Trưởng thôn vận động người dân ký đơn từ chối hỗ trợ

Trưởng thôn ở xã Hải Ninh phải viết kiểm điểm, xin lỗi người dân vì trước đó đã vận động họ ký đơn không nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.

Sáng 15/5, lãnh đạo xã Hải Ninh (huyện Tĩnh Gia) cùng trưởng thôn Lê Công Ngân đã đến một số gia đình ở thôn Hạnh Phúc, để xin lỗi về sự việc liên quan đến chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.

Ông Ngân thừa nhận, trước đó đã thông báo trên loa truyền thanh của thôn và đến từng hộ trên địa bàn (chủ yếu là hộ cận nghèo) vận động ký đơn không nhận hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Lá đơn do Trưởng thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh soạn sẵn đưa cho chị Luyện ký từ chối nhận tiền hỗ trợ gói 62.000 tỷ, dù chủ hộ này là anh Lê Đình Tiến song đã bị vận động ký khống. Hiện đơn đã được thu hồi, huỷ bỏ do sai quy định. Ảnh: Lê Hoàng.
Lá đơn do trưởng thôn Hạnh Phúc (xã Hải Ninh) soạn sẵn đưa cho một hộ dân ký. Hiện đơn đã được thu hồi, huỷ bỏ do sai quy định. Ảnh: Lê Hoàng.

Xác định việc làm nêu trên của trưởng thôn Hạnh Phúc là sai quy định, lãnh đạo xã Hải Ninh yêu cầu ông này viết tường trình, kiểm điểm. Sau khi nhận lỗi, ông Ngân giải thích quá trình đi vận động “hoàn toàn công tâm, không ép buộc và không tư túi hay trục lợi”.

“Mẫu đơn do tôi tự làm, không có chỉ đạo của cấp trên. Nếu bị kỷ luật, thậm chí cách chức tôi cũng chấp nhận”, ông Ngân nói.

Theo tìm hiểu, trong số 76 hộ cận nghèo ở thôn Hạnh Phúc, ông Ngân vận động được 21 hộ ký đơn. Nhiều hộ dân phản ánh bị trưởng thôn “vận động thái quá”; có người ký đơn mà không biết trong đó nêu nội dung gì.

Chị Nguyễn Thị Luyện xác nhận, hôm 9/5 đã ký vào lá đơn do trưởng thôn phát dù không biết nội dung. Ảnh: Lê Hoàng.
Chị Nguyễn Thị Luyện xác nhận, hôm 9/5 đã ký vào lá đơn do trưởng thôn phát dù không biết nội dung. Ảnh: Lê Hoàng.

Gia đình anh Lê Đình Tiến, chị Nguyễn Thị Luyện (48 tuổi, ở thôn Hạnh Phúc) không có nghề nghiệp ổn định, thuộc diện hộ cận nghèo. Anh Tiến hàng ngày đi làm phụ hồ, còn chị Luyện hấp cá thuê cho một chủ xưởng trong vùng.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Luyện nghỉ làm, mọi sinh hoạt trong gia đình phụ thuộc vào thu nhập của anh Tiến. 

Cuối tháng 4, nghe tin Chính phủ sắp giải ngân gói hỗ trợ người dân, chị Luyện nghĩ gia đình sắp có một khoản để trang trải cuộc sống lúc khó khăn. Tuy nhiên, ngày 9/5, chị được vận động ký đơn từ chối hỗ trợ. “Tôi ký nhưng không biết trong tờ giấy đó viết gì”, chị Luyện nói.

Ông Lê Công Ngân, Trưởng thôn Hạnh Phúc thừa nhận có vận động các hộ cận nghèo ký đơn không nhận hỗ trợ chính sách. Ảnh: Lê Hoàng.
Ông Lê Công Ngân, Trưởng thôn Hạnh Phúc thừa nhận đã vận động các hộ cận nghèo ký đơn không nhận hỗ trợ. Ảnh: Lê Hoàng.

Cũng theo chị Luyện, anh Tiến (chồng chị) là người đứng tên chủ hộ song lá đơn lại do chị ký thay và vẫn đề tên Lê Đình Tiến. Còn anh Tiến cho hay, hôm vợ ký đơn anh đang đi làm, không ở nhà và cũng không được bàn bạc.

Về việc để người dân không phải chủ hộ ký đơn, Trưởng thôn Lê Công Ngân thừa nhận “đã làm sai quy trình”.

Sau khi lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá nghiêm cấm vận động người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ, xã Hải Ninh đã rà soát và nhiều hộ trước đó ký đơn, nay đề nghị rút lại để vẫn hưởng chính sách từ gói 62.000 tỷ đồng.

Trong số 21 hộ ký vào mẫu đơn in sẵn, hiện chỉ còn 7 hộ tự nguyện không nhận tiền và chuyển sang đơn viết tay. Gia đình anh Tiến, chị Luyện nằm trong số các hộ đề nghị rút đơn. “Nhà nước cho thì mình vui vẻ nhận thôi”, chị Luyện nói và cho hay đã chấp nhận lời xin lỗi của trưởng thôn.

Theo ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, ngoài thôn Hạnh Phúc, trên địa bàn còn có thôn Đồng Minh và Hồng Phong xảy ra việc cán bộ thôn soạn sẵn đơn cho người dân ký; 10 thôn còn lại không xuất hiện tình trạng này.

Xã Hải Ninh đã thu hồi toàn bộ số đơn in sẵn và thông báo hộ dân nào đã ký đơn nhưng vẫn có nguyện vọng nhận tiền hỗ trợ, sẽ được hướng dẫn làm thủ tục chi trả.

“Xã không có chủ trương vận động người dân, cũng không chịu sức ép từ cấp huyện, đây có thể do trưởng thôn vì bệnh thành tích nên tự ý triển khai”, ông Phương nói.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, cho hay huyện đang phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội làm rõ sự việc ở xã Hải Ninh. “Nếu xã nào, thôn nào làm như vậy là trái với chỉ đạo của cấp trên”, ông Dũng khẳng định.

Đến nay huyện Tĩnh Gia thống kê được 1.500 người ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ, chủ yếu là nhóm hộ cận nghèo.

Ngoài ra, tại Thanh Hóa, hàng nghìn người dân ở các huyện Thọ Xuân, Quảng Xương, Hoằng Hóa… cũng được cho là làm đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã thành lập ba đoàn công tác, về các huyện, thị xã để xác minh.

Trước đó ngày 10/4, Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Dự kiến, khoảng 20 triệu người yếu thế bị ảnh hưởng sẽ được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. 

Lê Hoàng – Vnexpress