Lục địa 5 triệu km2 chìm dưới Thái Bình Dương

Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu công bố bản đồ mô tả đặc điểm địa chất và kiến tạo của Zealandia, lục địa chìm xuống biển cách đây 8 triệu năm.
Bản đồ Zealandia. Ảnh: CNN.
Bản đồ Zealandia. Ảnh: CNN.

Từng thuộc cùng dải đất với Nam Cực và Australia, lục địa mất tích Zealandia tách ra cách đây 85 triệu năm, chìm xuống dưới biển và bị ngập phần lớn trong nhiều thế kỷ qua. Viện nghiên cứu GNS Science ở New Zealand, công bố hai bản đồ mới và một website tương tác hôm 22/6. Các bản đồ mô tả hình dáng của đáy biển và đặc điểm kiến tạo của Zealandia, hé lộ nguồn gốc của lục địa này. Bản đồ cũng giúp lý giải sự hình thành của núi lửa, lưu vực trầm tích và nhiều đặc trưng địa chất khác của New Zealand.

“Những bản đồ này là một cột mốc khoa học. Đó là cách truyền đạt nghiên cứu của chúng tôi với đồng nghiệp, cổ đông, các nhà giáo dục và cộng đồng”, nhà địa chất học Nick Mortimer, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ. “Chúng tôi tạo ra bản đồ để cung cấp bức tranh địa chất chính xác về New Zealand cùng khu vực tây nam Thái Bình Dương, hoàn chỉnh và cập nhật hơn trước”.

Nghiên cứu công phu về Zealandia rộng khoảng 5 triệu km2 giúp xác định đó không chỉ là một nhóm đảo và mảnh vỡ mà là một lục địa lớn và riêng biệt đủ để được công nhận chính thức. Zealandia từng là một phần của Gondwana, siêu lục địa bao gồm cả châu Phi và Nam Mỹ. Cách đây 85 triệu năm, Zealandia tách khỏi Gondwana. Mảng đất liền trôi dạt lớn bằng một nửa diện tích Australia là nơi sinh sống của khủng long và có rừng mưa xanh tốt. Hàng triệu năm sau, các mảng kiến tạo trên thế giới bắt đầu tái sắp xếp trong thời kỳ biến động địa chất dữ dội.

Trong thời kỳ này, Thái Bình Dương, mảng kiến tạo lớn nhất thế giới, sụp xuống bên dưới Zealandia. Quá trình hút chìm này khiến nền lục địa vỡ ra và chìm xuống theo, theo Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ.

Hiện nay, khoảng 94% diện tích của Zealandia chìm dưới nước, nhưng một số khu vực của lục địa này vẫn nhô lên, tạo thành New Zealand và các quần đảo nhỏ. Điểm cao nhất của Zealandia là núi Aoraki hay còn gọi là núi Cook (3.724 m). Giới nghiên cứu vẫn còn nhiều điều chưa biết về Zealandia và chưa thể xác định liệu phát hiện về lục địa có thể làm thay đổi mô hình khí hậu trong lịch sử hay không.

An Khang (Theo CNN) – Vnexpress