Hoài nghi về nhà thầu Trung Quốc trên toàn cầu

Các nhà thầu xây dựng Trung Quốc nở rộ cùng Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng chất lượng công trình hay nguồn vốn thường xuyên bị nghi ngờ.

Các nhà thầu xây dựng Trung Quốc đang nổi lên trên toàn cầu trong hơn một thập kỷ qua, một phần nhờ dựa vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, họ chiếm gần 1/4 tổng doanh thu ngành xây dựng quốc tế.

Công nhân Trung Quốc tại một công trường ở Lubango, Angola, hồi năm 2014. Ảnh: Reuters.
Công nhân Trung Quốc tại một công trường ở Lubango, Angola, hồi năm 2014. Ảnh: Reuters.

Trong nửa đầu năm 2019, họ đã ký được các hợp đồng trị giá 87 tỷ USD tại những khu vực có dự án thuộc khuôn khổ BRI. Họ cũng tham gia vào các dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng và khai khoáng trị giá 6,7 tỷ USD tại châu Mỹ Latinh, nơi mới trở thành một phần của BRI từ năm 2017.

Nhà thầu Trung Quốc hiện liên quan tới rất nhiều dự án khác nhau, từ xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống tới bất động sản, công nghệ, giáo dục và y tế, hầu hết ở châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Dù nhanh chóng tăng trưởng về quy mô, nhiều nhà thầu Trung Quốc lại đang bị dư luận quốc tế hoài nghi về chất lượng công trình cũng như năng lực thi công.

Tại Campuchia, Ủy ban Kiểm tra Chất lượng Công trình hồi giữa năm ngoái đã bày tỏ quan ngại về an toàn xây dựng ở tỉnh Preah Sihanouk, khi họ ra lệnh phá dỡ 23 tòa nhà, cải tạo 166 công trình và phát hiện 381 dự án xây dựng thiếu các giấy tờ cần thiết.

Động thái trên được thực hiện sau vụ sập tòa nhà 7 tầng ở thành phố Sihanoukville vào tháng 6/2019 khiến 28 công nhân thiệt mạng. Trong một báo cáo, ủy ban cho hay hầu hết các công trình trong tỉnh đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và sử dụng vật liệu xây dựng kém chất lượng.

“Hầu hết chủ công trình là những nhà đầu tư Trung Quốc, không hiểu về thủ tục xin cấp phép xây dựng”, báo cáo lưu ý. “Một số người khởi công dự án trước cả khi giấy phép được phê duyệt do giá thuê đất cao”.

“Một số công ty xây dựng và nhà thầu không cung cấp đủ trang thiết bị bảo hộ cho công nhân, trong khi năng lực quản lý tại công trường còn yếu kém”, báo cáo nhấn mạnh. “Các kiến trúc sư, tư vấn giám sát thường không có bằng cấp chuyên môn”.

Theo nhà chức trách, tòa nhà bị sập hồi tháng 6 năm ngoái thuộc sở hữu của chủ đầu tư Trung Quốc và được xây dựng khi chưa đủ giấy phép. Chính quyền địa phương đã nhiều lần yêu cầu ngừng thi công nhưng nhà thầu phớt lờ.

Tại châu Phi, Trung Quốc là ông lớn có tiềm lực mạnh nhất trong ngành xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Các công ty Trung Quốc đang xây dựng hàng loạt con đường, bến cảng, sân bay cùng những cơ sở hạ tầng giao thông khác trên khắp châu lục, chiếm 62% thị phần ngành xây dựng của khu vực.

Nhà thầu Trung Quốc thường đưa ra giá chào thầu thấp hơn các đối thủ khoảng 20% nhờ hưởng lợi từ những khoản trợ cấp của Bắc Kinh và chế độ ưu đãi đặc biệt ở nhiều nước châu Phi, nơi họ thường được miễn một số quy định về thị thực và thuế, theo tổ chức quốc tế Các nhà thầu châu Âu (EIC), trụ sở ở Berlin.

Tuy nhiên, theo bình luận viên Andrew Alli từ Quartz Africa, những dự án do các nhà thầu Trung Quốc thi công thường đối mặt với hàng loạt chỉ trích liên quan đến chất lượng công trình. Ngoài ra, các dự án do nhà thầu Trung Quốc thi công thường đi kèm với những điều khoản có thể gây bất lợi lớn cho nước sở tại.

Năm ngoái, Kenya và Uganda, hai quốc gia ở Đông Phi, bất ngờ rơi vào thế trở tay không kịp khi Bắc Kinh ngừng giải ngân khoản vay trị giá 4,9 tỷ USD để xây dựng tuyến đường sắt kết nối hai nước.

Trung Quốc giờ đây là nhà tài trợ vốn vay xây dựng hạ tầng lớn nhất ở châu Phi. Với nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng lên đến 130-170 tỷ USD mỗi năm, các chính phủ ở châu Phi rất sẵn sàng tiếp nhận những khoản vay từ Trung Quốc để lấp khoảng trống vốn đầu tư. Dù vậy, giới chuyên gia cảnh báo các quốc gia châu Phi cần cảnh giác trước “bẫy nợ” từ Trung Quốc.

Hơn hai thập kỷ qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến dịch cho vay toàn cầu, đổ vào các nước nghèo hàng trăm tỷ USD, nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng và trở thành một siêu cường kinh tế – chính trị.

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Rwanda Paul Kagame tại Rwanda, hồi tháng 7/2018. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Rwanda Paul Kagame tại Rwanda, hồi tháng 7/2018. Ảnh: Reuters.

Nhiều chuyên gia quốc tế đã gọi đây là “chiến lược bẫy nợ”, khi các nước để vay được tiền từ Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đã phải “thế chấp” bằng cảng biển, mỏ khoáng sản hoặc những tài sản có giá trị khác.

Đứng đầu trong chiến dịch cho vay nợ của Trung Quốc là BRI. Kể từ khi sáng kiến này bắt đầu năm 2013, Trung Quốc đã cho vay 350 tỷ USD, trong đó phần lớn nước đi vay được xem là “con nợ” có rủi ro cao.

Ở khu vực Trung Đông, đại diện các công ty, tập đoàn xây dựng Israel hồi đầu tháng đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao cáo buộc những nhà thầu, công ty Trung Quốc hoạt động tại nước này đang lách luật chống độc quyền nhằm kiểm soát toàn bộ ngành.

Kiến nghị của Hiệp hội các Nhà xây dựng Israel (IBA) cho rằng chính phủ đã phớt lờ thực tế rằng các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng Trung Quốc đang hoạt động tại Israel đều thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp của chính phủ Trung Quốc. Bên kiến nghị cáo buộc hơn 100 tập đoàn Trung Quốc tại Israel tạo nên một “mô hình đa cấp phức tạp” cần được giám sát, kiểm soát chặt chẽ.

“Chúng tôi đã có vài trải nghiệm không hay với các công ty Trung Quốc”, Ian Khama, tổng thống Botswana, nói trong cuộc phỏng vấn năm 2013. “Có thể bạn không muốn làm mếch lòng một cường quốc, nhưng để một cường quốc đầu tư vào nước mình chẳng có nghĩa lý gì nếu các khoản đầu tư đó không mang lại điều tốt đẹp nào”.

Vũ Hoàng (Theo DW, Quartz, SCMP, Khmer Times) – Vnexpress