Vấn đề này được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo UBND TP HCM ngày 29/5, sau gần hai tháng triển khai hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện, hơn 6.200 lao động đã nhận 1,8 triệu đồng mỗi tháng – tỷ lệ hơn 11%.
Đối với người lao động bị mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, thành phố có hơn 7.000 người nhưng mới giải quyết được 232 người (tỷ lệ 3,3%, nhận một triệu đồng mỗi tháng). Trong đó, 225 người nhận theo gói hỗ trợ của thành phố và 7 người nhận gói hỗ trợ của Chính phủ.
Hơn 6.300 người (trong tổng số hơn 14.100 người là giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ) nhận hỗ trợ một triệu đồng mỗi tháng – tỷ lệ 44%.
Về hỗ trợ lao động tự do, hiện thành phố chi trả cho hơn 22.000 người trong tổng số 284.000 người (đạt 7,7%) – mỗi người nhận một triệu đồng mỗi tháng. Những nơi có tỷ lệ chi trả cao là quận 11 (44%); Thủ Đức (22%); tỷ lệ thấp là quận 1 (0,46%); Nhà Bè (3,12%). Riêng quận 8 và Bình Thạnh có nhiều lao động tự do (đều trên 20.000 người) nhưng hiện chưa có người nào nhận được hỗ trợ.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lý giải, chính sách hỗ trợ người lao động, kể cả giáo viên các cơ sở giáo dục ngoài mầm non, gặp nhiều khó khăn. Bởi người sử dụng lao động chậm đối chiếu với cơ quan bảo hiểm xã hội về danh sách lao động bị ngừng việc, hoãn việc; thậm chí không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Từ đó, số lượng hồ sơ giải quyết trên thực tế thấp hơn so với thống kê trước đó – do người lao động chưa đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định.
Với lao động tự do, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, họ đa phần là lao động chân tay, trình độ không cao nên việc làm hồ sơ chưa đúng quy định, phải điều chỉnh nhiều lần.
Từ cuối tháng 3, HĐND TP HCM có Nghị quyết hỗ trợ 600.000 công nhân, giáo viên mầm non các trường mầm non tư thục bị mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, tổng số tiền khoảng 1.800 tỷ đồng.
Khi Chính phủ có Nghị quyết 42 về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu các quận huyện thống kê thêm lao động tự do để có chính sách hỗ trợ. Họ được nhận một triệu đồng mỗi tháng, không quá 3 tháng.
Lao động tự do là người bán hàng rong, thu gom rác và phế liệu, bốc vác, bán vé số lưu động, tài xế xe ôm và xích lô, người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh dịch vụ (ăn uống, lưu trú, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thể thao), bảo vệ.
Mạnh Tùng – Vnexpress