Chỉ vài ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ thông báo các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với các công ty sản xuất chip nước ngoài, cơn ác mộng đối với Huawei đã bắt đầu lộ diện. Nhiều nguồn tin cho biết, hãng TSMC, đối tác gia công chip quan trọng cho Huawei, đã dừng tiếp nhận các đơn hàng mới từ công ty này và chỉ sản xuất nốt các đơn hàng cũ để kịp giao hàng trước giữa tháng Chín.
Đối với hoạt động kinh doanh của Huawei hiện nay, mất mối quan hệ với TSMC là cơn ác mộng còn đáng sợ hơn cả việc không có dịch vụ Google. Đó là tầm ảnh hưởng của TSMC đối với Huawei hiện nay còn lớn hơn nhiều so với nhà sản xuất hệ điều hành Android.
Huawei có 2 mảng kinh doanh chính: kinh doanh thiết bị điện tử tiêu dùng và thiết bị viễn thông, trong đó mảng lắp đặt thiết bị viễn thông đang có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu khi thế giới đang tích cực triển khai mạng không dây thế hệ mới 5G.
Một linh kiện không thể thiếu được trong việc triển khai mạng viễn thông 5G chính là con chip 5G nhỏ bé nằm trong mỗi trạm phát sóng cồng kềnh đó. Không chỉ các trạm thu phát sóng trong hệ thống mạng viễn thông, ngay cả các smartphone 5G của Huawei cũng cần đến các con chip 5G để khai thác được sức mạnh của thế hệ mạng mới này.
Thế nhưng theo báo cáo của Susquehanna Financial Group, Huawei chính là khách hàng lớn nhất của TSMC để sản xuất các chip 5G cao cấp cho cả smartphone và trạm phát sóng. Đó là còn chưa kể đến những bộ xử lý cao cấp trong smartphone của Huawei, như Kirin 990 và Kirin 820 đều đang do TSMC chịu trách nhiệm sản xuất.
Điều đó cho thấy việc bị cắt đứt nguồn cung chip từ TSMC sẽ khủng khiếp thế nào đối với Huawei. Trong khi không tiếp cận được các dịch vụ của Google chỉ tác động đến hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei tại thị trường quốc tế, việc không tiếp cận được với các chip do TSMC sản xuất sẽ làm tê liệt gần như các hoạt động kinh doanh chính của Huawei. Không có chip 5G do TSMC sản xuất, sẽ không còn smartphone 5G, không còn cả các trạm thu phát sóng 5G.
Điều đáng sợ hơn cả là Huawei không có sự lựa chọn nào để thay thế cho TSMC cả. Trên thế giới, chỉ có một vài công ty khác có khả năng sản xuất những bộ xử lý nhỏ bé trên quy mô lớn với công nghệ ngang ngửa TSMC. Nhưng bản thân những hãng này, như Samsung, cũng đang sử dụng thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ.
Có lẽ hãng gia công chip duy nhất dám chống lại lệnh cấm của bộ Thương mại Mỹ là nhà gia công chip lớn nhất Trung Quốc, hãng SMIC – công ty đang được nhiều quỹ thuộc Nhà nước Trung Quốc chống lưng. Tuy nhiên, hãng này mới chỉ bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 14nm từ cuối năm ngoái và vẫn còn xa có thể bắt kịp tiến trình công nghệ của TSMC hay Samsung.
Hiện tại hy vọng gần như duy nhất đối với Huawei là lượng chip đang trong quá trình sản xuất và các đơn hàng được đặt trước lệnh cấm bổ sung vừa qua (Đó là trong trường hợp các đơn hàng này có thể kịp xuất xưởng trước giữa tháng Chín tới đây). Nếu lượng đặt hàng đủ lớn, Huawei có thể sẽ kéo dài thêm sự sống cho mình để tiếp tục tìm giải pháp khác.
Nhưng cho đến nay, rõ ràng việc gián đoạn nguồn cung chip từ TSMC còn đáng sợ hơn so với việc không có các dịch vụ Google trên smartphone.
Theo Trí Thức Trẻ