Ngoài dự án nhà ở cho người thu nhập thấp The Diamond Park (Mê Linh, Hà Nội) vừa bị Thủ tướng yêu cầu thanh tra toàn diện, Tập đoàn Videc của ông Trần Đức Huế còn chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản ở Hà Nội. Doanh nhân này cũng được nhiều người ví như đại gia “chịu chơi” và đầy tham vọng trong giới bất động sản.
Như thông tin Dân Việt đã đưa, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBNB TP Hà Nội về việc xử lý phản ánh của báo chí về Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (tên thương mại là The Diamond Park) tại huyện Mê Linh đã bị chủ đầu tư “cắt xén” để xây biệt thự, nhà liền kề. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo thanh tra toàn diện Dự án The Diamond Park; kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan về từng nội dung liên quan đến Dự án và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01.3.2019.
Dự án nhà ở giá rẻ nhưng… phần lớn là biệt thự, nhà liền kề
Được biết, Dự án Nhà ở cho người thu nhập thấp The Diamond Park ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội có vị trí đẹp ngay tại cửa ngõ phía Bắc Thủ đô. Đây từng là dự án được kỳ vọng sẽ giúp hàng nghìn công nhân ở các khu công nghiệp, cũng như các đối tượng chính sách xã hội tại đây có những ngôi nhà hiện đại, giá rẻ.
Năm 2008, chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư thiết kế và xây dựng (nay là Tập đoàn Videc) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định cho phép đầu tư dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại vị trí trên với diện tích gần 14,5 ha, tổng số vốn đầu tư là 582 tỷ đồng.
Dự án đã bị “đắp chiếu, phơi sương” nhiều năm sau khi khởi công. Tuy nhiên, đến ngày 15.3.2017, dự án được UBND TP Hà Nội (từ năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội) ký quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Theo đó, quy mô diện tích đất thay đổi từ 14,5 ha lên 16,8 ha.
Điều đáng nói là tất cả các quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trước đây và của UBND TP Hà Nội từ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chế độ ưu đãi…đến giấy phép xây dựng, bản quy hoạch đều dưới danh nghĩa là “nhà ở dành cho người thu nhập thấp”, trong đó ghi rõ đối tượng của dự án là công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội tại xã Tiền Phong.
Tháng 4.2018, Videc kết hợp với đơn vị phân phối dự án là Công ty Cổ phần địa ốc Viethomes (Công ty Cổ phần Dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc) đã chính thức mở bán dự án The Diamond Park.
Theo giới thiệu của Videc, The Diamond Park có 219 lô liền kề, 120 lô biệt thự, 3 khu nhà ở xã hội, trường học, khu tổ hợp trung tâm thương mại, chung cư cao tầng, các công trình công cộng, dịch vụ, hệ thống công viên cây xanh, thể thao… và là dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Ông chủ dự án là ai?
Theo tìm hiểu của PV, Tập đoàn Videc, tiền thân là Công ty CP Đầu tư – Thiết kế và Xây dựng Việt Nam, được thành lập từ năm 2003, hiện đóng trụ sở tại 349 Vũ Tông Phan, P. Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội với 10 đơn vị thành viên.
Những năm từ 2016-2018, Videc đã tăng vốn gấp 5 lần từ 100 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không thay đổi, theo đó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trần Đức Huế là cổ đông lớn nhất, chiếm 80% vốn của Videc và ông Đỗ Quang Khuê có 10%.
Một trong nhiều hoạt động đáng chú ý trong giai đoạn trên, năm 2016 nhóm cổ đông Videc đã đầu tư và nắm lượng lớn cổ phần của Công ty cổ phần COMA18 (Mã chứng khoán: CIG). Các ông Trần Đức Huế và Đỗ Quang Khuê sau đó lần lượt được bầu làm Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT Coma18.
Trong đó, một cá nhân liên quan tới ông Trần Đức Huế là ông Trần Đức Minh cũng được bầu vào HĐQT Coma18. Tổng cộng nhóm nhà đầu tư liên quan tới Videc có thời điểm chiếm 3/5 vị trí trong HĐQT Coma18.
Về việc đầu tư vào Coma18 đã khiến nhiều người nghi ngại Videc sẽ “nuốt” CIG, chính xác hơn là những dự án bất động sản, hạ tầng công nghiệp béo bở (và dang dở chờ vốn) của CIG, là có cơ sở.
Tuy nhiên, tháng 1.2018, ông Trần Đức Huế bất ngờ đăng ký chuyển nhượng cổ phần và rút lui khỏi HĐQT Coma18, với lý do thay đổi định hướng đầu tư. Động thái này của ông Huế vẫn còn là ẩn số.
Ngoài ra, Videc của ông Trần Đức Huế “nhảy” vào dự án Riverside Garden Vũ Tông Phan mới đây (bằng chiến thuật hợp tác với một Prosimex đói kém suốt 6 năm nhưng nắm giữ khu đất) là nhận ra “chiến thuật” này.
Còn nhớ, Prosimex, 10 năm u ám kể từ ngày cổ phần hoá, chỉ duy một lần chia cổ tức. Tháng 5.2014, SCIC – cổ đông lớn nhất – chính thức thoái vốn 56,6%. Các vị trí trọng yếu của doanh nghiệp lần lượt rơi vào nhóm cổ đông lớn.
Năm 2015, công ty chỉ tập trung khai thác cho thuê kho tàng, nhà xưởng và phối hợp cùng đối tác liên danh (Videc) lo thủ tục pháp lý đầu tư dự án Riverside Garden (nguyên là đất trụ sở công ty).
Cuối năm 2016, dự án mở bán với đại diện liên danh chủ đầu tư là Videc. Bất chấp đấu tranh đòi quyền lợi của nhóm cổ đông nhỏ của Prosimex, Videc băng băng về đích đầy ngoạn mục tại dự án nằm trên khu đất của Prosimex. Đổi lại, Prosimex hứa hẹn được chia lợi tức cố định là 75 tỷ đồng và 1.000m2 sàn văn phòng tại dự án bao gồm 2 toà tháp 25 tầng và khu biệt thự, liền kề.
Hiện tại dự án Riverside Garden đã đưa vào sử dụng. Nhưng trước đó, Videc đã bị phạt 75 triệu đồng vì bàn giao nhà cho khách hàng trong khi các hạng mục công trình đưa vào sử dụng chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Một lần nữa cùng nhìn lại Dự án Nhà ở cho người thu nhập thấp The Diamond Park có thể khẳng định, việc thu lợi nhuận lớn từ bán biệt thự, nhà liền kề tại dự án The Diamond Park Mê Linh là điều không thể phủ nhận. Và việc phê duyệt một dự án nhà ở thu nhập thấp, được ưu đãi từ nhà nước nhưng lại có diện tích lớn là nhà liền kề và biệt thự có vấn đề khuất tất không?
Theo danviet.vn