“Nếu là một tổng thống khác vào một thời điểm khác, hy vọng tái tranh cử của Donald Trump có lẽ đã tiêu tan”, bình luận viên Stephen Collinson mở đầu bài phân tích trên CNN.
Trump đang đối mặt với một trong những giai đoạn khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất mà tổng thống Mỹ từng trải qua. Phản ứng sai lầm trong giai đoạn đầu đại dịch của chính quyền Trump khiến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất toàn cầu, với hơn 120.000 người chết. Tổng thống Mỹ liên tục “vẽ bức tranh màu hồng” về Covid-19 khi cho rằng nCoV đang dần biến mất, bất chấp thực tế nhiều bang Mỹ ghi nhận số ca nhiễm tăng, đe dọa nỗ lực mở cửa và phục hồi nền kinh tế.
Làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi bị cảnh sát Minneapolis ghì gáy gần 9 phút, khiến Trump lún sâu trong khủng hoảng. Đe dọa triển khai quân đội dẹp bạo loạn hay gọi một số người biểu tình là “kẻ khủng bố” là hai trong nhiều tuyên bố của Trump khiến các cố vấn lo ngại làm mờ triển vọng tái đắc cử.
Tòa án Tối cao Mỹ tuần trước ra hai phán quyết bảo vệ cộng đồng LGBT khỏi hành động phân biệt đối xử tại nơi làm việc và tiếp tục chương trình Tạm hoãn trục xuất trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA), động thái đi ngược kỳ vọng của chính quyền Trump.
Trump ghét trở thành “kẻ thua cuộc” trong cuộc đua vào Nhà Trắng với cựu phó tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, nhiều cuộc thăm dò cho thấy ứng viên Dân chủ Biden đang “vượt mặt” Trump. Kết quả thăm dò mới nhất của Ipsos/Reuters cho thấy tỷ lệ ủng hộ Biden là 48%, trong khi Trump chỉ là 35%.
Những trích đoạn trong hồi ký “The Room Where It Happened: A White House Memoir” (Căn phòng nơi chuyện đó xảy ra: Hồi ký Nhà Trắng) của John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia, dự kiến phát hành ngày 23/6, cũng “đổ thêm dầu” vào tuần khủng hoảng của Trump. Trong đó, chi tiết Trump từng đề nghị lãnh đạo Trung Quốc giúp đỡ để tái đắc cử khiến nhiều người hoài nghi về chính sách cứng rắn với Bắc Kinh của ông.
Tuần khủng hoảng của Trump khép lại với buổi vận động tranh cử ở Tulsa, bang Oklahoma hôm 20/6, sự kiện mà nhiều nhà dịch tễ học và giới chức y tế địa phương lo ngại một lần nữa kích nổ “quả bom Covid-19” ở Mỹ.
Các khủng hoảng liên tiếp bủa vây Donald Trump khi chưa đầy 5 tháng nữa Mỹ bầu cử tổng thống và mọi chỉ số đều “báo động đỏ” với Trump. Nhiều cố vấn, trợ lý thân cận của Trump bày tỏ lo ngại ông “tự giẫm chân mình” trong cuộc đua vào Nhà Trắng hoặc không còn mặn mà với vai trò “thuyền trưởng” của con tàu Mỹ. Tuy nhiên, Collinson nhận định “thực tế cho thấy Trump chưa từng bị đánh bại, dù các chỉ số của ông luôn báo đỏ”.
Nhiều thành viên đảng Dân chủ và những người không ủng hộ Trump lo sợ Trump rất có thể tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Thực tế chứng minh Trump, người đàn ông từng tuyên bố “có thể bắn một người bất kỳ trên Đại lộ 5 ở New York mà không sợ bị mất cử tri”, đã từng tạo nên bất ngờ trên chính trường Mỹ cách đây 4 năm.
Năm 2016, hầu như tất cả kết quả thăm dò ý kiến về cuộc đua giữa Trump và Hillary Clinton đều chỉ ra ứng viên đảng Dân chủ sẽ trở thành tổng thống. Tuy nhiên, chiến thắng cuối cùng lại thuộc về Trump.
Trong bài phân tích trên Hill, Joshua H. Sandman nhận định Trump vẫn có khả năng cạnh tranh cao trong cuộc đua vào Nhà Trắng, thậm chí là chiến thắng, dù có nhiều động thái được đánh giá đe dọa tới triển vọng tái đắc cử. Là một tổng thống theo chủ nghĩa dân túy với quan điểm “nước Mỹ trước tiên”, Trump vẫn được nhiều người phe Cộng hòa tín nhiệm. Theo cuộc khảo sát mới đây của NBC/Wall Street Journal, Trump nhận được 89% ủng hộ trong phe Cộng hòa.
Ngoài ra, Sandman cho rằng cử tri đoàn vẫn nghiêng về phía phe Cộng hòa. “Các bang bảo thủ miền Nam, Tây Nam, vùng đồng bằng và Trung Tây sẽ bỏ phiếu cho phe Cộng hòa bất kể ứng viên là ai. Các bang vùng Đông Bắc và bờ biển phía Tây sẽ bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ”, Sandman nhận định.
Do đó, Sandman cho rằng kết quả bầu cử sẽ phụ thuộc rất nhiều ở các bang “chiến địa” như Arizona, Michigan, Pennsylvania, và Wisconsin. Đồng thời, Ohio, Iowa, Florida và Bắc Carolina cũng là các bang cạnh tranh cao.
“Tuy nhiên, cho tới ngày bầu cử, đa số thành phần bảo thủ và nền kinh tế dần hồi phục là hai yếu tố đưa các bang cạnh tranh này nghiêng về phía Cộng hòa”, Sandman nói.
Trong các cuộc phỏng vấn của Politico ở 50 bang, nhiều lãnh đạo địa phương thuộc phe Cộng hòa cho rằng triển vọng tranh cử của Trump không hề xấu đi so với 6 tháng trước và cho rằng kết quả thăm dò dư luận không đáng tin cậy.
Jane Timken, thành viên đảng Cộng hòa ở bang Ohio, chia sẻ bà không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy tỷ lệ ủng hộ Trump giảm. Trong khi đó, Lawrence Tabas, thành viên đảng Cộng hòa bang Pennsylvania, dự đoán Trump không chỉ chiến thắng ở bang của ông mà còn đánh bại đối thủ Biden với cách biệt 100.000 phiếu, cao gấp đôi so với thành tích năm 2016.
Nhà phân tích Sandman cũng thêm rằng, so với Biden, Trump được xem là “bậc thầy” về chiến dịch vận động tranh cử. Trump có thể sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông và chiến dịch vận động tranh cử để “vẽ bức tranh” bất lợi cho đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trump cho rằng Biden, khi còn làm phó tổng thổng Mỹ năm 2016, đã gây sức ép để Ukraine không điều tra bê bối tham nhũng ở Burisma, công ty năng lượng mà Hunter, con trai cựu phó tổng thống, từng tham gia làm ăn. Biden bác bỏ cáo buộc này, tuyên bố không trao đổi nhiều với con trai về việc làm ăn ở nước ngoài.
Trump cũng từng mô tả phe Dân chủ là những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, không coi trọng các giá trị về gia đình, đức tin và chủ nghĩa yêu nước.
Tổng thống Mỹ đã tự hào tuyên bố rằng trước đại dịch, Mỹ đã có “nền kinh tế phát triển nhất từ trước tới nay” và khẳng định ông sẽ khôi phục thành công này trong nhiệm kỳ thứ hai.
“Các bài đăng Twitter đầy tính công kích hay các thuyết âm mưu của Trump có khả năng mang lại hiệu quả và đặt đối thủ của ông vào thế phòng thủ, khi phải tìm cách thanh minh”, Sandman nói.
Nhiều chiến lược gia đảng Cộng hòa cho rằng còn quá sớm để nói về kết quả bầu cử tháng 11 tới, nhưng khẳng định lạc quan về một thế trận tốt cho Trump. Thậm chí, họ tin rằng phong trào kêu gọi “cắt ngân sách cảnh sát” không làm tổn hại triển vọng tranh cử của Trump, mà ngược lại còn có lợi cho ông.
“Càng nhiều thứ tồi tệ xảy ra ở đất nước này, sự ủng hộ dành cho Trump càng được củng cố”, Phillip Stephens, thành viên đảng Cộng hòa ở hạt Robeson, bang Bắc Carolina, nhận định. “Chúng tôi gọi ông ấy là ‘Trump vững chãi’. Chẳng gì có thể gây trở ngại, bởi nếu có, nó chỉ khiến cuộc đua trở nên thú vị hơn hồi năm 2016”.
Thanh Tâm (Theo CNN, Politico, Hill) – Vnexpress