Ngày 10-5, chương trình “Lắng nghe và trao đổi” tháng 5-2020 diễn ra với chủ đề Dịch vụ công trực tuyến TPHCM, thực trạng và giải pháp. Chương trình do HĐND TP.HCM và Đài truyền hình TP phối hợp tổ chức.
Bà Võ Thị Trung Trinh, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông, cho biết năm 2016 TP có hơn 450 thủ tục có thể làm trực tuyến thì đến cuối năm 2019 con số này đã tăng lên trên 1.100 thủ tục. Từ chỗ chỉ 4%, đến nay đã có hơn 56% thủ tục thực hiện theo hình thức trực tuyến.
Sở Thông tin và truyền thông sẽ tham mưu TP các giải pháp để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2025, TP.HCM có trên 50% thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến ở cấp độ 3,4.
Tuy nhiên, bà Trinh cũng đánh giá thủ tục trực tuyến còn khá phức tạp nên người dân còn e dè, thiếu tin cậy. Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Trần Anh Tuấn cho biết một trong những lý do khiến tỉ lệ làm dịch vụ công trực tuyến chưa cao là do người dân, doanh nghiệp ngại mất an toàn thông tin khi thực hiện hồ sơ theo hình thức trực tuyến.
Đại diện Sở Tư pháp thông tin hiện có những quy định khá bất cập nên dù thực hiện thủ tục trực tuyến nhưng có những khâu người dân vẫn phải làm trực tiếp. Chẳng hạn, với thủ tục cấp lý lịch tư pháp, để đảm bảo nguyên tắc bí mật đời tư, quy định yêu cầu người xin cấp phải trực tiếp đến sở.
Tương tự, thủ tục cấp phép xây dựng đang chỉ có thể thực hiện trực tuyến mức độ 3, nghĩa là người dân vừa phải làm trực tuyến, vừa có một nửa phần việc phải nộp trực tiếp. Hiện Sở Xây dựng đang lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để tiến tới thực hiện thủ tục này hoàn toàn trực tuyến (mức độ 4).
Phó giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Trần Anh Tuấn cho rằng để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến thì tính pháp lý của chữ ký số cần phải được bảo đảm theo hướng áp dụng chữ ký số đồng bộ.
Theo MAI HƯƠNG – Tuổi Trẻ