Dàn khí tài Nga luyện tập Duyệt binh Chiến thắng

Hơn 200 khí tài cơ giới và 75 máy bay luyện tập tại các thao trường gần Moskva, chuẩn bị cho lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 24/6.
Quân đội Nga hôm 8/6 bắt đầu đợt tập duyệt binh tại thao trường Alabino, ngoại ô thủ đô Moskva với sự tham gia của 14.000 binh sĩ, 38 khí tài thời Thế chiến II, 190 phương tiện cơ giới hiện đại và 75 máy bay. Đợt tập luyện sẽ kéo dài đến ngày 15/6, sau đó các lực lượng sẽ tiếp tục tập trên Quảng trường Đỏ ngày 17 và 18, trước khi tổng duyệt ngày 20/6.
Lính hải quân đánh bộ Nga tập diễu duyệt qua lễ đài.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết những người tham gia duyệt binh đều được xét nghiệm nCoV và không có triệu chứng mắc Covid-19. Toàn bộ binh sĩ phải đeo khẩu trang trong quá trình huấn luyện và bị cấm tiếp xúc với những người không liên quan đến lễ duyệt binh. Tuy nhiên, quá trình tập luyện vất vả nhiều người kéo khẩu trang xuống dưới mũi để thở dễ dàng hơn.
Khối nữ học viên đi qua lễ đài tại thao trường tập luyện.
Dàn khí tài Nga luyện tập duyệt binh Ngày Chiến thắng
   

Các loại máy bay quân sự di chuyển đến sân bay tập kết, chuẩn bị cho đợt huấn luyện duyệt binh.

Một phần lễ duyệt binh năm nay sẽ tái hiện cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 24/6/1945, với sự tham gia của các khối quân nhân mặc quân phục, trang bị vũ khí và cờ hiệu thời Thế chiến II.

Quân đội Nga cũng triển khai nhiều xe tăng T-34 và pháo tự hành Su-100 cho nội dung duyệt khí tài cơ giới.
Nhiều khí tài hiện đại của quân đội Nga cũng lần đầu xuất hiện tại lễ duyệt binh năm nay. Trong ảnh là xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M, biến thể hiện đại hóa sâu của dòng T-90A, được ứng dụng nhiều công nghệ mới phát triển trên nền tảng mẫu T-90MS dành cho xuất khẩu. Nó sở hữu hệ thống bám bắt mục tiêu tự động và máy tính điều khiển hỏa lực mạnh hơn trước, cho phép tấn công nhiều mục tiêu trong điều kiện chiến trường phức tạp.

T-90M được trang bị giáp phức hợp mới cùng các module giáp phản ứng nổ Relikt tích hợp ở mặt trước và sườn xe, thay thế phiên bản Kontakt-5 trên T-90A. Lớp giáp này có thể giảm 50% khả năng xuyên phá của đạn thanh xuyên động năng (APFSDS), cũng như vô hiệu hóa đầu đạn nổ lõm liều kép. Hệ thống phòng vệ thụ động Shtora-1 được thu gọn đáng kể so với phiên bản T-90A, khiến đối phương khó phá hủy thiết bị hơn.
Xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25 với module chiến đấu điều khiển từ xa sử dụng pháo tự động 57 mm. Quân đội Nga đang phát triển các hệ thống pháo 57 mm gắn trên thiết giáp, trang bị nhiều loại đạn mới có khả năng tự tính toán thời điểm nổ và điều chỉnh quỹ đạo bay.

Đây là giải pháp nhằm giải quyết tình trạng pháo 30 mm không đủ mạnh để xuyên phá một số mẫu thiết giáp hiện đại, trong khi pháo 100 mm có uy lực mạnh nhưng tốc độ bắn và độ chính xác thấp.
Pháo phản lực phóng loạt Tornado-S, phiên bản nâng cấp của tổ hợp BM-30 Smerch. Điểm nổi bật của Tornado-S là hệ thống điều khiển hỏa lực và dẫn đường tự động giúp tăng độ chính xác, rút ngắn thời gian bắn, triển khai và thu hồi của cả tổ hợp.

Một loạt phóng 12 đầu đạn chống bộ binh của Tornado-S có thể hủy diệt mọi sinh vật sống trong khu vực sát thương trên diện tích tới 67 hecta.
Xe thiết giáp BTR-82A dẫn đội khối xe chở đạn kiêm bệ phóng của hệ thống phòng không tầm xa S-300V4. Đây là tổ hợp lá chắn tên lửa đạn đạo (ABM) dành cho lục quân được Nga biên chế từ năm 2013. Nó phát triển trên nền tảng hệ thống S-300VM “Antey-2500”, được thiết kế tối ưu cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Phiên bản S-300V4 sử dụng đạn 9M82M và 9M83M, với tầm bắn lần lượt là 400 km và 150 km. Các tên lửa của S-300V4 có tốc độ bay hơn 9.000 km/h, gấp 7,5 lần tốc độ âm thanh, có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo có tốc độ lớn và quỹ đạo bay cao hơn nhiều so với máy bay, tên lửa hành trình.
Pháo phản lực phóng loạt sử dụng đạn nhiệt áp TOS-2, được nâng cấp từ dòng TOS-1A. Phiên bản này trang bị 24 ống phóng cỡ nòng 220 mm và đặt trên khung gầm xe tăng T-90A. 

Vai trò của TOS-2 là tiêu diệt bộ binh và khí tài trong công sự kiên cố hoặc vùng trống trải, cũng như vô hiệu hóa các phương tiện vận tải và thiết giáp hạng nhẹ. TOS-2 và các phiên bản trước đó không được biên chế cho pháo binh mà nằm trong đội hình lực lượng phòng hóa, sinh học và hạt nhân của quân đội Nga.
Xe chở đạn kiêm bệ phóng của hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal được Nga đưa vào biên chế từ năm 2004, nhằm thay thế các tổ hợp cũ hơn như Redut và Rubezh.

Mỗi hệ thống Bal gồm 4 xe phóng có khả năng mang tối đa 32 tên lửa diệt hạm 3M24 với tầm bắn 130 km. Từ năm 2015, Nga bắt đầu trang bị phiên bản 3M24U với tầm bắn lên tới 260 km cho tổ hợp Bal.
Xe chở đạn kiêm bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars. Đây là một trong các dòng ICBM chủ lực của Nga, được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2007. Mỗi tên lửa có tầm bắn tối đa 12.000 km, mang được 10 đầu đạn nhiệt hạch với sức nổ tương đương 300.000 tấn thuốc nổ TNT.
Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít thường được Nga tổ chức vào ngày 9/5 hàng năm, nhưng sự kiện năm nay bị hoãn đến ngày 24/6 vì Covid-19. Quân đội Nga hôm 9/5 chỉ tổ chức duyệt binh trên không ở thủ đô Moskva với sự tham gia của 75 trực thăng và máy bay quân sự.

Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 24/6 dự kiến có sự góp mặt của 14.000 binh sĩ, 8 khí tài thời Thế chiến II, 190 phương tiện cơ giới hiện đại và 75 máy bay.

Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga – Vnexpress