Những phụ nữ một mình ‘đi trong đại dịch’

Nhiều phụ nữ hiện đại vẫn vui vẻ hưởng thụ cuộc sống độc thân. Nhưng khi Covid-19 ập đến, họ mới thấm thía nỗi cô đơn.

Thời điểm đại dịch cúm năm 1918 bắt đầu lan rộng, tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Mỹ chỉ khoảng 21. Những người kết hôn sẽ về nhà chồng. Ai còn độc thân sẽ ở một khu nhà trọ cùng nhiều người khác, làm việc trong các cửa hàng, nhà máy và chờ người cầu hôn. Khi đó, phụ nữ hiếm khi kiếm đủ tiền để nuôi sống bản thân.

Ngày nay, khoảng 23,5 triệu phụ nữ Mỹ sống một mình, nhiều hơn bao giờ hết. Phần lớn là do kết hôn muộn hơn. Tuổi kết hôn trung bình của nữ giới ở Mỹ hiện lên tới 28.

Phụ nữ sống một mình không đồng nghĩa là họ cô đơn. Trong vài thập kỷ qua, phụ nữ không có bạn tình hay bạn cùng phòng đã phát triển mạnh mẽ các mối quan hệ xã hội để thay thế. Họ làm những việc yêu thích và duy trì quan hệ bạn bè. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ xây dựng mối liên hệ với người khác hiệu quả hơn nam giới.

Tuy nhiên, khi các biện pháp ngăn dịch được thực hiện, họ bị hạn chế ra ngoài. Chỉ có thể nhìn thấy bạn bè qua các ứng dụng trò chuyện trực tuyến. Dường như chỉ sau một đêm, họ không thể tiếp xúc với các mối quan hệ xã hội đã gây dựng hay các sở thích.

Chưa bao giờ họ thấu hiểu cái giá của việc sống một mình sâu sắc như bây giờ.

Maria Salinas, 24 tuổi, ở Boston bật dậy khi nghe thấy tiếng điện thoại. Nó giống như một hồi chuông báo thức vang lên 8 giờ sáng, mỗi ngày. Maria Salinas lăn trên giường, rút điện thoại ra khỏi sạc và cố làm cho giọng tỉnh táo nhất có thể.

“Chào buổi sáng, mẹ”.

Maria Salinas, 24 tuổi, ở Boston. Minh họa: Washington Post.
Maria Salinas, 24 tuổi, ở Boston. Minh họa: Washington Post.

Cô biết chính xác đó là ai, bởi mẹ cô, bà Trinidad Salinas, ở Lima, Peru, luôn gọi cho con gái vào đúng giờ này kể từ giữa tháng Ba khi Maria phải nghỉ học ở nhà. Bà muốn biết con gái ngủ dậy chưa. Đôi khi Maria muốn nói dối và tiếp tục nằm trên giường một cách lười biếng. Nhưng cô chẳng bao giờ qua mắt được mẹ.

Maria sống một mình từ năm thứ hai đại học. Nhưng cũng không hẳn là một mình. Những người bạn của cô ở ngay cạnh, luôn sẵn sàng tụ tập. Điều đó khiến cô có chút cảm giác như đang ở nhà, nơi mọi người thường quây quần bên nhau.

Nhưng mọi thứ thay đổi khi đại dịch ập tới. Các bạn về nhà trước khi lệnh phong tỏa bắt đầu. Khi Maria đang suy nghĩ về việc có nên rời Boston hay không thì Peru đã đóng cửa biên giới. Cô muốn đến New York với các chị em gái, nhưng họ bảo cô không nên đến vì dịch bệnh ở đó đang rất nghiêm trọng.

Maria trầm cảm và căng thẳng khi Boston bị phong tỏa. Hầu như không được rời khỏi nhà. Không có ai ở bên để chia sẻ. Cảm giác cô đơn tột độ. Cuối cùng Maria gọi cho mẹ vì muốn có người tương tác mỗi ngày. Hiểu điều này nên mẹ cô cũng gọi cho cô nhiều hơn.

“Con có ăn gì không? Ít nhất cũng phải ăn một quả táo nhé”, bà Trinidad nói với tiếng thở dài. Bà giục con dọn giường, giặt giũ, dọn phòng. Bà sẽ nói chuyện bằng FaceTime cho đến khi con gái hút bụi xong. Khi Maria ra ngoài đi dạo với con chó của mình, bà luôn nhắc cô mặc áo khoác.

“Tất cả điều này có lẽ nghe hơi ngớ ngẩn với một người gần 25 tuổi”, Maria nói. Nhưng chúng ta đang ở trong đại dịch.

Gina Fernandes, 33 tuổi, sống một mình trong căn hộ một phòng ở Washington D.C. Tuy nhiên, cuộc sống của cô vẫn vui vẻ. Gina cũng chẳng quan tâm lắm đến việc không gặp được anh chàng nào. Cô dự định trở về Seattle, sống độc thân và ở một nơi nào đó gần với gia đình. Cô biết nhiều người ở tuổi cô đều đã có lứa có đôi, nhưng Gina không cảm thấy ghen tỵ. Cô thấy có rất nhiều điều thú vị khi sống một mình.

Gina Fernandes, 33 tuổi, sống ở Washington D.C. Minh họa: Washington Post.
Gina Fernandes, 33 tuổi, sống ở Washington D.C. Minh họa: Washington Post.

Trước đây Gina thường nói đùa về việc sẽ chết mà không ai biết bởi khi còn trẻ, cô đọc một bài báo về người phụ nữ chết một mình trong khi tắm hoặc sấy tóc.

Tuy nhiên, khi phải ở yên trong nhà vì dịch bệnh, cô suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện đó. Gina tự hỏi nếu cô bất tỉnh trong phòng tắm, phải mất bao lâu để ai đó tìm thấy cô. Một ngày? Một tuần? Hay lâu hơn nữa?

Giờ Gina đang sống trong một tòa nhà chung cư không có bảo vệ. Nếu bị nhiễm nCoV, cô không biết mua nhu yếu phẩm và thuốc thế nào? Cô đã không được chạm vào bất cứ ai trong nhiều tuần. Khi sự lo lắng bắt đầu khó kiểm soát, cô gọi cho gia đình và cùng với họ chơi một trò chơi trực tuyến.

Joi Cardwell, 52 tuổi, ở West Palm, Florida có hai quy tắc trong nhà, không đeo giày dép và luôn phải có âm nhạc. Cô không uống rượu vào buổi chiều nhưng hôm nay là dịp đặc biệt. Bạn của cô đang tổ chức buổi phát nhạc trực tiếp từ nhà của anh ở miền Nam nước Pháp. Cô rót cho mình một ly rượu vang hồng.

Sự kiện này chính xác là những gì cô mong đợi: Các bài hát khiến cô di chuyển, lắc lư, rượu trong tay, đôi chân trần di chuyển nhanh trên nền gạch. Đại dịch đã cho phép cô, một nghệ sĩ khiêu vũ, tạm dừng các dự án của mình và dành cả buổi sáng để làm vườn, để ngủ thật lâu và ngon giấc.

Vài phút sau, một lời bài hát khiến Joi chạnh lòng: “Anh muốn cảm nhận nhịp đập con tim em”. Lần cuối cùng cô chạm vào một người khác là ngày 6/3, hơn một tháng trước khi cô đi chơi ở Miami với một nhóm bạn. Cô bắt đầu khóc, nhưng vẫn tiếp tục nhảy.

Cô nghe mọi người nói về chứng mất ngủ và ác mộng, phàn nàn về những ngày buồn tẻ. Họ đang tuyệt vọng. Cô cũng có những cảm xúc đó. Đôi khi cô nghĩ về người đầu tiên cô sẽ ôm khi tất cả điều này kết thúc. Nhưng cô từ chối sống với suy nghĩ tiêu cực.

Nếu có thể truyền tải một thông điệp tới thế giới ngay bây giờ, Joi sẽ nói “hãy bình tĩnh”. Đừng lo lắng về những điều bạn không thể kiểm soát. Bật nhạc lên như thể đang có một bữa tiệc ngoài trời. Đứng ngay sát loa. Hát. Nhảy.

Hazel Feldman, 70 tuổi, ở New York gần như hết quế – loại gia vị mà bà thường sử dụng cho tất cả các món, từ ngũ cốc đến súp.

Hazel đã ở yên trong căn hộ một phòng ngủ này gần hai tuần. Bà không dám ra ngoài vì đang bị ho khan, sợ rằng có thể bị nhiễm nCoV.

Trong hơn 40 năm qua, Hazel sống trong tòa nhà lớn ở trung tâm thành phố Manhattan này. Bà thấy quen mặt rất nhiều người. Họ đi qua nhau trên hành lang, cùng nhau đi thang máy. Nhưng bà không thực sự kết bạn được với bất cứ ai. Dù vậy, bà vẫn ra ngoài được để tự mua đồ. Dịch bệnh đến, bà không chỉ cô đơn hơn mà còn không biết làm thế nào để mua nhu yếu phẩm.

Cách đây hơn một tuần, một người hàng xóm đề nghị mua hộ cho bà một ít đồ, Hazel cảm thấy nhẹ nhõm. Bà ngay lập tức gửi hình ảnh của tất cả những thứ đang cần. Nhưng từ đó, người hàng xóm không đề nghị mua giúp nữa.

“Tin tức liên tục nói, ‘Mọi người đang giúp đỡ nhau’. Họ có thể đến với nhau, nhưng không phải ở đây. Không phải trong các loại tòa nhà này”, bà cho hay.

Bà không biết gọi ai giúp khi cần. Hazel chưa bao giờ kết hôn và không có con. Những người bà biết trong thành phố đang bận rộn với những vấn đề của riêng họ. Hazel dành nhiều ngày để cân nhắc có nên gọi bác sĩ của mình không. Bà đang ho nặng nhưng không biết đã đến mức phải gọi bác sĩ chưa. Cuối cùng bà đã quay số, nhưng bác sĩ không trả lời.

Sau đó, Hazel quyết định viết một email ngắn để nhờ hàng xóm mua giúp đồ, nhưng được đáp lại là họ hiện chưa định ra ngoài. Hazel không muốn mua sắm trực tuyến tại Whole Food bởi nó quá đắt.

Bettye Barclay, 86 tuổi, sống ở Santa Monica, California . Minh họa: Washington Post.
Bettye Barclay, 86 tuổi, sống ở Santa Monica, California . Minh họa: Washington Post.

Bettye Barclay, 86 tuổi, sống ở Santa Monica, California thấy may mắn khi có ba con, 5 cháu, và 6 chắt. Một vài trong số đó sống cách bà chỉ khoảng 50 dặm. Họ thường xuyên gọi điện. Nếu bà cần thứ gì, họ sẽ tới trong vòng chưa đầy một giờ. Tuy nhiên, dịch bệnh xuất hiện, việc đó không dễ dàng như thế nữa.

Bettye từng suy nghĩ về cái chết và sắp xếp các giấy tờ chuẩn bị trường hợp mình qua đời. Bà luôn tưởng tượng ra cảnh nói lời từ biệt khi nhiều thế hệ trong gia đình quây quần quanh giường, tiễn bà bằng những cái ôm và hôn. Nhưng trong hoàn cảnh này, nếu bà chết, ước mơ đó có thể không thành.

“Nếu tôi chết vì Covid-19 hoặc vì nguyên nhân nào khác trong thời gian này”, tôi sẽ chết một mình.

Suy nghĩ đó từng làm bà sợ, nhưng giờ bà đã thấy bình thường cho dù chuyện đó xảy ra. Bà dành một ít thời gian mỗi ngày để ngồi im lặng, nhắm mắt, tập trung vào nỗi sợ hãi của mình và tìm hiểu lý do bà sợ như vậy. Bà tưởng tượng mình nằm trong bệnh viện, gia đình bà an toàn và khỏe mạnh ở một nơi khác, chúc bà mạnh khỏe.

Ở một mình cũng không tệ lắm, bà nghĩ.

Ánh Dương (Theo Washington Post) – Vnexpress