Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết đầu dịch đến nay, Khoa tiếp nhận 5 bệnh nhân Covid-19 nặng cần can thiệp thở máy. Các bệnh nhân chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp, phải đặt ống thở máy, hỗ trợ với mức độ oxy cao. Các bác sĩ của Khoa cấp cứu tiến hành điều trị hồi sức, kết hợp sử dụng các thuốc kháng virus.
Tùy từng tình trạng suy hô hấp khác nhau sẽ tiến hành các phương pháp khác nhau. Những bệnh nhân nhẹ thì không phải can thiệp gì, điều trị theo triệu chứng, nâng cao thể trạng. Bệnh tiến triển nặng, xuất hiện tình trạng suy hô hấp sẽ sử dụng liệu pháp như oxy kính mũi, oxy mask… Nếu bệnh nhân không đáp ứng được sẽ sử dụng oxy lưu lượng cao, thở máy không xâm nhập. Khi bệnh nhân không tiến triển, sẽ chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, nơi bác sĩ đặt ống nội khí quản, kết hợp thở máy xâm nhập. Sử dụng ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) là phương pháp cuối cùng.
“Có những bệnh nhân phải đặt ống thở, đặt nội khí quản từ khoa Cấp cứu. Cũng có những bệnh nhân đến Khoa Hồi sức tích cực thì đặt luôn”, bác sĩ cho biết.
Phương pháp đặt ống nội khí quản là một trong những thủ thuật nguy cơ lây nhiễm rất cao vì tạo ra các bụi khí dung (aerosol). Bác sĩ phải tiếp xúc trực tiếp với các bụi khí này nên rất dễ lây nhiễm.
Phương pháp đặt ECMO mức độ phơi nhiễm thấp hơn đặt nội khí quản. Tuy nhiên đây là phương pháp kỹ thuật cao, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ chuyên sâu, được đào tạo để có thể tiến hành và theo dõi bệnh nhân trong quá trình chạy. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, các nhân viên y tế còn phải tiến hành những thủ thuật như hút đờm, lấy bệnh phẩm đường hô hấp dưới… , đều tạo ra nguy cơ lây cao.
Điều trị cho bệnh nhân nguy kịch, ngoài thuốc kháng virus, các bác sĩ sẽ phải kết hợp với điều trị hồi sức và sử dụng các loại thuốc khác nhau đảm bảo được các hoạt động của các chức năng cơ thể. Thông thường bệnh nhân nặng thường bội nhiễm, vì thế sẽ được bổ sung thuốc kháng sinh tùy thuộc nguyên nhân gây bội nhiễm.
Về lựa chọn thuốc kháng virus, theo bác sĩ Phúc, đây cũng là một vấn đề hết sức phức tạp. Hiện thế giới chưa có thuốc đặc hiệu hay phác đồ thống nhất, các bác sĩ tham khảo nhiều nghiên cứu đặc biệt là của các đồng nghiệp tại Trung Quốc – nơi bùng phát dịch đầu tiên của thế giới, cũng như của các quốc gia khác.
Ví dụ, phác đồ ban đầu sử dụng thuốc kháng virus là một thuốc được dùng cho bệnh nhân HIV, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đây là sự lựa chọn dựa trên phác đồ của Trung Quốc và theo đề tài nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 của Việt Nam.
Bất cứ thuốc nào ngoài những tác dụng điều trị đều gây ra tác dụng phụ. Ví dụ thuốc HIV gây buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, mệt mỏi… Các bác sĩ đầu tiên phải biết các tác dụng phụ đó để theo dõi tầm soát trên từng bệnh nhân trong quá trình bệnh nhân dùng thuốc. Nếu bệnh nhân gặp tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng thì phải dừng ngay.
Bệnh nhân Khoa Hồi sức tích cực đa phần cao tuổi, có những bệnh lý nền khác nhau nên phải được tầm soát tất cả các cơ quan, và sử dụng các thuốc điều trị cho bệnh nền. Cùng với đó, hội đồng chuyên môn phải hội chẩn rất chi tiết từng bệnh nhân mới đưa ra một phác đồ thích hợp.
“Bệnh nhân 20” là một trường hợp rất nặng. Khi vào khoa, các bác sĩ nhận định tình trạng viêm phổi trên bệnh nhân 64 tuổi tuổi, sức khỏe suy kiệt. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân đáp ứng rất chậm, những tổn thương phổi ngày một nặng lên, biện pháp hỗ trợ thở máy đã tối ưu nhưng bệnh nhân vẫn trở nặng. Vì thế trong đêm, bệnh nhân phải được can thiệp ECMO.
Bệnh nhân Dixong John Garth, 74 tuổi, người Anh, bệnh lý nền ung thư máu. Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phải trao đổi với bác sĩ gia đình của bệnh nhân bên Anh để tìm hiểu bệnh ung thư đang kiểm soát ở mức nào, có cần dùng thuốc duy trì nữa không…
“Ngoài thuốc kháng sinh và thuốc kháng virus trong điều trị Covid-19, chúng tôi kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị bệnh lý nền, thuốc điều trị hỗ trợ, thuốc chống đông máu… Phải lựa chọn thuốc thích hợp để điều trị mà vừa tránh tối đa tác dụng phụ, cũng như các tương tác thuốc gây hại”, bác sĩ Phúc nói. “Một trong những tổn thương của bệnh nhân Covid-19 là rối loạn đông máu, gây tắc các vi mạch và tổn thương đa cơ quan, nên gần như tất cả cơ quan tim, phổi, thận, gan, não bộ… đều bị tác động”.
Ngoài điều trị, các bác sĩ phải tập phục hồi chức năng cho người bệnh. Quá trình chăm sóc người bệnh cũng là một khó khăn. Bệnh nhân nằm giường lâu, các bác sĩ, điều dưỡng phải thường xuyên phải tắm rửa, lật trở bệnh nhân, nếu không sẽ bị loét những chỗ tì đè, gây nhiễm trùng.
Khoa Hồi sức tích cực đã điều trị khỏi ba, hiện tiếp tục chữa bệnh cho hai bệnh nhân nặng.
Thúy Quỳnh – Vnexpress