Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Muốn viết đều đặn, hãy nuôi dưỡng tâm hồn mình

Nguyễn Nhật Ánh dường như không còn là cái tên quá xa lạ đối với bạn đọc yêu văn. Qua hơn 30 năm sáng tác, Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành một thương hiệu khi nhắc đến truyện dành cho thiếu nhi ở Việt Nam. Điều gì làm nên sức hút sau những tác phẩm mà cả thiếu nhi lẫn người lớn đều say mê như vậy?

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: Mai Thương
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho độc giả – Ảnh: Mai Thương

Vào một ngày gió lạnh đầu đông, hãy cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ngồi xuống, nhâm nhi ly trà và bàn về câu chuyện của những người trót mang lòng si mê cùng chữ nghĩa…

Viết văn là cuộc dạo chơi của cảm xúc

Sau hơn 30 năm viết sách, sách của Nguyễn Nhật Ánh vẫn luôn xếp vào hàng best-seller, chứng tỏ sức hút của anh với nhiều thế hệ bạn đọc chưa bao giờ cạn kiệt. Liệu anh có thể chia sẻ bí quyết của mình để giữ vững phong độ như vậy?

Thực ra với tôi, khi viết văn, tôi không hề có bí quyết gì. Tôi viết bởi trước hết, tôi có nhu cầu viết ra những suy niệm, những cảm xúc của tôi về cuộc đời. Như có lần đã nói, tôi có một tuổi thơ đầy ám ảnh. Những ám ảnh của tuổi thơ cứ đeo bám cuộc đời tôi, giằng xé, day dứt trong tâm can khiến tôi phải dùng cây bút của mình để cho chúng tràn ra mặt giấy. Và phải nói là tôi hoàn toàn có số đỏ, có may mắn khi được bạn đọc yêu thương những gì mình viết nhiều đến như vậy.

Là một nhà văn viết truyện thiếu nhi, nhưng ông được độc giả mọi thế hệ yêu mến - Ảnh: Mai Thương
Là một nhà văn viết truyện thiếu nhi, nhưng ông được độc giả mọi thế hệ yêu mến – Ảnh: Mai Thương

Vậy với ông, điều gì quan trọng nhất khi viết văn?

Với tôi, quan trọng nhất phải là cảm xúc. Nếu viết sách mà mình không hứng thú với nó thì mình không thể viết hay được. Trước khi làm cho người đọc thích những gì mình viết thì bản thân nhà văn phải rung động với những gì mình tạo ra mới được. Đến cả anh còn không yêu những gì mình viết thì đâu ai chấp nhận được tác phẩm của anh?

Luôn nhiệt thành và trân quý độc giả của mình. - Ảnh: Mai Thương
Luôn nhiệt thành và trân quý độc giả của mình. – Ảnh: Mai Thương

Tôi vẫn quan niệm như những nhà văn khác rằng, tất cả những gì xuất phát từ trái tim mình thì sẽ chạm được vào trái tim của người khác. Những cảm xúc chân thật là điều dễ khiến người đọc xúc động nhất và khiến họ tha thiết với tác phẩm của mình. Tôi không bao giờ viết văn theo kiểu gượng ép. Tôi không viết sách để kịp xuất bản. Tôi viết trước hết là bởi nhu cầu giãi bày của chính mình. Vậy nên khi đó, cảm xúc với tôi là yêu cầu tiên quyết khi làm nghề.

Như ông vừa chia sẻ, dù mục đích viết văn của ông không phải để kịp thời hạn nộp cho nhà xuất bản, nhưng định kỳ mỗi năm ông lại đều đặn cho ra một đầu sách. Ông có thể chia sẻ làm sao để mình có thể viết đều đặn, miệt mài và liên tục vậy không?

Về mặt làm nghề, tôi nghĩ nhà văn phải duy trì phong độ bằng cách làm việc mỗi ngày. Đã làm nghề viết phải thường xuyên cọ xát với chữ nghĩa bằng cách lúc nào cũng viết và đọc, tức là phải tắm mình trong môi trường chữ nghĩa, bằng cách này hay cách khác.

Điều quan trọng nhất là nhà văn phải cảm thấy hứng thú, thậm chí say mê với đề tài mình đang đeo đuổi.

Theo kinh nghiệm của tôi, để được như vậy người viết ngay từ đầu phải chọn đúng đề tài phù hợp với tâm tính và thiên hướng sáng tạo của mình. Khi ấy, viết văn không còn là một nghề nữa, mà đó là một cuộc dạo chơi.

Tôi viết một cách hoàn toàn tự nhiên. Mà muốn chơi với chữ nghĩa một cách đều đặn thì phải nuôi dưỡng tâm hồn, bản thân tôi là người viết tôi sợ nhất là chai lì cảm xúc. Rất may đến giờ này tôi vẫn có thể rung động được. Còn nếu hỏi làm sao để nuôi dưỡng nó thì tôi không biết, cái đó tùy vào mỗi người.

Văn chương và điện ảnh là một sự cộng hưởng

Sau 2 bộ phim là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Cô gái đến từ hôm qua” được chuyển thể từ tác phẩm của ông thì sắp tới sắp có bộ phim ‘Mắt biếc’. Vậy ông có suy nghĩ gì về việc nhân đôi giá trị khi từ một tác phẩm văn chương ra đến tác phẩm diện ảnh?

Theo tôi nghĩ, văn chương và điện ảnh là một sự cộng hưởng. Vì nhà văn và đạo diễn canh tác trên hai thửa đất khác nhau, hai loại hình khác nhau. Nhà văn là người chịu trách nhiệm về chất lượng còn đạo diễn lại chịu trách nhiệm về hình ảnh cho bộ phim của mình. Khi cộng hưởng như vậy, bạn đọc sẽ có cơ hội đắm mình trong câu chuyện đến hai lần. Và cái khó của điện ảnh là phải làm sao mà chuyển thể được một cách đầy cảm xúc. Bởi độc giả, nếu đọc sách rồi, họ biết được cái kết, tính hấp dẫn li kì lúc này không còn nữa. Quan trọng nhất là mình phải lấy được cảm xúc qua từng khung hình.

Nếu như nói khán giả khi xem phim đã biết trước cái kết sẽ không còn hấp dẫn, vậy anh suy nghĩ thế nào về những việc đạo diễn thay đổi nội dung so với tác phẩm gốc?

Các tác phẩm văn học được chuyển thể điện ảnh là cơ hội để cho tác phẩm đó có thêm một cuộc sống khác. Về mặt tinh thần bạn đọc sẽ được thưởng thức một món ăn tới 2 lần, với những cách chế biến khác nhau và hương vị khác nhau tuy cùng một nguyên liệu.

Quan niệm như vậy nên tôi không cực đoan đến mức phải đòi hỏi các đạo diễn phải trung thành tuyệt đối với tác phẩm của mình. Những gì tôi làm là để phục vụ cảm xúc của bạn đọc. Chỉ cần bạn đọc thấy hạnh phúc, thấy vui sau khi xem một bộ phim hoặc đọc một cuốn sách, chừng đó thôi là quá đủ cho những người làm nghệ thuật.

Cảm ơn ông, chúc ông nhiều sức khỏe và tiếp tục đồng hành cùng bạn đọc trên chặng đường văn chương trước mặt.

Bằng tâm huyết của mình, những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn neo đậu lại trong lòng độc giả những cảm xúc tốt đẹp. - Ảnh: Mai Thương
Bằng tâm huyết của mình, những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn neo đậu lại trong lòng độc giả những cảm xúc tốt đẹp. – Ảnh: Mai Thương

Mai Thương – Star.vn

Để lại một bình luận