‘Cuộc đua tốc độ’ ở ổ dịch bar Buddha

Không phải ngẫu nhiên “ổ dịch” tại quán bar Buddha (P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) được đánh giá là “một chuỗi lây truyền bệnh”. Các ca bệnh liên tục được công bố và chỉ sau ít ngày Buddha trở thành ổ dịch lớn nhất phía Nam đến thời điểm hiện tại.
Cuộc đua tốc độ ở ổ dịch bar Buddha - Ảnh 1.
Nhân viên y tế thu thập thông tin, lấy mẫu xét nghiệm những người liên quan đến ổ dịch quán bar Buhhda – Ảnh: Trần Văn Khanh

Không còn cách nào khác, để đảm bảo trong cộng đồng không còn ai có thể phát tán mầm bệnh, chúng tôi vẫn phải tiếp tục truy tìm, điều tra dịch tễ. Hễ ở đâu có thông tin người liên quan là chúng tôi lập tức cử các anh em xuống kiểm soát ngay để cách ly, dù lúc đó là ngày hay đêm.

Ông Nguyễn Phước Hưng

Từng ngày trôi qua, “ổ dịch” này đang dần được kiểm soát…

“Xin lỗi bạn nhé, bây giờ mình đang phải huy động người khử khuẩn, điều tra dịch tễ, lấy mẫu cho khoảng 500 cư dân chung cư Masteri (P.Thảo Điền, Q.2). Khả năng từ đây đến khuya vẫn chưa ổn đâu” – giờ nghỉ trưa của ngày lễ nhưng giọng bác sĩ Trương Thanh Trung – trưởng Phòng y tế Q.2 – vẫn đầy gấp gáp như thế.

Và kể từ 19-3, khi ổ dịch ở quán bar Buddha được phát hiện, cũng là lúc hàng trăm con người từ nhân viên y tế, công an, bộ đội được huy động vì một mục tiêu: “Dập dịch, bất kể ngày đêm”.

Dập dịch bất kể ngày đêm

Dù ngày 20-3 ca bệnh đầu tiên liên quan đến “ổ dịch” Buddha mới được công bố, nhưng từ đêm 19-3 mọi chuyện đã nóng lên với Q.2. Đó là ca bệnh 91, một phi công quốc tịch Anh, sinh sống tại một chung cư cao cấp ở Q.2.

“Mọi lo lắng lúc bấy giờ đổ dồn vào ca bệnh 91, bởi người này là phi công, đang trong giai đoạn ủ bệnh và có một lịch trình di chuyển ở khá nhiều điểm vui chơi giải trí, ăn uống” – một bác sĩ trực tiếp tham gia phòng chống dịch chia sẻ.

Và sự lo lắng ấy là hoàn toàn hợp lý, bởi từ ca bệnh này chỉ sau hơn 10 ngày số ca nhiễm từ “ổ dịch” đã tăng đến con số 16 và đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp từ “ca bệnh số 91” và từ “ổ dịch” bar Buddha.

Bác sĩ Trần Văn Khanh – giám đốc Bệnh viện Q.2 – nói rằng “ổ dịch” tại quán bar như là “nút thắt”, nếu không được kiểm soát giải quyết dứt điểm ngay từ đầu thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn.

Ngay khi phát hiện, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), các lực lượng của Q.2 nhanh chóng vào cuộc phong tỏa quán bar cùng nhiều tòa nhà chung cư (nơi những người đến quán bar sinh sống) để khử trùng, trích xuất camera làm cơ sở dữ liệu cho việc sàng lọc lấy mẫu xét nghiệm.

“Tất cả từ khách hàng, chủ quán, nhân viên phục vụ và bảo vệ đều được lấy mẫu xét nghiệm rất thận trọng, mỗi ca như thế đều được xét nghiệm 2 lần, gồm đầu vào và đầu ra, để đảm bảo tuyệt đối không còn mầm bệnh lây ra cộng đồng” – bác sĩ Khanh nói.

Nhiều mối quan hệ nguy cơ cao

So với các “ổ dịch” khác, bác sĩ Khanh bảo “ổ dịch” ở bar Buddha có một điều hết sức đặc biệt về nguy cơ, đó là một số người có quan hệ đồng giới. Điều này càng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Mặt khác, khách hàng đến quán phần lớn là người nước ngoài đang sinh sống ở các chung cư cao cấp Q.2 và một số quận, huyện vùng ven của TP.

“Khi nhân viên y tế đến yêu cầu khai báo thì họ đóng cửa không tiếp, có trường hợp phải vận động rất dữ, thậm chí buộc phải đưa ra cảnh báo nếu không hợp tác sẽ sử dụng các biện pháp mạnh hơn thì cuối cùng họ mới chịu tuân thủ” – bác sĩ Khanh kể.

Những ngày đó, giữa lúc đêm khuya cứ hễ có thông tin phản ảnh của người dân về một trường hợp liên quan nào đó đến “ổ dịch” là anh em lại tức tốc tiếp cận để vận động. Từ lãnh đạo cho đến nhân viên, ai nấy nhiều đêm thức trắng để làm sao thuyết phục được người liên quan đi cách ly càng sớm càng tốt.

Ông Nguyễn Phước Hưng – chủ tịch UBND Q.2 – chia sẻ những ngày đầu ổ dịch bùng phát, đơn vị phải huy động hàng trăm người ở các lực lượng để tìm kiếm khách hàng từng đến quán bar từ ngày 13 đến 17-3.

“Quá trình tìm kiếm gặp khá nhiều khó khăn khi việc trích xuất camera không thể nhận dạng được hết khách ra vào, mặt khác nhiều người không sinh sống trên địa bàn Q.2 và chỉ đến quán bar một lần duy nhất” – ông Hưng nói.

Để xác định được con số 222 người liên quan đến ổ dịch Buddha là một sự nỗ lực suốt ngày đêm của tất cả các lực lượng phòng chống dịch. Đó là ngoài tìm kiếm và thuyết phục, một phần người liên quan tự giác khai báo hoặc khai thêm trong quá trình điều tra dịch tễ.

“Mượn đầu heo nấu cháo”

Theo ông Nguyễn Phước Hưng – chủ tịch UBND Q.2, quá trình đi thực tế ghi hình tại quán bar này cho thấy quán khá hẹp, không thể đủ không gian để tụ tập, ca hát nhảy múa đông người như những tấm hình được sử dụng trên các phương tiện truyền thông.

“Đăng ký kinh doanh quán tên là Bvddha chứ không phải là Buddha, nhưng ở bảng hiệu phía ngoài chữ viết cách điệu nên mọi người đọc là bar Buddha.

Ngoài ra, tên quán có bảng tiếng Việt là quán ăn Thái. Trong quán có để 1, 2 bức tượng nhỏ xíu. Thực tế quán này hoạt động theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”” – ông Hưng khẳng định.

Theo HOÀNG LỘC – Tuổi Trẻ