Trước đó, vào lúc 22h, ngày 18-5, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt TP.HCM nhận được tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM có một phụ nữ ở Hà Nội hiến tặng gan cho một bệnh nhân đang điều trị xơ gan tại bệnh viện này.
Theo Bệnh viện Đại học Y dược, lá gan sẽ được vận chuyển bằng máy bay từ sân bay Nội Bài đến sân bay Tân Sơn Nhất, cần được hỗ trợ của lực lượng cảnh sát giao thông để đưa đến bệnh viện kịp thời ghép cho người bệnh.
Nhận thấy tình hình cấp bách, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt lập tức thông báo đội tuần tra dẫn đoàn nhanh chóng bố trí lực lượng, phương tiện có mặt tại sân bay để hỗ trợ.
Chỉ trong 10 phút, xe cấp cứu chở lá gan di chuyển thuận lợi từ sân bay Tân Sơn Nhất về Bệnh viện Đại học Y dược.
Đúng 22h15 cùng ngày, gan của người hiến được chuyển đến phòng mổ của Bệnh viện Đại học Y dược. Đến 5h30 sáng 19-5, ca ghép gan được thực hiện thành công.
Đến nay, theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, gan của người hiến nhanh chóng thích nghi và hoạt động tốt, bệnh nhân đã phục hồi, trở lại ăn uống, sinh hoạt bình thường.
Bác sĩ Trần Công Duy Long – phó trưởng khoa gan, mật, tụy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ bệnh viện kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Bác sỹ Long cho biết tạng lấy ra khỏi cơ thể người vừa mới mất, sau khi xử lý các phương pháp y học cần thiết thì cần phải đưa vào cơ thể người nhận trong thời gian sớm nhất có thể, đó là lý do tất cả các khâu phải rất khẩn trương, phối hợp nhịp nhàng.
“Chỉ trong vòng 10 phút, lá gan đã được chuyển từ sân bay về đến phòng mổ bệnh viện. Nhờ vậy tạng ghép được bảo quản rất tốt, qua đó rút ngắn thời gian thay gan vào cơ thể người bệnh, góp phần vào thành công của ca ghép” – bác sĩ Long kể lại.
Theo THU DUNG – ĐAN THUẦN – Tuổi Trẻ