Với tội Đưa hối lộ, bà Hoàng Thị Thành (cựu chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai) bị phạt 3 năm tù treo; bà Lò Thị Trường 30 tháng tù treo. Hai bị cáo được tuyên trả tự do tại tòa, sau hơn nửa năm bị tạm giam.
HĐXX cho rằng hai bị cáo phạm tội với mong muốn con được đi học đại học. Họ hiểu biết pháp luật kém và hiện sức khoẻ yếu nên cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Cùng tội danh, ông Nguyễn Minh Khoa (cựu thượng tá, phó phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) bị phạt 8 năm tù, ông Trần Văn Điện (cựu cán bộ Trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp thành phố Sơn La) 9 năm, phạt 10 triệu đồng.
Tại phiên tòa, bà Thành và Trường thừa nhận hành vi. Ông Khoa và Điện kêu oan.
Với 8 bị cáo còn lại, TAND tỉnh Sơn La phạt ông Lò Văn Huynh (cựu trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) 15 năm 6 tháng tù về tội Nhận hối lộ, 5 năm 6 tháng tù do Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, tổng cộng 21 năm tù.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) 15 năm tù về tội Nhận hối lộ, 4 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, tổng cộng 19 năm 6 tháng tù.
Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo) 6 năm tù về tội Nhận hối lộ, 4 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, tổng cộng 10 năm tù.
Bị kết tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, ông Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) nhận 9 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm, phạt tiền 50 triệu đồng; ông Đặng Hữu Thuỷ (hiệu phó trường THPT Tô Hiệu) 8 năm tù, phạt 20 triệu đồng; Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 3 năm tù; Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) 30 tháng tù, phạt tiền 20 triệu đồng; Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 24 tháng tù treo.
TAND tỉnh Sơn La cho rằng ông Yến có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng giữ vai trò chính trong vụ án. Hành vi của ông là tiền đề để cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội. Bà Nga là người giúp sức tích cực nhất nhưng thành khẩn khai báo nhất, tích cực nhất trong quá trình điều tra nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
HĐXX đánh giá các bị cáo có quyền hạn trong kỳ thi THPT 2018 song lợi dụng chức vụ để nhận thông tin, sửa bài, nâng điểm cho 44 thí sinh. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giáo dục, mất đi sự công bằng và cơ hội đi học của người khác.
Qua lời khai của nhóm bị cáo là cựu cán bộ giáo dục và dấu vết tẩy xoá trên bài thi do Viện Khoa học hình sự giám định, HĐXX kết luận có việc “nhờ nâng điểm” chứ không phải “nhờ xem điểm” như lời khai trước tòa của họ.
Nhiều thí sinh sau khi chấm thẩm định đã bị buộc thôi học do không đủ điểm, trong số này có con trai bà Trường và Thành.
Theo bản án, trước, trong và sau khi diễn ra kỳ thi, ông Yến, Huynh, Thủy cùng bà Nga, Sọn, Nhàn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để bàn bạc, thỏa thuận nâng điểm cho 44 thí sính.
Các bị cáo Huynh, Nga, Sọn và Thủy sau đó đã thực hiện việc rút bài thi trắc nghiệm để nâng điểm. Trong số này, bà Nga là đầu mối nhận thông tin và sửa nhiều bài thi nhất.
Bà Nga khi thực hiện nhiệm vụ đã nhận 1,04 tỷ đồng của ông Điện để nâng điểm cho bốn thí sinh. Ông Huynh nhận một tỷ đồng của ông Khoa để nâng điểm cho hai thí sinh, 300 triệu đồng để nâng điểm cho con trai bà Trường. Bà Sọn nhận 440 triệu đồng của bà Thành để sửa bài thi cho con bà Thành.
Trước đó, trong 6 ngày diễn ra phiên tòa, từ 21/5, ông Khoa đã bác mọi cáo buộc, cho rằng nội dung buộc tội “chung chung”, thiếu căn cứ” chứng minh ông hối lộ một tỷ đồng cho cựu trưởng Phòng khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La Lò Văn Huynh để nhờ nâng điểm. Ông cho rằng cơ quan buộc tội không dùng các kết quả tranh tụng tại toà để làm căn cứ luận tội mà chỉ sử dụng tài liệu điều tra; cũng không chỉ ra chứng cứ cụ thể.
Trong lời nói sau cùng, ông Khoa đề nghị HĐXX tuyên ông vô tội và trả tự do tại toà.
Như ông Khoa, cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Yến cho rằng lời khai của cấp dưới và nhiều tình tiết trong cáo trạng “không chính xác”. Ông không nhờ nâng điểm mà chỉ dặn bà Nguyễn Thị Hồng Nga xem điểm giúp 13 thí sinh mà ông nhận thông tin từ cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hoàng Tiến Đức. Sau khi có kết quả chấm thẩm định, ông mới được thông báo 13 thí sinh đều bị giảm điểm.
Ông Yến cũng phủ nhận thông tin tạo điều kiện cho cấp dưới sửa điểm thi. Trong tất cả cáo buộc, ông Yến chỉ thừa nhận có thiếu sót duy nhất trong việc đóng, mở niêm phong túi đựng bài thi và việc này không có mục đích tạo điều kiện cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.
Phạm Dự – Vnexpress