Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết người nước ngoài có lối sống khác người Việt Nam, tạo nên những khó khăn nhất định trong điều trị.
Đầu tiên là nhu cầu dinh dưỡng. Thức ăn, đồ uống người Việt Nam mang mùi vị khác. Việc thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân nước ngoài không phải dễ dàng. Hơn nữa, trong hoàn cảnh cách ly hiện nay, chuẩn bị được một bữa ăn cho đúng khẩu vị người phương Tây không phải dễ.
Thứ hai, nhiều bệnh nhân nước ngoài lúc đầu nhập viện không hợp tác với bác sĩ. Do văn hóa khác nhau, một số người từ chối cách thức điều trị của Việt Nam.
Ví dụ, “bệnh nhân 237” người Thụy Điển, ngay từ khi phát hiện dương tính đã có thái độ không hợp tác với cơ quan chức năng. Khi bệnh nhân được chuyển vào Khoa Cấp cứu, “chúng tôi phải cố gắng thuyết phục bệnh nhân hợp tác trong khả năng”, bác sĩ Cấp nói. “Trong điều trị cũng vậy, ví dụ bệnh nhân từ chối dùng thuốc, thì mình lại phải chuyển phương án phác đồ khác”.
“Bệnh nhân 237” không chỉ mắc Covid-19 mà còn bị ung thư máu. Vì vậy các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phải phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, thường xuyên họp trực tuyến để lên phác đồ phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, cho biết quá trình điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, các bác sĩ phải tắm rửa hàng ngày cho người bệnh, nếu không họ rất dễ bị viêm da, lở loét những chỗ tì đè… dẫn đến nhiễm trùng.
“Những bệnh nhân người nước ngoài to, cao… việc lật trở họ để tắm rửa rất khó khăn hơn, thường ít nhất phải hai người thực hiện”, bác sĩ nói.
Bác sĩ Cấp nhận định, giai đoạn một, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chỉ điều trị 5 bệnh nhân Covid-19 là người về từ Vũ Hán. Các bệnh nhân hầu hết trẻ tuổi nên diễn biến đều rất tốt, không có ai tiến triển nặng lên.
Đợt này, số lượng bệnh nhân đông hơn, tỷ lệ người bệnh nặng cao. Trong số bệnh nhân hiện nay, nhiều người cao tuổi mắc các bệnh lý nền. “Một bệnh nhân 88 tuổi bị tai biến mạch não, nằm liệt giường, nên mức độ sẽ nặng hơn rất nhiều”, bác sĩ nói.
Khoa Cấp cứu hiện chữa trị 7 bệnh nhân nặng, Khoa Điều trị tích cực chăm sóc 5 bệnh nhân nguy kịch từng phải thở máy. Một số bệnh nhân đã cai máy thở, song vẫn còn những người diễn biến rất phức tạp.
Bác sĩ Cấp cho biết phác đồ điều trị của Việt Nam thường xuyên cập nhật. “Ban đầu, chúng ta xây dựng một phác đồ đầu tiên. Sau một quá trình điều trị nhất định, cộng với sự tiến bộ, hiểu biết chung của toàn thế giới về căn bệnh này, chúng ta có sửa đổi lần một, lần hai. Khi chúng ta có nhiều hơn kết quả nghiên cứu từ nhiều nước, nhiều bệnh nhân, thì tiếp tục có sự thay đổi ở những phiên bản sau để ngày càng hoàn thiện hơn nữa”.
Có bệnh nhân vừa nhập viện, sau vài ngày đến một tuần đã được công bố khỏi bệnh, xuất viện. Cũng có bệnh nhân điều trị đến một tháng. Bác sĩ Cấp giải thích: “Đó là do khả năng đáp ứng điều trị của từng người”. Người sức đề kháng mạnh thì sẽ khỏi nhanh, còn những người sức đề kháng yếu hơn thì rất lâu mới sạch được virus.
Ngoài ra, những bệnh nhân được phát hiện nhiễm nCoV sớm ngay từ đầu, phải chờ một thời gian đủ lâu virus mới hết. Còn bệnh nhân mang virus trong người lâu rồi mới phát hiện, “thì từ lúc phát hiện đến lúc khỏi thời gian sẽ ngắn hơn”.
Sau khi xét nghiệm âm tính hai lần, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Sau xuất viện cần cách ly tại cộng đồng 14 ngày, có sự giám sát y tế.
Bác sĩ Cấp cho biết, tất cả loại thuốc diệt virus trong phác đồ của Bộ Y tế vẫn đang được nghiên cứu thêm. Bệnh nhân muốn tham gia nghiên cứu phải đủ yêu cầu: không chống chỉ định với thuốc đó và đồng ý tham gia vào nghiên cứu.
“Đang là thời gian vàng trong thời gian chống dịch. Ngoài công việc điều trị, chống dịch thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân”, bác sĩ Cấp nói.
Thúy Quỳnh – Chi Lê – Vnexpress