Bi kịch của người Mỹ từng chiến đấu cho hải quân Trung Quốc

135 năm trước, một thanh niên Mỹ đến Trung Quốc giúp nước này phát triển hải quân, nhưng kết thúc cuộc đời trong đau đớn.

Philo Norton McGiffin sinh năm 1860 ở Pennsylvania, theo học Học viện Hải quân Mỹ năm 1877. Sau 8 năm huấn luyện, McGiffin tốt nghiệp Học viện Hải quân, nhưng không được phong hàm sĩ quan, do hạm đội Mỹ khi đó không có đủ tàu để phân công nhiệm vụ cho tất cả học viên tốt nghiệp. Không đất dụng võ, McGiffin, rời Mỹ năm 1885 để đến Trung Quốc tìm việc, khi nhà Thanh đang trong Chiến tranh Pháp – Thanh (1884 – 1885).

Philo Norton McGiffin. Ảnh: SCMP.
Philo Norton McGiffin. Ảnh: SCMP.

Khi McGiffin đến Trung Quốc, cuộc chiến gần như đã kết thúc, nhưng anh vẫn được hải quân nhà Thanh tuyển mộ và bổ nhiệm làm chỉ huy tạm thời một tàu bọc thép trong quá trình nó nằm trên ụ nổi. Anh sau đó trở thành giảng viên tại học viện hải quân ở thành phố Thiên Tân, đông bắc Trung Quốc.

McGiffin trở thành một trong số ít các chuyên gia quân sự từ Mỹ và châu Âu được tuyển mộ để hỗ trợ nhà Thanh hiện đại hóa và nâng cao năng lực phòng thủ.

“Câu chuyện của McGiffin là một ví dụ nổi bật về cách Trung Quốc muốn hiện đại hóa lực lượng quân sự với sự giúp đỡ của phương Tây, sau khi bị đánh bại trong nhiều cuộc chiến”, Katherine Chu Man-yin, người phụ trách buổi triển lãm trực tuyến về McGiffin tại Bảo tàng Hàng hải Hong Kong tháng này, nói.

Trong 12 năm ở Trung Quốc, McGiffin đã gửi nhiều thư về cho mẹ, mỗi lá thư dài đến 18-20 trang, kể về công việc và những người anh đã gặp. Những lá thư cũng cho thấy McGiffin rất nhớ nhà.

McGiffin được trả lương 100 USD một tháng và được ở một ngôi nhà thoải mái gần học viện hải quân. Anh mô tả nó có mái hiên lớn, vườn hoa, cây mai, có trần rất cao và giếng trời ở trung tâm.

McGiffin còn làm công việc khảo sát thủy văn ở bờ biển bán đảo Triều Tiên, giúp giám sát việc chế tạo 4 tàu chiến cho Trung Quốc ở Anh. McGiffin cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập một trường chuyên đào tạo hải quân ở Uy Hải, tỉnh Sơn Đông.

Chiến tranh Thanh – Nhật nổ ra ngày 1/8/1894 do tranh giành quyền kiểm soát Triều Tiên, khi đó còn là nước chư hầu của nhà Thanh. Giống như hầu hết nhà quan sát vào thời điểm đó, McGiffin cảm thấy tự tin rằng Trung Quốc sẽ chiến thắng.

Trận chiến mang tính bước ngoặt của Chiến tranh Thanh – Nhật là trận trên sông Áp Lục, ranh giới giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên diễn ra ngày 17/9/1894. Đây là một trong những trận chiến hải quân hiện đại đầu tiên trong lịch sử với sự tham gia của tàu bọc thép chạy bằng hơi nước và đại bác cỡ nòng lớn.

McGiffin là sĩ quan cố vấn cho hạm trưởng của tàu bọc thép Trấn Viễn trong một đội tàu chiến Trung Quốc tham chiến. Ngày 17/9/1894, đội tàu này neo đậu tại cửa sông Áp Lục và phát hiện hạm đội Nhật đang đến gần. McGiffin và các sĩ quan nhà Thanh cho rằng đây là cơ hội hoàn hảo để tấn công và chặn đứng tham vọng của người Nhật.

Trận chiến bắt đầu khi hai tàu bọc thép Trung Quốc cùng 10 tàu chiến nã đại bác 300 mm do Đức sản xuất vào 13 tàu Nhật Bản. Nhưng thay vì giành chiến thắng dễ dàng, đội tàu chiến Trung Quốc hứng chịu thất bại thảm hại. “Người Nhật ngay sau đó khai hỏa đáp trả”, McGiffin kể lại.

McGiffin bị thương nặng trong khi cố gắng chỉ huy một nhóm thủy thủ dập tắt đám cháy trên phần boong ở mũi tàu, trong khi cơn mưa đạn từ đối thủ trút xuống.

“Anh ấy dường như đã trúng ít nhất 40-50 mảnh đạn và còn bị hỏng một mắt”, tạp chí Strand cho biết trong cuộc phỏng vấn McGiffin một năm sau trận chiến. Nhật Bản đã treo thưởng 5.000 yen cho người giết được McGiffin. Để đề phòng trường hợp bị bắt, McGiffin mang theo một lọ chất độc hydro xyanua trên người. Việc McGiffin còn sống là một phép màu, tạp chí viết.

Sau trận chiến, Nhật liên tiếp giành chiến thắng, kiểm soát bán đảo Triều Tiên và một phần bờ biển Trung Quốc.

McGiffin cho rằng quân Thanh thất bại vì “hành vi phản quốc trong đội ngũ quan chức hải quân cấp cao”, mặc dù cáo buộc này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Anh cho rằng đại đô đốc của hải quân nhà Thanh đã nhận tiền hối lộ của Nhật.

Bởi vậy, các tàu chiến không có đủ đạn pháo và nhiều quả đạn được nhồi đầy cát thay vì thuốc nổ. Nhà Thanh đã tuyển mộ các chuyên gia và mua công nghệ hải quân phương Tây, nhưng nạn tham nhũng trong đội ngũ quan lại khiến các vũ khí hiện đại của họ bị giảm uy lực.

Mặc dù bị thương nghiêm trọng, McGiffin đã điều khiển tàu về cảng Uy Hải an toàn và được điều trị trước khi trở về Mỹ.

Khi tiếp tục được điều trị tại bệnh viện ở New York, những cơn đau mạn tính của McGiffin ngày càng vượt quá sức chịu đựng và thị lực ngày càng suy yếu. Ngày 11/2/1897, McGiffin dùng súng lục kết liễu đời mình ở tuổi 36.

Phương Vũ (Theo SCMP) – Vnexpress