Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 4-4, viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương Bạch Quốc Khánh cho biết gần 60 nhân viên y tế của viện thuộc diện F1 và F2 (người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19 và người tiếp xúc với người tiếp xúc) đang phải cách ly tại hội trường của viện.
Các nhân viên này tiếp nhận, thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân COVID-19 số 237 (nam, 64 tuổi người Thụy Điển).
Theo ông Khánh, ngay từ khi vào viện, các bác sĩ đã sàng lọc, người tiếp xúc đều có có đầy đủ trang phục bảo hộ, tuy nhiên do bệnh nhân đang bị ung thư máu thể mãn tính, bạch cầu chỉ còn 1/50 so với bình thường, bị sang chấn tâm lý rất nặng nên bệnh viện đã cử nhân viên y tế và nhân viên công tác xã hội đến hỗ trợ. Vì vậy số người tiếp xúc với bệnh nhân (F1) lên tới gần 40.
Hiện gần 60 người thuộc diện F1 và F2 đều đang được cách ly tại hội trường lớn của viện. Sáng nay, viện sẽ mua giường và làm vách ngăn, đồng thời cung cấp bữa ăn tại chỗ cho toàn bộ những người đang được cách ly.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng đã đến lấy mẫu, dự kiến có kết quả trong vài giờ nữa.
Tại Bệnh viện Việt – Pháp, ông Võ Văn Bản, phó tổng giám đốc, cho biết 22 nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân này khi bệnh nhân đến khám và sau đó khám lại tại bệnh viện.
Sau khi bệnh nhân 237 có kết quả dương tính, Bệnh viện Việt – Pháp đã sàng lọc người tiếp xúc theo quy trình và chia 2 khu cách ly cho nhân viên. Cả 22 người cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm và dự kiến sáng nay 4-4 có kết quả.
Bệnh viện Việt – Pháp là cơ sở y tế từng tiếp nhận bệnh nhân SARS đầu tiên ở Việt Nam năm 2003 và có 7 cán bộ y tế tử vong sau vụ dịch SARS 2003.
Gíam đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết do thời điểm bệnh nhân đến cấp cứu là đêm, khai thác tiền sử thấy bệnh nhân đến Việt Nam từ cuối năm 2019 nên xử trí như bệnh nhân bình thường.
Sau khi bệnh nhân 237 có kết quả dương tính, bệnh viện đã rà soát camera, thống kê có hơn 10 nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân 237. Tất cả đều có mạng che mặt và khẩu trang, nhưng bệnh viện đã cách ly số nhân viên này và đang đợi kết quả xét nghiệm.
Tổng số nhân viên y tế đang được cách ly sau khi tiếp xúc bệnh nhân này là gần 90 người. Trước đó, đã có 2 bệnh viện Bạch Mai, Hồng Ngọc và 1 khoa của Bệnh viện Xanh Pôn bị cách ly sau khi ghi nhận bệnh nhân hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19.
Đến nay Bệnh viện Hồng Ngọc đã hết thời hạn cách ly và được gỡ phong tỏa, Xanh Pôn được gỡ bỏ cách ly do 11 người tiếp xúc bệnh nhân đều âm tính.
Bệnh nhân 237 quốc tịch Thụy Điển bị ung thư máu mãn tính và đã đến Việt Nam du lịch từ cuối năm 2019, hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương với sự phối hợp hội chẩn của cả Viện Huyết học truyền máu trung ương. Trước đó, trong tháng 3 vừa qua, bệnh nhân đã đi nhiều nơi tại Hà Nội và Ninh Binh.
Theo LAN ANH – Tuổi Trẻ