Tương tự, hơn 135.000 học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng nghỉ hết ngày này. Thành phố kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh một số nội dung liên quan đến kế hoạch năm học, thời gian hoàn thành chọn sách giao khoa cho năm học mới, thời gian kết thúc năm học 2019-2020.
Đây là lần thứ 8 TP HCM thông báo kéo dài thời gian nghỉ học để phòng chống dịch bệnh. Hiện, TP HCM, Hà Nội cùng 10 tỉnh thành có nguy cơ cao lây lan nCoV tiếp tục cách ly xã hội đến hết 22/4.
Từ giữa tháng 3, thành phố đã triển khai chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và 12, giúp các em ôn tập, chủ động cho kỳ thi lớp 10 và THPT quốc gia.
Với các khối còn lại, thành phố tổ chức dạy trực tuyến bằng kho tài nguyên số, dạy học trên truyền hình, thực hiện tinh giản môn học.
Họp với Chính phủ hôm 10/4, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, nếu thành phố tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, học sinh có thể trở lại trường vào giữa tháng 5. Ông Nhân cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro tại trường học nhằm đảm bảo an toàn cho người học trong điều kiện thành phố vẫn có người nhiễm nCoV và vẫn có nguy cơ lây nhiễm.
Năm học 2019-2020, 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 (trong tổng số 35-37 tuần) thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử học sinh cả nước nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cắt giảm chương trình học, công nhận kết quả học trực tuyến, công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia.
Hiện, 13 tỉnh thành đã thông báo học sinh tiếp tục nghỉ; riêng Cà Mau, Vĩnh Long, Thái Bình cho lớp 9 và bậc THPT đi học từ tháng 4.
Mạnh Tùng – Vnexpress