Máy bay cất cánh từ Lahore mang số hiệu PK 8303, chở 91 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn, mất liên lạc với trạm điều khiển không vận ngay sau 14h30, Abdullah Hafeez, phát ngôn viên của Hãng hàng không Quốc tế Pakistan (PIA), cho biết.
Chiếc Airbus A320, hoạt động được 15 năm, đã đâm vào một khu dân cư gần sân bay quốc tế Jinnah và tạo ra những đám khói đen dày đặc cuồn cuộn. Nhân viên cứu hộ và người dân tìm kiếm trong đống đổ nát người sống sót trong khi lính cứu hoả cố gắng dập lửa. Các thi thể không nguyên vẹn được đưa lên xe cứu thương. Nhiều người trên mặt đất thiệt mạng.
“Đến nay chúng tôi đã tìm thấy hơn 40 thi thể”, thiếu tá Mohammad Mansoor thuộc Đội biệt kích Pakistan, phụ trách giám sát hoạt động cứu hộ cho biết.
Faisal Edhi, lãnh đạo tổ chức từ thiện Edhi tham gia hỗ trợ nhân viên cứu trợ, cho biết ít nhất 42 thi thể đã được tìm thấy tại hiện trường. “Theo ước tính của chúng tôi, khoảng 50 thi thể nữa còn nằm dưới đống đổ nát”, ông cho biết trên truyền hình.
Ít nhất hai hành khách sống sót trong vụ tai nạn, theo Syed Nasir Hussain Shah, lãnh đạo cơ quan truyền thông tỉnh Sindh. Thị trưởng thành phố Karachi trước đó cho rằng “sẽ không ai” trên máy bay có thể sống sót.
Một phát ngôn viên khác của PIA Abdullah Khan cho biết phi công đã báo về trục trặc kỹ thuật.
“Anh ấy đã được thông báo rằng có sẵn hai đường băng để hạ cánh, song lại điều khiển máy bay lượn vòng, nên chúng tôi đang nghi có lỗi kỹ thuật. Xin gửi lời cầu nguyện của chúng tôi tới những người đã khuất”, Khan nói.
Các nhân chứng cho biết dường như máy bay đã cố gắng hạ cánh hai hoặc ba lần trước khi rơi ở khu dân cư gần sân bay quốc tế Jinnah. Đây là khu vực có nhiều người nghèo sinh sống. Abdul Rahman, một cư dân gần đó, cho biết ông đã nhìn thấy chiếc máy bay lượn vòng tròn ít nhất ba lần và dường như cố gắng hạ cánh trước khi lao vào những ngôi nhà.
“Đầu tiên máy bay va vào tháp viễn thông, rồi đâm vào các ngôi nhà”, nhân chứng Shakeel Ahmed, ở cách sân bay vài km, cho biết.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết vô cùng “sốc và đau buồn” trước sự việc. “Tôi đã liên lạc với giám đốc điều hành PIA Arshad Malik, người đã vội rời tới Karachi cùng đội cứu hộ vì đây là ưu tiên hàng đầu”, ông Khan đăng trên Twitter, thêm rằng sẽ sớm điều tra về sự việc.
Sự cố xảy ra một vài ngày sau khi Pakistan cho phép các chuyến bay thương mại hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng vì các lệnh hạn chế di chuyển ngăn Covid-19.
Máy bay quân sự và dân sự Pakistan nhiều lần gặp tai nạn trong những năm gần đây. Vào năm 2016, một máy bay của hãng hàng không quốc tế Pakistan bốc cháy do sự cố từ động cơ cánh quạt, khiến hơn 40 người thiệt mạng.
Thảm họa hàng không chết chóc nhất ở Pakistan xảy ra vào năm 2010, khi một chiếc Airbus A321, thuộc hãng hàng không tư nhân Airblue, cất cánh từ Karachi và lao xuống các ngọn đồi ngoại ô Islamabad, khiến toàn bộ 152 người thiệt mạng. Báo cáo điều tra nói rằng vụ tai nạn xảy ra do lỗi của phi công.
PIA là hãng hàng không quốc gia Pakistan và một trong những hãng hàng không hàng đầu thế giới cho tới tận những năm 1970. Tuy nhiên, thương hiệu PIA suy giảm vì thường xuyên huỷ, trễ chuyến và vướng vào những rắc rối tài chính. Hãng hàng không này cũng dính líu tới nhiều cuộc tranh cãi trong những năm qua, bao gồm vụ một phi công say rượu ở Anh năm 2013 bị bỏ tù.
Ngọc Ánh (Theo AFP, CNN, Reuters) – Vnexpress