“Hơn hai tháng nay tôi không được lên bờ, do công ty quản lý yêu cầu tất cả thuyền viên ở trên tàu để phòng Covid-19”, Trí nói với qua email gửi từ tàu hàng đông lạnh của Công ty Seatrade, Hà Lan, ngày 12/5.
Trí, sĩ quan boong, cho biết tàu đang neo ngoài khơi Panama, chờ lệnh của chủ. Điểm cuối cùng anh được tự do đi lại là ở Bremen, Đức, vào cuối tháng 2/2020. Sau đó tàu không cập cảng ở nước ngoài, dù đi qua Tây Ban Nha, Australia, Bắc Mỹ.
“Hiện chúng tôi vẫn chưa có hải trình tiếp theo”, Trí nói. Anh là người Việt duy nhất trong 14 thủy thủ trên khoang.
Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối 2019. Dịch hiện lan tới hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 298.000 người chết, hơn 4,4 triệu ca nhiễm. Dịch bệnh đã khiến nhiều người mắc kẹt trên các tàu và du thuyền.
Trên tàu ngoài khơi Panama, Trí và các đồng nghiệp được đảm bảo đủ thực phẩm, có các hình thức giải trí như thư viện, hồ bơi, phòng tập và thiết bị điện tử. Tuy nhiên, họ thiếu đồ dùng cá nhân và thuốc men, do không được lên bờ mua sắm. Không có internet thường xuyên, Trí thỉnh thoảng sử dụng modem phát wifi để xem thông tin và liên hệ với gia đình.
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành hàng hải ở Hà Lan, Trí đã có hơn ba năm kinh nghiệm làm việc trên tàu viễn dương. Anh bắt đầu làm việc trên tàu của công ty Seatrade từ tháng 10/2019, nhập tàu tại cảng Dunkirk, Pháp. Theo kế hoạch, Trí kết thúc hợp đồng trên tàu vào tháng 2/2020. Anh muốn về quê ở Vũng Tàu nên chọn phương án rời tàu và tự chịu chi phí lưu trú trên bờ. Hiện Trí có visa dành cho thủy thủ nhưng visa này không có hiệu lực trên bờ nếu anh chấm dứt hợp đồng với chủ tàu. Do đó, Trí cần có visa khác để nhập cảnh ở điểm dừng tiếp theo của tàu.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) khuyến cáo chính phủ các nước có thuỷ thủ làm việc trên các tàu ở nước ngoài liên lạc với chính phủ và cơ quan chức năng liên quan để hỗ trợ công dân hồi hương. Các thủy thủ cần được miễn trừ hạn chế đi lại khi họ cung cấp đủ giấy tờ; được các hãng hàng không đảm bảo điều kiện bảo vệ sức khỏe và hành trình về nước. Trong khi đó, Uỷ ban châu Âu (EC) đề nghị các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tạo thuận lợi để công dân của khu vực này và công dân nước thứ ba đang làm việc trên các tàu ở nước ngoài có visa dài hạn trong quá trình hồi hương, không bị hạn chế đi lại khi Covid-19 lan rộng. EC thống kê đầu tháng 4/2020, gần 600.000 thủy thủ từ nhiều nước làm việc trên các tàu của EU.
Theo quy định, Trí sẽ được công ty trả tiền vé cho chặng bay từ cảng nước ngoài về Đông Nam Á. Tuy nhiên, anh chưa biết khi nào và ở đâu có chuyến bay thương mại về Việt Nam. Trí cũng biết tin một số bạn bè gặp hoàn cảnh tương tự.
Từ giữa tháng 4, khi các nước trên thế giới dừng chuyến bay thương mại để chặn Covid-19, Việt Nam đã phối hợp với một số quốc gia để tổ chức các chuyến bay đưa công dân hồi hương. Đến nay hàng nghìn người Việt đã về nước, sau khi bị kẹt ở các nước Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Italy, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, UAE, Nga.
“Tôi rất mong các cơ quan chức năng Việt Nam hỗ trợ lãnh sự, để tôi và các thủy thủ kẹt trên các tàu viễn dương khác, có thể sớm về nước”, Trí nói.
Việt Anh – Vnexpress