Cô gái Nga hết lòng vì con trai Tưởng Giới Thạch

Trong bức ảnh chụp giữa thập niên 1930, Tưởng Kinh Quốc ngồi cạnh một cô gái tóc vàng trên con sông gần thành phố Sverdlovsk ở Nga.

Cô gái với mái tóc xoăn cắt ngắn theo mốt của châu Âu thời điểm đó là Faina Vakhreva, người sau này được biết đến với tên Tưởng Phương Lương, vợ của Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch. Trong cuốn hồi ký “Cuộc sống ở Liên Xô của tôi”, Tưởng Kinh Quốc cho biết Faina là người bạn duy nhất của ông tại nhà máy Uralmash ở Sverdlovsk, thành phố sau này đổi tên thành Ekaterinburg.

“Chúng tôi gặp nhau sau khi bà ấy tốt nghiệp một trường đào tạo kỹ thuật. Tôi là cấp trên của bà ấy. Đó là người hiểu hoàn cảnh của tôi rõ nhất. Bất cứ khi nào tôi gặp khó khăn, bà ấy luôn bày tỏ lòng thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ”, Tưởng Kinh Quốc viết trong hồi ký.

Faina Vakhreva và Tưởng Kinh Quốc trên con sông gần thành phố Sverdlovsk ở Nga vào giữa những năm 1930. Ảnh: SCMP.
Faina Vakhreva và Tưởng Kinh Quốc trên con sông gần thành phố Sverdlovsk ở Nga vào giữa những năm 1930. Ảnh: SCMP.

Từ một công nhân nhà máy ở Liên Xô, Faina bước vào gia tộc họ Tưởng sau khi kết hôn với Tưởng Kinh Quốc, cùng chồng sang Đài Loan trong giai đoạn nội chiến, rồi tiếp tục đồng hành khi ông lên nắm quyền tại hòn đảo.  

“Cả cuộc đời bà ấy là câu chuyện về sự thích nghi và lột xác hoàn toàn”, nhà phân tích Mark O’Neill, tác giả cuốn tiểu sử “Người vợ thầm lặng của Tưởng Kinh Quốc”, nhận xét. “Câu chuyện về Tưởng Kinh Quốc đã quá nổi tiếng và khó có thể viết điều gì đó mới mẻ. Nhưng vợ của ông vẫn là một bí mật. Không có Faina, ông ấy sẽ không còn là chính mình”.  

Là trẻ mồ côi sinh ra tại khu vực phía đông Belarus hồi năm 1916, Faina trải qua những năm đầu đời sống trong cảnh nghèo khó, được chị gái nuôi dưỡng. Trong khi đó, Tưởng Kinh Quốc năm 1925 đến Liên Xô và theo học tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Moskva. Tưởng Giới Thạch từng đến Nga vào năm 1923 để mua vũ khí, sau đó quyết định đưa con tới đây học tập.

Tưởng Kinh Quốc nói tiếng Nga thành thạo và thích rượu vodka. Sau khi quen Faina, ông cảm thấy đây là một cô gái vui vẻ, hòa đồng, với sở thích trượt băng và đi bộ đường dài. Họ kết hôn năm 1935, sau đó sống trong một căn hộ nhỏ ở Sverdlovsk.

Cuộc sống tại Liên Xô lúc đó khá chật vật, thực phẩm thiếu thốn. Sau khi con trai đầu lòng của họ chào đời, Tưởng Kinh Quốc mong muốn trở về quê hương, nhưng lại bị Stalin “giữ chân”, trong bối cảnh căng thẳng giữa Liên Xô và phe Tưởng Giới Thạch leo thang. Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra, khi Stalin cuối cùng quyết định cho phép ông về Trung Quốc, Faina cũng đi theo.

“Bà ấy chưa bao giờ trở lại Nga sau khi rời đi cùng chồng con hồi năm 1937. Đó không phải điều bà mong đợi. Faina muốn sống trọn đời với chồng ở Liên Xô”, O’Neill cho hay, đồng thời bày tỏ sự hứng thú khi đề cập tới cuộc gặp mặt giữa Faina và mẹ chồng Tống Mỹ Linh, người vợ thứ ba của Tưởng Giới Thạch.

“Faina xuất thân từ một gia đình bình thường, không biết tiếng Trung, rồi đột nhiên gặp Tống Mỹ Linh, người phụ nữ Trung Quốc điềm tĩnh nhất thế giới. Bà ấy giàu có, ăn mặc đẹp, thoải mái với mọi người, rồi bỗng trở thành mẹ chồng của một công nhân nhà máy Nga”, O’Neill mô tả.

Faina (trái) và Tống Mỹ Linh, vợ Tưởng Giới Thạch. Ảnh: Academia Historica.
Faina (trái) và Tống Mỹ Linh, vợ Tưởng Giới Thạch. Ảnh: Academia Historica.

Tưởng Giới Thạch được cho là rất yêu quý cháu trai của mình. O’Neill đoán rằng nếu không có cậu bé này, Faina có thể lặng lẽ “biến mất” và một phụ nữ thích hợp hơn từ gia đình danh giá nào đó của Trung Quốc sẽ thế chỗ bà. Bước vào cuộc sống mới, Faina đắm mình trong ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, bắt đầu vẽ tranh và chơi mạt chược.

Vợ chồng Faina cùng con trai từng đến tỉnh Chiết Giang sống cùng Mao Phúc Mai, vợ đầu của Tưởng Giới Thạch và là mẹ đẻ của Tưởng Kinh Quốc. Theo lời kể, người dân địa phương ngỡ ngàng trước một phụ nữ trẻ tóc vàng người Nga tắm sông trong lúc mang thai và cưỡi ngựa qua các ngôi làng.

Khi Tưởng Kinh Quốc được cha giao ngày càng nhiều trọng trách, Faina cũng trở nên tích cực với vai trò vợ của lãnh đạo dân sự địa phương. Tuy nhiên, bà gặp cú sốc lớn bởi vụ ngoại tình của chồng với một đồng nghiệp. Tưởng Kinh Quốc và nhân tình có với nhau hai con trai sinh đôi, nhưng người phụ nữ này sau đó chết một cách bí ẩn.

Vai trò của Faina trong gia đình giảm dần sau khi họ chuyển đến Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, nơi Tưởng Kinh Quốc trở thành cố vấn chủ chốt của cha ông. Đây là một trong những khoảng thời gian cô đơn và bị tách biệt đối với bà. Khi phe của Tưởng Giới Thạch thất thế trong cuộc nội chiến, Faina cùng các con được đưa tới Đài Loan trước.

“Ngay sau 8 tháng đau khổ, bà ấy phải đến một nơi xa lạ trong lúc mòn mỏi chờ đợi tin tức của chồng”, O’Neill cho biết. Do gián điệp ở khắp mọi nơi, thông tin về vị trí của chồng và bố chồng Faina được giữ bí mật.

Tưởng Kinh Quốc được đánh giá là người ôn hòa hơn so với Tưởng Giới Thạch. Tuy nhiên, các con trai của ông và Faina lại được nuông chiều, thích tiệc tùng và đam mê súng. O’Neill cho rằng họ cảm thấy bị cái bóng quá lớn của cha và ông nội che phủ.

Cả ba người con trai của Faina sau đó đều chết sớm vì tiểu đường và ung thư. Một số người Đài Loan cho rằng các con của Faine và Tưởng Kinh Quốc đã phải “chịu nghiệp” cho những hành động của ông nội.

Faina và Tưởng Kinh Quốc cùng 4 người con của họ. Ảnh: SCMP.
Faina và Tưởng Kinh Quốc cùng 4 người con của họ. Ảnh: SCMP.

Elizabeth Chiang, vợ con trai thứ ba của Faina, mô tả mẹ chồng là một người sôi nổi và vui vẻ, thường kể chuyện cười bằng tiếng Nga hoặc Trung. Bà chưa bao giờ thôi tiết kiệm sau những năm tháng khó khăn đầu đời, thậm chí yêu cầu người giúp việc đưa hóa đơn nếu nhận thấy khoản chi quá lớn.

Bà cũng cố gắng kiềm chế cơn thèm rượu và đồ ngọt của chồng khi bệnh tiểu đường tàn phá sức khỏe ông. Bản thân Faina nghiện thuốc lá nặng, mắc bệnh hen suyễn và ngày càng bị cô lập.

“Chồng bà ấy yêu cầu không hỏi về chính trị và công việc. Bà ấy đồng ý, chấp nhận vai trò làm mẹ và nội trợ một cách trung thành, ủng hộ chồng vô điều kiện”, O’Neill cho hay, tiết lộ thêm rằng chị gái của Faina, người nuôi dưỡng bà thời thơ ấu, từng viết thư gửi tới Đài Loan, nhưng Tưởng Kinh Quốc quyết định không đưa cho vợ.

Bất chấp bao sóng gió và sự thiếu chung thủy của chồng, mối quan hệ giữa Faina và Tưởng Kinh Quốc vẫn kéo dài đến cuối đời. Elizabeth Chiang cho biết Faina luôn đợi chồng ở cửa, sau đó họ nói đùa với nhau bằng cả tiếng Nga và Trung Quốc.

Faina qua đời vì biến chứng của bệnh ung thư phổi tại Đài Bắc vào ngày 15/12/2004 ở tuổi 88, 16 năm sau khi chồng bà ra đi.

Ánh Ngọc (Theo SCMP) – Vnexpress