Hôm 10/4 là ngày con trai 12 tuổi của Trương Thị Thanh Thùy khỏi bệnh. Chặng đường về nhà được thu ngắn lại bởi hai mẹ con chỉ còn cách ly 14 ngày theo dõi sức khỏe. Vui xuất viện, nhưng đôi mắt chị vẫn đầy nỗi lo âu, sợ không còn việc làm, sợ cộng đồng kỳ thị.
Sống ở thôn Thắng Hiệp, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc cùng chồng và hai con nhỏ, trước khi nhiễm virus, hàng ngày Thùy, 37 tuổi, đến Phan Thiết làm việc ở cửa hàng vật liệu xây dựng của bà Đặng Thị Lynh Trang.
Thông lệ, mỗi chiều, khoảng 16 h, trước khi về nhà, Thùy ghé trụ sở chính cách cửa hàng chừng 200 m, gặp bà chủ để báo cáo số liệu hàng hóa trong kho.
Sau khi bà Trang từ Mỹ về đầu tháng 3, Thùy đã tiếp xúc gần nhiều lần với bà những lúc trao đổi công việc. Cô thường ngồi ở bàn làm việc cách bà chủ tầm một mét. Ngoài ra, cô còn trao đổi công việc với con trai và chồng của bà chủ tại cửa hàng nhiều lần trong ngày.
Hôm 3/3, khi nhóm nhân viên kinh doanh công ty thiết bị vệ sinh ở TP HCM ra Phan Thiết bàn công chuyện với bà Trang, Thùy cũng đang ở cửa hàng. Khi ấy cô mải lo kiểm đếm hàng sau kho, không rõ cuộc nói chuyện giữa bà chủ và đối tác diễn ra như thế nào.
“Lúc đó tôi từng nghe đài báo nói đến virus corona đang lây lan trên thế giới, nhưng không nghĩ nó lại xảy ra ngay tại công ty mình”, Thùy nhớ lại.
Ngày 9/3, bà chủ có triệu chứng ho, sốt, nhập viện, các cửa hàng của công ty đều đóng cửa, toàn bộ nhân viên hơn 20 người được cho nghỉ ở nhà. Hôm sau, bà Trang được xác định dương tính với nCoV, là ca nhiễm đầu tiên Bình Thuận và thứ 34 cả nước. Thùy cùng các nhân viên công ty liền được đưa đi cách ly tại Trung đoàn 812, thị xã La Gi.
Thùy lúc đó cảm thấy sức khỏe vẫn bình thường, không có triệu chứng gì là bệnh, “thật lâu có hơi ngứa cổ một chút”, hoàn toàn không sốt. Trong khi đó, một người bạn làm chung công ty lại ho, sốt; ai cũng lo cho người này.
“Nhưng không ngờ, tôi có kết quả dương tính. Mọi thứ như sụp đổ, vì không biết sống chết thế nào”, Thùy kể.
Thùy được Bộ Y tế ghi nhận là “bệnh nhân 37” ngày 11/3, được đưa từ La Gi về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận điều trị. Khoảng 50 người tiếp xúc với cô gồm chồng, con trai, con gái, họ hàng nội ngoại và những người hàng xóm ở huyện Hàm Thuận Bắc, nhanh chóng được cơ quan y tế địa phương đưa vào khu cách ly tập trung ở thị xã La Gi.
Cô nơm nớp lo sợ vì nghĩ rằng nếu lây bệnh cho chừng ấy người thì quá khủng khiếp, nhất là con gái mới 2 tuổi và cha mẹ hai bên nội ngoại đang có các bệnh tuổi già như huyết áp, bệnh tim. Cuối cùng, xét nghiệm cho kết quả cậu con trai đầu 12 tuổi của cô nhiễm virus, được chuyển về điều trị cùng mẹ tại bệnh viện tỉnh.
“Con gái hàng ngày ngủ chung, tôi đút cho ăn hàng ngày, thậm chí thổi vào đồ ăn khi còn nóng, cứ tưởng cháu sẽ mắc bệnh từ mẹ. Nhưng may mắn, cháu âm tính với nCoV”, Thùy cho biết.
Trong khu điều trị cách ly, Thùy liên lạc với gia đình qua chat video mỗi ngày. Những lúc thấy con gái vắng mẹ nhìn ngơ ngác, cô không thể cầm nước mắt vì thương con. Cũng nhờ điện thoại, cậu con trai đang điều trị cùng mẹ giảm buồn bực khi bị cách ly trong bệnh viện. Cháu được phép xem phim và chơi game để đỡ buồn.
Trong căn phòng rộng chừng 20 m2, Thùy suốt ngày quẩn quanh, không được ra ngoài. Mỗi ngày, cô cũng như các bệnh nhân khác được bệnh viện cung cấp 3 bữa ăn vào lúc 6h, 10h30 và 16h. Buổi sáng thường là món cháo, còn trưa và chiều có cơm, thịt, cá, canh đầy đủ. Hôm nào buổi sáng không thích ăn cháo, bệnh nhân có thể đổi món khác như phở bò hoặc cơm sườn.
Các bác sĩ rất tận tình, Thùy kể. Mỗi lần vào phòng thăm khám, bác sĩ đều động viên tinh thần trước khi hỏi sức khỏe. Căn cứ theo triệu chứng hàng ngày, bác sĩ cho thuốc, thường mỗi ngày 2-4 viên điều trị, còn lại là thuốc bổ để tăng đề kháng. Bác sĩ cũng luôn căn dặn nên giữ tinh thần thoải mái, ăn uống đầy đủ chất để nhanh khỏi.
“Nhờ ăn uống đầy đủ, nên tôi không bị sụt cân”, Thùy cho biết.
Lúc mới nhập viện, cô rất hoang mang vì đây là bệnh mới, gây chết người. Nhưng trước sự tận tình của các bác sĩ và điều dưỡng, Thùy đặt tất cả niềm tin vào ê kip điều trị.
“Ở trong viện, tôi đọc trên mạng thấy có thông tin nói cô Trang đập phá đồ đạc, đòi chuyển viện. Điều đó hoàn toàn sai sự thật. Mọi người ai cũng biết ơn thầy thuốc, không ai nỡ làm vậy đâu”, Thùy chia sẻ.
Hôm 7 người bệnh nhận kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu, không có tên con trai cô, Thùy thức trắng đêm. Bản thân khỏi bệnh, nhưng cô vô cùng buồn bã. Thùy nói: “Tôi có sao cũng được, nhưng con chưa khỏi, tôi cứ hồi hộp mãi. Lúc đó chỉ biết cầu trời cho cháu tai qua nạn khỏi để mẹ con ra viện cùng lúc”.
Hôm 3/4, Thùy được bệnh viện cho xuất viện cùng bà chủ và năm người nhà của bà. Không đành tâm để con nằm lại một mình trong khu điều trị, Thùy xin lãnh đạo bệnh viện cho ở lại phòng cách ly đối diện để động viên con.
Cháu âm tính lần một, lần xét nghiệm kế tiếp lại dương tính. Đêm nằm nhìn ra cửa sổ, người mẹ thấp thỏm lo âu. Tối 9/4, khi được thông báo kết quả âm tính lần ba, hai mẹ con vui mừng tột độ. Cả hai được đưa tới Bệnh viện Đông y tỉnh cách ly thêm 14 ngày trước khi về nhà.
Khỏi bệnh, Thùy đau đáu nỗi lo sau khi trở về nhà sẽ bị cộng đồng kỳ thị. Cả gia đình nội ngoại ở huyện Hàm Thuận Bắc bị nhiều người xa lánh sau khi họ cách ly 14 ngày trở về. Hàng xóm mở cửa thấy người thân của Thùy đi ngang qua là vội đóng cửa lại. Một người chị họ đi làm ở ngân hàng, dù chưa tiếp xúc với Thùy, cũng bị đồng nghiệp tỏ ra ngần ngại.
“Tôi lo nhất là con trai, cháu vốn là học sinh giỏi, sau khi đi học trở lại, nếu bạn bè trên lớp trêu chọc hoặc xa lánh, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cháu”, Thùy cho biết.
Lúc chưa nhiễm nCoV, Thùy thu nhập khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng từ công ty. Chồng làm nhân viên kế toán ở một công ty khác. Cả hai đi làm, không có thời gian trồng thêm thanh long. Tất cả chi tiêu gia đình đều trông chờ vào lương tháng. Từ ngày dịch bệnh, cả hai gần như thất nghiệp, cuộc sống trở nên khó khăn.
Thùy nói những ngày dịch bệnh vừa qua thật khủng khiếp, nhưng hai mẹ con vẫn giữ được mạng sống đã là may mắn. Cô dự định ở nhà chăm con một thời gian sau khi từ bệnh viện về.
“Sức khỏe con cái và tình cảm gia đình lúc này quý hơn bao giờ hết”, Thùy tâm sự. “Được sống bên nhau là hạnh phúc lắm rồi, còn chuyện đói no vợ chồng sẽ từ từ sớt chia gánh vác”.
Việt Quốc – Vnexpress