Luật trừng phạt Trung Quốc đã tới bàn làm việc của ông Trump

Dự luật trừng phạt Bắc Kinh vì các hành động áp bức người Duy Ngô Nhĩ đã được thông qua tại Hạ viện Mỹ ngày 27-5 với 413 phiếu thuận. Một quan chức Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ ký ban hành.
Luật trừng phạt Trung Quốc đã tới bàn làm việc của ông Trump - Ảnh 1.
Tổng thống Trump được dự đoán sẽ tiếp tục chọc giận Trung Quốc khi ký thông qua dự luật về Tân Cương – Ảnh: REUTERS

Dự luật trước đó đã được Thượng viện thông qua nên theo trình tự mới, nó sẽ được đưa thẳng tới Nhà Trắng, theo Hãng tin Reuters.

Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, nhấn mạnh rằng việc dự luật nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng cho thấy Mỹ sẽ không làm ngơ trước “những vi phạm nhân quyền khủng khiếp của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ”.

Dự luật kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Bí thư Tân Cương, Chen Quanguo, một thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc, bị chỉ đích danh trong dự luật và bị buộc phải chịu trách nhiệm cho “những vi phạm nhân quyền thô bạo” chống lại các nhóm người thiểu số ở Tân Cương.

Dự luật cũng kêu gọi các công ty hoặc cá nhân Mỹ hoạt động ở khu vực Tân Cương thực hiện các bước để đảm bảo không có “lao động cưỡng bức” nằm trong chuỗi cung ứng.

Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi đã bị giam giữ tại những nơi mà Mỹ cáo buộc là trại cải tạo tập trung ở Tân Cương.

Luật trừng phạt Trung Quốc đã tới bàn làm việc của ông Trump - Ảnh 2.
Một nghĩa trang của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc – Ảnh: AFP

Dự luật chắc chắn sẽ đẩy quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc lên nấc thang căng thẳng mới. Trước đó vài giờ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã trình báo cáo lên Quốc hội, trong đó tuyên bố Hong Kong của Trung Quốc đã không còn duy trì được mức độ tự chủ cao trước đại lục. 

Đây được xem như một động thái mở đường cho việc Mỹ có thể hủy các ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Hong Kong.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa đưa ra phản ứng trước hai động thái dồn dập của Mỹ. Bắc Kinh trước đó đã phủ nhận chuyện ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và khẳng định các trại cải tạo này là những trung tâm đào tạo nghề.

Theo Hãng thông tấn AFP, phiên bỏ phiếu ngày 27-5 đánh dấu lần đầu tiên các nghị sĩ Mỹ sử dụng quyền bỏ phiếu từ xa thông qua người ủy nhiệm để bảo đảm an toàn trong mùa dịch COVID-19.

Thủ tục cho phép một nghị sĩ có thể thay mặt tối đa 10 người khác bỏ phiếu đã vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa. Họ cho rằng đây không phải là cách mà những người sáng lập nước Mỹ muốn nhìn thấy ở Quốc hội, nơi vốn ồn ào với những cuộc tranh luận.

Theo BẢO DUY – Tuổi Trẻ