trên cây, thòng lọng là sợi dây máy tính.
Vụ này, cũng giống vụ đầu tiên, đều kết luận sơ bộ là tự sát. Giới chức cho hay cả hai vụ đều không có dấu hiệu tội phạm. Nhưng bây giờ, để đáp lại thỉnh cầu từ các nhà hoạt động và gia đình người chết, chính quyền địa phương hứa sẽ điều tra toàn diện. Sự tham gia giám sát của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các nhà điều tra từ Bộ Tư pháp Mỹ, là dấu hiệu cho thấy sự mất tín nhiệm giữa cộng đồng người da đen với lực lượng thực thi pháp luật ở hai thành phố.
Các vụ án làm nổi bật lịch sử bấy lâu ở Nam California về phân biệt chủng tộc, nạn lạm quyền trong cảnh sát và sự hiện diện kéo dài của các nhóm theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
“Tôi cho rằng họ đã kết luận quá vội vàng”, Jamon R.Hicks, luật sư đại diện cho gia đình Fuller, nói. Ông đang sắp xếp để Fuller được khám nghiệm tử thi.
“Điều khiến tôi lo ngại là vụ án mang những dấu hiệu lịch sử rõ ràng mà họ không thèm xem xét. Ngay từ đầu tôi đã không cho rằng đây là vụ tự tử, mà giống một vụ hành hình kiểu linsơ thời hiện đại (kiểu hành hình của những kẻ phân biệt chủng tộc chống lại người da đen)”.
Ít nhất ba vụ treo cổ khác ở nơi công cộng trong những ngày gần đây bị kết luận là tự tử, tại Texas và thành phố New York, làm dấy lên nhiều nghi vấn. Một thiếu niên người da đen chết gần một trường tiểu học ở Spring, Texas. Một người đàn ông gốc Tây Ban Nha chết ở Houston. Một người đàn ông da den khác chết trong tư thế treo cổ trên cây ở công viên Manhattan.
Giới chức trong các vụ này đều kết luận không có bằng chứng cho thấy có dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, những cái chết này thu hút sự chú ý của truyền thông xã hội, khi nhiều nhà hoạt động bày tỏ lo sợ chúng có thể là dấu hiệu của phản ứng chống lại phong trào Black Lives Matter (Mạng sống người da màu đáng giá), còn những người khác kêu gọi chính quyền liên bang mở điều tra.
Tại Nam California, người ta mới tìm thấy vài sợi dây thừng treo trên 5 cái cây trong một công viên đông người lui tới ở Oakland, khiến FBI phải mở điều tra xem đây có phải vụ án hình sự mang động cơ thù ghét hay không, dù một số người cho rằng mấy sợi dây chỉ là thiết bị tập luyện.
Thị trưởng Oakland Libby Schaaf tuyên bố bất kỳ ai có ý định treo dây thừng trên cây đều liên quan tới điều tra hình sự, đồng thời thừa nhận nó mang tính biểu tượng cho hành hình kiểu linsơ.
Tại Victorville, thành phố cách Palmdale 80 km về phía đông ở hạt San Bernardino, người dân đã tụ tập yêu cầu cảnh sát điều tra cái chết của Malcom Harsch, 38 tuổi, một người vô gia cư sống trong một túp lều, khi tìm thấy ông này trong tư thế treo cổ trên cây hôm 31/5, 10 ngày sau cái chết của Fuller.
Theo lời một nhân viên xã hội tóm tắt bản điều tra do sở cảnh sát San Bernardino kết luận, thi thể của Harsch không có vết thương do bị tấn công. Sợi dây để lại vết hằn sâu quanh cổ, điển hình của dấu hiệu tự tử, vài dấu vết ít ỏi khác cho thấy Harsch đã cố gắng thoát khỏi chiếc thòng lọng.
Nhưng nhiều người dân của thành phố tỏ ra vô cùng tức giận khi cảnh sát kết luận nhanh chóng Harsch chết do tự tử mà không khám nghiệm tử thi tới tận 12 ngày sau khi tìm thấy thi thể. Cái chết của Harsch cũng không được công bố tới gần hai tuần sau, chỉ khi truyền thông đưa tin. Trong cả hai vụ, cảnh sát không hề công bố thư tuyệt mệnh.
Gia đình của Harsch và Fuller đều nghi ngờ cái chết của người thân không phải do tự tử. Nhưng cuối tuần trước, gia đình của Harsch thông qua một phát ngôn viên, cho biết đã xem lại băng ghi hình do cảnh sát cung cấp và chứng thực Harsch chết do tự tử.
Tuy nhiên, trong cuộc biểu tình gần đây tại Palmdale, chị gái Diamond Alexander của Fuller, người sống ở Arizona, khẳng định “em tôi không tự tử. Nó không phải người như thế”.
Karmen Smith, chuyên gia trị liệu tâm thần, bàng hoàng trước cái chết của Fuller. Fuller tốt nghiệp trường trung học ở địa phương, thích bóng rổ, tính cách hài hước và hướng ngoại. Smith đã lái xe từ Las Vegas tới quảng trường ở Palmdale.
Cô không tin một người đàn ông da đen sẽ treo cổ tự tử trên một cái cây ở công viên công cộng, bởi lịch sử nước Mỹ ghi nhận đây là lối hành hình của những kẻ phân biệt chủng tộc với người da đen. Khi Smith bước vào công viên sáng 16/6, cô đã hét lên vì giận dữ và đau buồn.
Các quan chức hạt Los Angeles cho hay đang tìm kiếm video từ camera an ninh quanh khu vực công viên và phân tích thòng lọng treo cổ Fuller.
Tại quảng trường ở Palmdale, lịch sử đau thương của nước Mỹ lại hiện ra. Một người đàn ông đặt những tấm ảnh về người da màu thời trước tại Mỹ bị hành hình kiểu linsơ. Những người khác thảo luận về các vấn đề khó giải quyết trong khu vực, về sự phân biệt đối xử trong mua bán nhà cửa, về đặc điểm chủng tộc, về sự hiện diện của các nhóm phát xít kiểu mới.
Khu vực này một thời chỉ có người da trắng sinh sống và suốt Thế Chiến II, nơi đây trở thành khu vực phát triển hàng không vũ trụ, thu hút thêm nhiều gia đình tới định cư. Trong những thập niên gần đây, nhân khẩu học thay đổi, người da đen và người gốc Latin từ Los Angeles tới đây tìm kiếm nhà cửa có giá phải chăng. Sự dịch chuyển này gây căng thẳng sắc tộc.
“Tôi chuyển đến đây từ Compton 10 năm trước”, Aleka Jackson, 48 tuổi, sống ở Victorville, nói. “Tôi muốn nuôi dạy con cái trưởng thành ở một nơi an toàn hơn nhưng khi chuyển chỗ, các vấn đề rắc rối đi kèm cũng thay đổi. Thay vì một nơi thịnh hành các băng đảng như chỗ cũ, tôi đối mặt với kỳ thị chủng tộc”.
Nhiều người da đen và Latin chuyển tới đây là những người có thu nhập thấp, sử dụng ưu đãi thuê nhà từ chương trình hỗ trợ nhà ở theo Mục 8 của Đạo luật Nhà 1937 theo luật liên bang.
Điều này khiến chính quyền địa phương hợp tác cùng sở cảnh sát nhằm vào những người có thu nhập thấp để trục xuất, theo các nhà điều tra liên bang, những người phát hiện cảnh sát có hành vi lạm dụng chống lại người gốc Phi năm 2013. Cuộc điều tra dẫn tới việc chính quyền liên bang phải ra quy định giám sát các cơ quan cảnh sát địa phương.
“Tôi cảm thấy cuộc sống của người da đen ở đây vẫn rất dễ bị tổn thương”, Christian D.Greeen, một mục sư địa phương kiêm trợ giảng về lịch sử người Mỹ gốc Phi tại một số trường đại học, nói.
Một ngày sau khi Fuller chết, một phó cảnh sát trưởng đã bắn chết một người đàn ông da đen tại nhà riêng của anh này ở Lancaster sau một cuộc cãi vã. Sở cảnh sát biện hộ Michael Thomas, người bị giết, đã cố đoạt súng của cảnh sát nhưng hôn thê của anh phủ nhận.
Mục sư Jacob D.R.Johnson tại nhà thờ Baptist thung lũng Growing, một hội thánh mà con chiên chủ yếu là người Mỹ gốc Phi tại Lancaster, cho biết ông không dám đến nhìn công viên nơi tìm thấy Fuller treo cổ. “Tôi đã trằn trọc nhiều đêm”, ông nói.
Johnson là phó chủ tịch một hiệp hội địa phương của NAACP (hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu tại Mỹ). Giống nhiều lãnh đạo người da đen khác tại đây, ông đang lên tinh thần cho khả năng Fuller bị sát hại cũng như phản ứng của người dân.
“Chúng tôi sẽ không đưa ra kết luận nhanh chóng”, ông nói. “Lý trí mách bảo chúng tôi phải chờ đợi”.
Ông bị ám ảnh bởi sự phân biệt chủng tộc hiện hữu trong khu vực, nơi đâu đó lại hiện lên hình vẽ biểu tượng phát xít hay hình ảnh các giáo viên một trường trung học ở Palmdale tươi cười cầm dây thòng lọng.
“Tội ác do thù hận gây ra không thể tưởng tượng nổi”, ông nói. Cho tới khi tìm ra đáp án, “chúng tôi yêu cầu mọi người thường xuyên liên lạc với người nhà”.
Hồng Hạnh (Theo New York Times) – Vnexpress