Trong mùa tuyển sinh năm 2017, một bé trai 13 tuổi vào Thanh Hoa, bé gái 12 tuổi vào Đại học Chiết Giang đều với điểm số cao ngất ngưởng. Nhưng cả hai không gây chú ý bằng cô bé Zhang Yiwen, 10 tuổi đã học đại học.
Ngay từ bé Yiwen đã không tới trường. Cha em, anh Zhang Mintao, 44 tuổi, có một cơ sở dạy học tư nhân. Vợ chồng Zhang đã thống nhất dạy dỗ con tại nhà và cơ sở giáo dục của mình. Cô bé hoàn thành tất cả chương trình học tiểu học và trung học dưới sự hướng dẫn của cha mẹ.
Năm 2016, lúc 9 tuổi họ đã cho Zhang Yiwen thi đại học. Cô bé được 172 điểm, thiếu 8 điểm nữa mới vào được một trường đại học ở Hà Nam. Không bỏ cuộc, năm sau họ lại cho con thi vào Học viện Công nghệ Thương Châu. Cuối cùng Yiwen được nhận vào khoa Công nghệ thông tin điện tử trường này, với 352 điểm.
Ngày đầu tiên tới trường, Yiwen lọt thỏm giữa những sinh viên 18 tuổi. Đi đến đâu bé gây chú ý tới đó. Vào đầu học kỳ là khóa huấn luyện quân sự, các sinh viên thêm bạn bè WeChat, tham gia các câu lạc bộ và làm quen với nhau. Zhang Yiwen muốn được mua một chiếc điện thoại để tham gia câu lạc bộ anime, không phải vì thích anime, mà đây là cách duy nhất để em học tiếng Nhật. Tuy nhiên, bố mẹ từ chối yêu cầu của em. “Hãy để thầy cô và bạn bè con thêm Wechat của bố”, người cha nói.
Anh Zhang Mintao cũng hy vọng con gái đọc các cuốn sách về Nho giáo, trong khi cô bé lại thích Harry Porter và truyện tranh.
Từ trường tư thục của Zhang Mintao đến Học viện công nghệ Thương Châu chỉ mất mười phút, qua hai đèn giao thông. Mục đích vợ chồng Zhang cho con học gần nhà là để tiện chăm sóc. “Khi con làm tốt những mục tiêu đặt ra tôi sẽ không cần phải kiểm soát chặt nữa”, Zhang từng nói trên Sina.
Theo tờ Thepaper, anh Zhang Mintao từng có thời tuổi trẻ thất bại, không thể theo đuổi được ước mơ nghiên cứu khoa học. Bất mãn với chương trình giáo dục truyền thống nên anh muốn tự dạy con mình. Ngày con đỗ đại học là ngày người cha mãn nguyện nhất. Anh xuất hiện trên khắp các mặt báo tự hào chia sẻ về phương pháp giáo dục của mình.
Đối diện trường tư thục của Zhang là trường trung học tốt nhất Thương Châu. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2017 đã có 8 học sinh của trường này vào được Đại học Thanh Hoa – trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Thành tích như vậy là rất hiếm. Nhưng trong mắt Zhang Mintao, thành tích này không đáng phô trương, bởi “đi học đại học ở tuổi lên 10 có ý nghĩa hơn so với đi học đại học ở tuổi 18”.
“Mục tiêu cuối cùng là học tiến sĩ, vì vậy đừng quan trọng về việc học đại học ở đâu”, anh viết trên trang cá nhân. Vợ chồng anh đặt mục tiêu con gái sẽ chỉ mất 3 năm học hết chương trình đại học, chuyển sang một trường khác để lấy bằng thạc sĩ, sau đó ra nước ngoài học tập. Bằng cách này, cô bé có thể bước lên “xã hội thượng lưu và được mọi người tôn trọng”.
“Hãy lùi lại mười nghìn bước, nếu Zhang Yiwen thực sự không thể theo kịp các khóa học đại học thì hãy đưa con về nhà học trực tuyến, miễn là con có thể lấy được bằng”, người cha nói thêm.
Tuy nhiên, cách giáo dục của Zhang vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối từ các bậc cha mẹ tới các chuyên gia giáo dục. Họ cho rằng bé Yiwen chắc chắn thông minh và có tố chất, nhưng việc bỏ qua nền giáo dục cơ bản là điều nguy hại. Theo lứa tuổi học sinh bình thường, một đứa trẻ 10 tuổi vẫn đang học tiểu học. Nhưng khi vào đại học với bạn bè trưởng thành, cô bé bắt đầu cảm thấy không thoải mái và sự trẻ con cũng sẽ khiến bé thấy bất hạnh.
Một số luật sư và học giả giáo dục cũng cho rằng hành vi không cho con tới trường, mà học tại cơ sở giáo dục của Zhang đã vi phạm “Luật giáo dục bắt buộc”.
Thêm vào đó, thi tuyển sinh đại học là một chuyện và vào đại học thì khác. Thực tế trong các năm qua bé Zhang Yiwen thấy chương trình đại học khó khăn với mình. Là một thần đồng trong mắt mọi người nhưng vào đại học bé lại không thể hiện được bất kỳ tài năng đặc biệt nào.
Dần dần Zhang Yiwen hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Tờ Thepaper cũng viết, Zhang Yiwen từng khó chịu khi bị bố làm phiền các giờ học để tiếp đón phóng viên. Bé nói trước ống kính: “Em không còn sẵn sàng sống cuộc sống của người nổi tiếng”.
Đến nay vẫn có nhiều quan điểm cho rằng Zhang Yiwen là một “thần đồng giả mạo” do bị cha mẹ ép buộc.
Bảo Nhiên (Theo QQ) – Vnexpress