Tiếp viên hàng không: ‘Tôi đau toàn thân lúc nhiễm nCoV’

Tiếp viên hàng không Lê Thị Quyên chia sẻ, cô sốt liên tục 5 ngày, “ho như bị rút ruột gan trong thời gian nhiễm nCoV”. 

Ngày 15/4, “bệnh nhân 59” Lê Thị Quyên và “bệnh nhân 46” Nguyễn Thùy Dung – hai tiếp viên của Vietnam Airlines, ra viện sau hơn một tháng điều trị và cách ly tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương 2.

Tiếp viên Quyên kể, cô làm việc tại khoang thương gia trên chuyến bay VN54, hạ cánh tại sân bay Nội Bài ngày 2/3. Trên máy bay, cô phục vụ đồ ăn uống cho hành khách ghế 5K (“bệnh nhân 17”). Khi máy bay hạ cánh, vì chưa có quy định hành khách và tiếp viên phải cách ly nên cô vẫn bay chuyến khác. Đến lúc “bệnh nhân 17” được phát hiện, toàn bộ phi hành đoàn chuyến bay VN54 phải đi cách ly từ ngày 6/3 tại bệnh viện đa khoa Gia Lâm.  

Quyên thuê nhà ở một mình gần trụ sở Đoàn tiếp viên, bố mẹ sống ở Hải Dương vẫn chờ cô về nhà sau khi cách ly, nên họ bất ngờ khi biết cô nhiễm bệnh. “Mẹ tôi khóc to khi biết kết quả xét nghiệm của tôi dương tính, bà còn lo không được gặp lại con vì đây là bệnh truyền nhiễm”, Quyên cho hay.

Ngày 9/3, Quyên bắt đầu sốt trên 37,5 độ, ho nặng dần, đau ngực rồi được chuyển đến Bệnh viện nhiệt đới Trung ương 2 và nhận kết quả dương tính nCoV .     

“Nhiều lúc tôi đau toàn thân như bị đánh, sốt cao và ho liên tục, đau cả hai hốc mắt; phải cố gắng lắm mới nói chuyện được với người thân, nói chuyện xong thì mệt lả”, Quyên cho hay. Cô cũng bị viêm phổi nên phải điều trị bằng kháng sinh nhiều ngày. 

Tiếp viên Lê Thị Quyên sau thời gian điều trị bệnh tại bệnh viện nhiệt đới trung ương. Ảnh: NVCC. 
Tiếp viên Lê Thị Quyên sau thời gian điều trị bệnh tại bệnh viện nhiệt đới trung ương. Ảnh: NVCC. 

Mỗi ngày nào ở viện với Quyên đều đáng nhớ. Cô ấn tượng với các nhân viên y tế tận tâm động viên bệnh nhân, một số người phải cạo đầu để mặc đồ bảo hộ dễ hơn, hay khi họ ngồi ngủ gục trên bàn vì mệt mỏi. 

Trong thời gian điều trị, Quyên hạn chế nói chuyện, không bước ra khỏi phòng, đồ ăn được để ngoài cửa và cô tự mang vào phòng; nên “khi được bước ra khỏi cửa phòng, hít thở không khí ngoài trời là niềm hạnh phúc với tôi”. 

Ra viện, Quyên về tự cách ly thêm 14 ngày. “Việc đầu tiên tôi làm sau khi cách ly là về nhà gặp bố mẹ, rồi hy vọng tiếp tục được đi bay vì rất nhớ nghề”, Quyên chia sẻ.  

Tiếp viên Lê Thị Quyên (áo trắng) và tiếp viên Nguyễn Thùy Dung (áo hồng) ngày được ra viện. Ảnh: NVCC. 
Tiếp viên Lê Thị Quyên (áo trắng) và tiếp viên Nguyễn Thùy Dung (áo hồng) ngày được ra viện. Ảnh: NVCC. 

Tiếp viên Nguyễn Thùy Dung kể lại, ngày 7/3 chuyến bay của cô từ TP HCM đến London diễn ra bình thường; khách sạn của phi hành đoàn nằm xa trung tâm nên cô nhờ bạn đưa đi ăn, mua đồ tại một siêu thị ở London trước khi về nước. Khi ra ngoài, Dung và các tiếp viên khác luôn đeo khẩu trang nên bị một số người Anh tỏ ý kỳ thị, hỏi rằng “có phải các cô đến từ Trung Quốc không?”. 

Về Việt Nam ngày 9/3, lúc này chưa có quy định cách ly tập trung, song vì có con nhỏ nên Dung tự thuê khách sạn gần cơ quan để cách ly với gia đình. Tối muộn ngày 10/3, cô bị sốt và ho nên sáng hôm sau một mình đến Trung tâm y tế hàng không khám. Sau đó, cảm thấy không yên tâm, cô tự đến Bệnh viện nhiệt đới Trung ương 2 và được cách ly luôn tại đây. Đến ngày 12/3, cô nhận thông báo mẫu xét nghiệm dương tính nCoV.     

Dung kể, triệu chứng bệnh của cô ban đầu giống như cảm cúm thường, không đau họng, chỉ sốt 38 độ và thấy khỏe sau khi được truyền nước. Mấy ngày sau, người đau nhức, mỏi mệt, tức ngực và khó ngủ. Bác sĩ thông báo phổi của cô bị tổn thương nhẹ. 

Trong phòng điều trị, mỗi lần gọi điện về nhà nghe đứa con hơn 2 tuổi bi bô nói, Dung đều khóc và tự nhủ phải cố gắng để nhanh được về với con. “Việc đầu tiên tôi làm khi ra viện là ôm con, ôm chồng vì tính thời gian điều trị và cách ly đã xa nhau gần 2 tháng”, Dung chia sẻ.  

Sau khoảng chục ngày điều trị, Dung xét nghiệm âm tính và được chuyển sang phòng cách ly với những người bệnh khác để tiếp tục theo dõi sức khỏe. Trong phòng có các du học sinh và một phụ nữ ở Sơn Lôi.

Dung chia sẻ mối lo ngại của cô khi về nhà là sự kỳ thị, quan ngại của cộng đồng. Khi Dung mới nhiễm bệnh, một số người trong khu phố nơi cô ở bày tỏ thái độ xa lánh với gia đình cô. “Có người gọi điện cho mẹ tôi bảo con gái bà mang bệnh về nước, điều đó khiến tôi rất buồn, mong mọi người cảm thông và tin tưởng rằng giờ đây tôi hoàn toàn khoẻ mạnh”, Dung nói.  

Đoàn Loan – Vnexpress