Danh mục chứng khoán của tôi đang hơn 400 triệu và có lãi khiêm tốn. Tôi vừa bán một miếng đất ở quê và thêm 1,5 tỷ đồng vào. Tính ra trong tài khoản lúc này có 2 tỷ sẵn sàng giải ngân.
Thị trường đang nhiều cơ hội, tôi sẵn tiền và muốn mạo hiểm nhưng vẫn chần chừ lựa chọn đưa tiền vào lướt sóng cổ phiếu hay nâng tỷ trọng cho phái sinh (cách đây nửa năm tôi rót vào phái sinh 200 triệu đồng và lãi cực kỳ hấp dẫn). Nhờ chuyên gia chia sẻ ý kiến, xin cảm ơn!
Thanh Phương, TP HCM – Vnexpress
Chuyên gia trả lời:
2 tỷ đồng là gia tài lớn so với phần đông thu nhập và tiết kiệm của người Việt. Nếu tìm đến chứng khoán trong giai đoạn này, nhà đầu tư cần xác định kỳ vọng tỷ suất sinh lời và khả năng chịu đựng thất bại. Đây là yếu tố tiên quyết, cộng thêm khẩu vị muốn trải nghiệm, để lựa chọn rót tiền vào chứng khoán cơ sở hay phái sinh.
Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư nên phân bổ 2 tỷ đồng qua các lớp tài sản trú ẩn như tiết kiệm, vàng và tiền mặt với tỷ lệ 60-70%. Tỷ suất sinh lời trung bình cho thời gian nắm giữ nhóm này trong vòng một năm khoảng 8-10%. Phần còn lại có thể thử nghiệm lướt sóng và hoàn thiện chiến lược đầu tư để đạt hiệu quả ổn định, sau đó cân nhắc chuyển đổi các khoản đầu tư an toàn vào chứng khoán.
Lướt sóng về cơ bản là một thương vụ đầu tư chớp nhoáng. Chiến lược này thường không phù hợp với nhà đầu tư non kinh nghiệm, nhưng là trải nghiệm thường xuyên của phân khúc ưa thích mạo hiểm và chấp nhận “high risk, high return” (rủi ro cao, lợi nhuận lớn). Dù khối tài sản trị giá bao nhiêu thì nhà đầu tư cũng cần trang bị nhiều “đồ bảo hộ” như am hiểu đặc tính thị trường, phân bổ vốn, quản trị rủi ro… trước khi quyết định lướt sóng.
Chứng khoán phái sinh với hai sản phẩm là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ hấp dẫn nhờ ba yếu tố.
Thứ nhất là giao dịch T0, tức trạng thái mua và bán luôn sẵn sàng, thanh toán toàn bộ lãi lỗ phát sinh từ các vị thế này mỗi ngày. Nhà đầu tư cũng không cần đủ toàn bộ số tiền để tham gia vị thế mua hoặc không cần nắm giữ tài sản cơ sở để tham gia vị thế bán. Vì yếu tố này mà nhà đầu tư tham gia chứng khoán phái sinh cũng chịu chi phí vốn cao hơn nếu giao dịch thường xuyên, đóng hết vị thế trong ngày.
Thứ hai, tỷ lệ đòn bẩy cao lên đến 1:4 thay vì 1:1 như chứng khoán cơ sở. Thứ ba, giao dịch hai chiều mua khi kỳ vọng chỉ số tăng và bán khi kỳ vọng chỉ số giảm.
Vì cơ hội hấp dẫn nên cũng tiềm ẩn những con sóng dữ chực chờ nhấn chìm nhà đầu tư. Điều này được chứng minh qua những giai đoạn thị trường biến động dữ dội, tài khoản phái sinh có thể mất vốn trong tích tắc. Đây là sản phẩm đầu tư có kỳ hạn và thanh toán chênh lệch trực tiếp bằng tiền mặt vào ngày đáo hạn nên nhà đầu tư dễ bị động vì sự thúc ép của yếu tố thời gian.
Trong khi đó, chứng khoán cơ sở giai đoạn này có lợi thế hơn nếu buộc phải so sánh với phái sinh. Thị trường vừa ghi nhận đợt suy giảm và đang vào giai đoạn phân hoá. Cổ phiếu của các doanh nghiệp có sức khoẻ tài chính tốt, ít bị thiệt hại hoặc nhận được nhiều hỗ trợ của Chính phủ sau dịch bệnh sẽ thu hút được dòng tiền. Cơ hội bắt đáy có thể vuột qua nhưng định giá vẫn neo ở mức hấp dẫn cho chiến lược tích luỹ tài sản.
Tuy nhiên, hành động đón sóng để lướt lên không khuyến khích trong bối cảnh này. Rủi ro đang tăng từng ngày khi nhiều cổ phiếu đã hồi phục 25-30% từ vùng đáy. Thể trạng doanh nghiệp cũng được bộc lộ rõ hơn sau một quãng thời gian ngấm đòn vì dịch bệnh. Một số doanh nghiệp đáng đầu tư trước đây thì khả năng sinh tồn hiện nay rất mong manh, tạo ra những rủi ro trọng yếu tác động lên thị giá. Nhà đầu tư tay ngang khó nhận ra những “zombie” này để tránh khi lướt sóng trong tâm thế vội vã.
Huỳnh Minh Tuấn – Vnexpress
Giám đốc môi giới Hội sở TP HCM
Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) – Vnexpress