‘Cứu tinh’ của đồng lúa mùa nắng hạn

Suốt 36 năm qua, bà Nguyễn Thị Điểu, 84 tuổi, là “tổng quản” của cánh đồng 18 ha, là “cứu tinh” của lúa trong những mùa nắng hạn. 

Một chiều cuối tháng 5, trong đám đông tập trung ở trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Phú 2 ở xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn để mua bán phân bón, thuốc trừ sâu và hỏi han tình hình nước tưới đồng, sâu bệnh, những tiếng gọi, lời dặn dò, nhờ vả “cô Bốn Điểu” liên tục xuất hiện ở góc này, góc kia. 

Bốn Điểu là tên thân mật của bà Nguyễn Thị Điểu, nữ thủy nông viên duy nhất và lớn tuổi nhất của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Phú 2. 

Bà Nguyễn Thị Điểu, 84 tuổi, và chiếc cuốc dùng để tháo nước tưới đồng. Ảnh: Phạm Linh.
Bà Nguyễn Thị Điểu, 84 tuổi, và chiếc cuốc dùng để tháo nước tưới đồng. Ảnh: Phạm Linh.

Sinh ra trong một gia đình nông dân, cha mẹ mất sớm trong chiến tranh nên từ tuổi 18 bà Điểu đã phải tự lực nuôi hai em thay cha mẹ. Với bà, những cây lúa, cánh đồng, mùi rơm rạ, mùi bùn non thân thuộc như hơi thở của mình.

“Hồi còn trẻ họ kêu tôi đi ở, nhưng tôi không đi mà ra đồng bắt cá, mót lúa để nuôi mấy đứa em”, bà Điểu kể. 

Cùng vì “cái số cực từ nhỏ”, khi lấy chồng, bà Điểu cùng ông trở thành lao động chính trong gia đình. Các công việc của nhà nông như cuốc cỏ, băm bờ, gieo sạ…bà đều làm thoăn thoắt. Khi các con lớn, vợ chồng bà Điểu tích góp mua đến 10 con bò để làm của để dành. Giai đoạn đó, em trai của bà Điểu đang là thủy nông viên của hợp tác xã, một mình ông không kham nổi cánh đồng rộng lớn nên rủ chị mình đi làm chung.

“Thấy em trai than đi một mình buồn nên tôi đi chung cho vui, đi riết rồi đám bò không còn ai chăn dắt, cắt cỏ”, bà Điểu nhớ lại. Đó là năm bà 48 tuổi.

Cánh đồng của xã Tây Xuân nằm cuối nguồn nước từ hồ Hầm Hô, lại là nơi mương sâu, ruộng cạn, nước vào ruộng qua các mương nhỏ nên cứ đến mùa đổ nước bà Điểu phải đi lại như con thoi trên các bờ mương để dòng nước được thông suốt.

Bà Nguyễn Thị Điểu, 84 tuổi, nạo vét mương nhỏ để dẫn nước tưới ruộng ở xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, Bình Định. Ảnh: Phạm Linh.
Bà Nguyễn Thị Điểu, 84 tuổi, nạo vét mương nhỏ để dẫn nước tưới ruộng ở xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, Bình Định. Ảnh: Phạm Linh.

Gần 40 năm gắn bó với cánh đồng, bà Điểu thuộc lòng đặc điểm từng mảnh ruộng. Ruộng nào khô cần ưu tiên tưới trước, ruộng nào nhiều nước hoặc vừa rải phân, phun thuốc thì tưới nước sau. Bởi thế, trên cánh đồng của bà phụ trách hiếm khi xảy ra chuyện nông dân gây lộn, xích mích vì giành nước.

Những mùa hạn, nước hiếm, bị nông dân ở những cánh đồng phía trên chặn kênh, mương nên công cuộc dẫn thủy nhập điền của bà cũng như “đánh du kích”. Chờ đến nửa đêm, bà lại gỡ đá, bạt ở những nơi bị chặn ra cho nước về. “Nếu làm ban ngày thì họ trực đó không cách nào gỡ ra”, bà Điểu giải thích.

Thi thoảng, bà Điểu cũng phải cãi lý với những người chặn dòng nước ở đầu nguồn. “Nước là của chung, nếu chặn dòng như thế này thì bà con đồng tui đói hết à?”, bà Điểu nói. Tuy nhiên, bà mềm mỏng để tránh xung đột quá mức, vì hiểu rằng nông dân đồng khác cũng chỉ mong có nước đầy đủ cho ruộng của mình.

Nhờ có bà Điểu, cánh đồng ở đội 5 của Hợp tác xã Bình Phú 2 luôn đạt năng suất cao, mùa hạn nhất cũng chỉ bị giảm còn một nửa, chưa bao giờ lâm vào cảnh chết khô. “Năm ngoái hơn 71 ha lúa ở xã Tây Xuân bị khô cháy vì thiếu nước, nhưng cánh đồng của bà Điểu phụ trách vẫn thu hoạch được”, ông Khổng Vĩnh Thiêng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Phú 2 nói.

Người nông dân ở xã Tây Xuân không thể quên mùa hạn năm 2018, khi thấy cánh đồng ở thôn Phú Hòa khô khốc, nguy cơ lúa chết vì khô héo, bà Điểu lên đầu nguồn “đấu tranh” với một công ty giữ nước để làm du lịch sinh thái để xả nước về đồng. Không thành công, bà kêu tới tận chủ tịch huyện.

“Nhờ thế mà hôm sau nước từ đập Hầm Hô được xả về, nhiều cánh đồng tưởng mất ăn lại được hồi sinh, bà con ai cũng cảm ơn bà”, ông Khổng Vĩnh Thiêng kể lại.

Những ngày nắng hạn tháng 5, bà thường được bà con biếu nước để uống giải khát khi đi thăm đồng. Không chỉ lo nước tưới, bà Điểu còn báo cho họ biết khi lúa bị sâu bệnh, cháy lá… nên ai cũng quý. Sự thương quý của bà con đã giữ chân bà lại với cánh đồng, dù tuổi già sức yếu dần. Bà bảo, bà được mạnh khỏe như thế này là do ông bà phù hộ, trời đất còn thương.

Tiếng chỉ là một thủy nông viên nhưng vụ nào bà Điểu cũng làm lễ cúng “ông đồng, bà điền” (ông ruộng bà vườn) để cầu mong bà mạnh giỏi, ruộng đồng tươi tốt. Chẳng biết “ông đồng bà điền” có chứng cho không, nhưng bà kể nhiều lần nước hiếm bà còn được báo mộng là “nước về”. Khi bà ra đồng thì nước về thật, từ đó bà càng tin hơn là mình được ông bà phù hộ để làm nghề này.

Bà Nguyễn Thị Điểu bón phân giùm cho một nông dân xã Tây Xuân, con chó vàng luôn đi theo bà. Ảnh: Phạm Linh.
Bà Nguyễn Thị Điểu bón phân giùm cho một nông dân xã Tây Xuân, con chó vàng luôn đi theo bà. Ảnh: Phạm Linh.

Người em trai đưa bà đến với công việc này đã mất gần 10 năm, nên hành trình dẫn nước về đồng của bà có phần đơn độc hơn. Tuổi già, bà Điểu sợ té xuống mương, nên chỉ dám đi trên bờ mương vào ban ngày, còn ban đêm bà đi dưới ruộng.

Gần đây, con rể của bà chế cho mẹ một chiếc cuốc mỏng, vừa đủ công dụng để tháo nước nhưng không quá nặng cho mẹ đỡ mỏi lưng. Cháu trai bà thì sắm cho ngoại một chú chó. Con chó cứ đi quấn lấy chân bà bất kể ngày đêm. Có đêm, đến 22h mà vẫn chưa đi thăm đồng, con chó liền xô cửa vào phòng gọi dậy. “Con chó hiền khô, chỉ ăn cá chứ không ăn thịt, có nó đỡ buồn”.

Thủy nông viên vốn là nghề chẳng ra nghề, vì không có biên chế mà lương thì thấp. Mỗi mùa, thu nhập của bà Điểu chỉ được 6 triệu đồng. Các con bà Điểu thường trách: “Mẹ già rồi làm chi cho cực, nghỉ đi chứ”. Rồi thấy mẹ vẫn khăng khăng, họ dịu lại: “Mẹ ráng ăn cho được nửa chén cơm rồi hẵng đi làm”.

Bà Điểu bảo, thôi ráng làm mùa này rồi nghỉ, vì đi nhiều cực chịu hết nổi rồi. Nhưng mỗi lần bà định nghỉ, nhiều người lại năn nỉ: “Thôi Bốn ơi ráng làm thêm mùa nữa. Bốn không làm thì ai tháo nước giúp ruộng con”.

Phạm Linh – Vnexpress