Theo trang web của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dự thảo nghị quyết được ủng hộ bởi các quốc gia ở khắp 5 châu.
Tại châu Âu có các nước Belarus, Iceland, Monaco, Na Uy, Albania, Montenegro, Bắc Macedonia, Cộng hòa Moldova, Liên bang Nga, San Marino, Ukraine, Liên minh châu Âu với 27 quốc gia thành viên và Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Ở châu Mỹ là Canada, Cộng hòa Dominica, Mexico, El Salvador, Guatemala, Guyana, Brazil, Chile, Colombia, Ecuador, Paraguay, Peru.
Châu Đại Dương có Úc và New Zealand.
Châu Á có các nước Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Kazakhstan, Maldives, Jordan, Qatar, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia.
Châu Phi có nhóm các quốc gia châu Phi với 54 quốc gia thành viên như Algeria, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Ethiopia, Libya, Ai Cập… cùng 2 quốc gia ngoài nhóm là Tunisia và Djibouti.
WHA sẽ chỉ đưa bản dự thảo nghị quyết đề xuất mở cuộc điều tra độc lập về đại dịch COVID-19, do Úc và EU khởi xướng, ra bàn thảo trong ngày 19-5 với điều kiện nhận được sự ủng hộ của 2/3 trong số 194 thành viên WHA, tức ít nhất 129 nước.
Theo trang web của WHO, bản dự thảo nghị quyết này bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong của đại dịch COVID-19; tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần và phúc lợi xã hội; tác động tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội…
Dự thảo nghị quyết cũng nhắc lại nhiệm vụ của WHO là hành động, bên cạnh những công việc khác như chỉ đạo và điều phối công tác y tế quốc tế. Đồng thời, bản dự thảo cũng công nhận vai trò lãnh đạo chủ chốt của WHO trong phản ứng của Liên Hiệp Quốc cũng như tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác đa phương trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và các tác động tiêu cực trên diện rộng của nó.
Trong dự thảo nghị quyết cũng nhắc lại các tuyên bố cũng như các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, qua đó kêu gọi đoàn kết chiến đấu chống dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng như hợp tác quốc tế để đảm bảo toàn cầu tiếp cận với thuốc, vắcxin và thiết bị y tế trong cuộc chiến chống COVID-19.
Bản dự thảo yêu cầu các quốc gia thành viên WHO phải cung cấp thông tin toàn diện và đáng tin cậy về COVID-19 cũng như các biện pháp chống dịch của cơ quan chức năng cho người dân. Đồng thời yêu cầu các nước có biện pháp đối phó với thông tin sai lệch cũng như các cuộc tấn công mạng liên quan đến COVID-19.
Điểm đáng lưu ý là dự thảo nghị quyết điều tra về đại dịch COVID-19 trên không đề cập cụ thể đến Trung Quốc hay thành phố Vũ Hán của nước này. Dự thảo nghị quyết chỉ yêu cầu WHO hợp tác chặt chẽ với các cơ quan và quốc gia khác để xác định nguồn gốc động vật của virus corona chủng mới và tìm hiểu cách virus lây sang người, bao gồm cả nguồn gốc có thể có của các vật chủ trung gian.
Theo ANH THƯ – Tuổi Trẻ