Germann và bạn gái nằm trong số 3.000 hộ gia đình được lựa chọn ngẫu nhiên ở thành phố Munich tham gia một nghiên cứu đầy tham vọng với mục đích chính là tìm hiểu có bao nhiêu người nhiễm nCoV, bao gồm cả những người không có triệu chứng, một chỉ số vô cùng quan trọng với chính phủ.
“Tất nhiên tôi đồng ý. Tôi muốn giúp đỡ. Đây là cuộc khủng hoảng chung và chính phủ đang làm những gì có thể. Mọi người cần đóng góp chút gì đó”, Germann, quản lý dự án 41 tuổi tại một công ty truyền thông, cho hay.
Các nhà khoa học Đức hy vọng thu thập được những thông tin có giá trị về mức độ xâm nhập của nCoV trong xã hội, mức độ nguy hiểm thực sự của nó và liệu khả năng miễn dịch có thể phát triển hay không.
Từ những phát hiện này, chính phủ mong muốn làm sáng tỏ các vấn đề giúp Đức “hạ cánh an toàn” sang giai đoạn tiếp theo của đại dịch. Đó là những biện pháp hạn chế nào ngăn chặn virus hiệu quả nhất và mệnh lệnh nào có thể yên tâm gỡ bỏ.
Đức, đất nước với 83 triệu dân, tự sản xuất hầu hết kit xét nghiệm chất lượng cao mà họ sử dụng để tiến hành 120.000 xét nghiệm mỗi ngày, quy mô lớn hơn hầu hết quốc gia khác trên thế giới, thậm chí con số này đang tăng lên. Thủ tướng Angela Merkel, một tiến sĩ hóa học lượng tử, cho biết mục tiêu của họ là “truy vết mọi chuỗi lây truyền”.
Năng lực xét nghiệm mức độ cao đã giúp Đức làm chậm quá trình lây lan của nCoV, trở thành “đầu tàu” chống đại dịch trong số các quốc gia phương Tây. Số ca tử vong của nước này tương đối thấp và ngày càng nhiều người bình phục. Tỷ lệ truyền nhiễm nCoV tại Đức hiện nay là cứ 10 người lây cho 7 người, tương đương 0,7%, sụt giảm đáng kể đối với một chủng virus lây lan theo cấp số nhân.
Bất chấp những chỉ trích về việc không dẫn dắt, đoàn kết và hỗ trợ Liên minh Châu Âu (EU) giữa cuộc khủng hoảng sâu sắc, Thủ tướng Merkel, với “nghệ thuật” kết hợp khéo léo giữa trấn an và cảnh tỉnh, vẫn được người dân trong nước ca ngợi và tuân theo các quy tắc cách biệt cộng đồng chính phủ đặt ra. Tỷ lệ tín nhiệm của bà hiện lên tới trên 80%.
Theo bình luận viên Katrin Bennhold của NY Times, lòng tin vào chính phủ mang lại cho Đức lợi thế to lớn trong cuộc chiến chống Covid-19. Đó là lý do ngay tại một quốc gia đề cao tính riêng tư, người dân vẫn bày tỏ thiện chí, thay vì lo sợ, khi nhìn thấy cảnh sát và những người lạ đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ, gõ cửa xin xét nghiệm máu.
Dự án nghiên cứu kháng thể ở Munich, do Khoa Bệnh Truyền nhiễm và Y học Nhiệt đới tại Bệnh viện Đại học Munich điều hành và chính quyền bang Bavaria đồng tài trợ, là nghiên cứu lớn nhất được triển khai tại địa phương của Đức. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo chưa có bằng chứng cho thấy việc phát hiện kháng thể đồng nghĩa với khả năng miễn dịch. Ngay cả khi điều đó chính xác, vẫn chưa rõ khả năng miễn dịch đó có thể tồn tại bao lâu.
Ở quy mô toàn quốc, Viện Robert Koch (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đức, đang xét nghiệm 5.000 mẫu từ các ngân hàng máu trên cả nước hai tuần một lần, cùng mẫu từ 2.000 người tại 4 “điểm nóng” của đại dịch. Dự án tham vọng nhất, với mục tiêu xét nghiệm ngẫu nhiên 15.000 người trên toàn quốc, dự kiến bắt đầu vào tháng tới.
“Trong thế giới tự do, Đức là quốc gia đầu tiên hướng đến tương lai. Chúng tôi đang dẫn dắt ý tưởng phải làm gì tiếp theo”, giáo sư Michael Hoelscher, người đứng đầu nghiên cứu ở Munich, nêu ý kiến, nói thêm rằng một số quốc gia đã hỏi ông về phương thức thực hiện dự án. Hoelscher cũng là đồng tác giả của nghiên cứu có tầm ảnh hưởng rộng rãi về cách nCoV lây truyền trước khi người nhiễm xuất hiện triệu chứng.
“Sau khi đọc xong nghiên cứu này, tôi không còn nghi ngờ gì về sự tồn tại của hiện tượng lây lan không triệu chứng. Nó đã giúp giải đáp câu hỏi”, Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), cố vấn về Covid-19 của Tổng thống Donald Trump, phát biểu hôm 1/2, ba ngày sau khi nghiên cứu của Hoelscher được công bố.
Sự lây lan không triệu chứng khiến công tác chống dịch trở nên khó khăn, bởi số lượng lớn người nhiễm không được phát hiện. Các nhà khoa học cho biết việc ước tính số ca nhiễm ẩn, nắm rõ quy mô thực sự của đại dịch, là chìa khóa giúp điều chỉnh chính sách nới lỏng dần các hạn chế, giảm thiểu mức độ cách biệt cộng đồng và thiệt hại kinh tế.
“Chúng ta sẽ nắm rõ hơn về số ca nhiễm không được phát hiện ngay khi hoàn thành những nghiên cứu đại diện này. Rất nhiều việc đang được thực hiện để đo lường chính xác”, Lothar Wieler, chủ tịch phụ trách bệnh truyền nhiễm của RKI, cho hay.
Nỗ lực nghiên cứu của Đức đã đạt một số kết quả tạm thời. Tại Gangelt, thị trấn nhỏ gồm khoảng 12.000 người phía tây bắc đất nước, việc xét nghiệm nhóm 500 cư dân đầu tiên cho thấy 14% có kháng thể nCoV và 2% dương tính với virus, mở ra hy vọng rằng khoảng 15% cư dân địa phương có thể đã miễn dịch ở mức độ nhất định.
“Quá trình hướng tới khả năng miễn dịch cộng đồng đã bắt đầu”, giáo sư Hendrik Streeck, giám đốc Viện Virus học tại Bệnh viện Đại học Bonn, người dẫn đầu nghiên cứu, viết trong báo cáo, thêm rằng mức độ miễn dịch tại Gangelt gần như chắc chắn thấp hơn những khu vực khác trong nước.
Sau một lễ hội hồi giữa tháng 2, Gangelt trở thành một trong những nơi đầu tiên bị nCoV tấn công và chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong tại thị trấn là 0,37%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 3% trên toàn quốc, số liệu chỉ dựa vào những ca nhiễm được phát hiện.
Nghiên cứu tại Munich dự kiến mang lại kết quả toàn diện hơn, bởi những người tham gia như Germann sẽ được theo dõi cả năm. Ngoài các xét nghiệm máu thường xuyên, những người thực hiện dự án còn hỏi về mọi thứ, từ trạng thái tinh thần đến tình hình tài chính.
“Chúng tôi đang đứng ở ngã tư đường. Liệu chúng tôi sẽ đi theo phương án nới lỏng nhiều thêm, tăng khả năng miễn dịch trong mùa hè để kiềm chế virus lây lan trong mùa đông, đồng thời giúp người dân tự do hơn, hay cố gắng giảm thiểu lây nhiễm cho đến khi có vaccine?”, giáo sư Hoelscher đặt vấn đề.
“Đây là câu hỏi cho các chính trị gia, không phải giới khoa học. Nhưng các chính trị gia cần dữ liệu để đánh giá rủi ro”, ông nói thêm.
Hoelscher nghĩ ra ý tưởng nghiên cứu kháng thể vào ngày 19/3, ngay trước khi bang Bavaria tuyên bố phong tỏa. “Tôi tự nhủ rằng nếu sắp phải phong tỏa, chúng ta cần bắt đầu thực hiện chiến lược thoát khỏi nó ngay bây giờ”, ông cho hay.
Một ngày sau, Hoelscher viết đơn xin hỗ trợ từ chính quyền Bavaria và được “bật đèn xanh” sau 6 giờ. Các kit xét nghiệm được chuyển đến sau ba tuần, cùng một phòng thí nghiệm mới và những nhóm nhân viên y tế triển khai khắp thành phố Munich.
6 ngày sau khi lần đầu tiên bấm chuông cửa nhà Germann, một bác sĩ và hai sinh viên y khoa trở lại căn hộ của anh. Họ mặc đồ bảo hộ dùng một lần, đeo găng tay và kính. Sau khi lấy máu xong, họ cởi và cất đồ bảo hộ, khử trùng tất cả bề mặt mà họ đã chạm vào rồi rời đi. Toàn bộ quá trình chỉ mất 10 phút.
“Tôi bị ấn tượng trước sự nhịp nhàng hoàn hảo của họ”, Germann cho hay, nói thêm rằng anh rất tò mò về kết quả xét nghiệm đầu tiên của mình, dự kiến được gửi vào tuần sau. “Bạn sẽ thắc mắc rằng liệu mình có nhiễm nCoV hay không”.
Ánh Ngọc (Theo NY Times) – Vnexpress