Gói hỗ trợ 26 tỉ USD, được không?

Muốn cuộc sống người dân không giảm sút về lâu dài, phải cần bao nhiêu cho gói hỗ trợ này? Phải tính sao cho vừa đủ, không thừa, chẳng thiếu?
Gói hỗ trợ 26 tỉ USD, được không? - Ảnh 1.
Cần sớm có gói hỗ trợ cho người mất thu nhập do dịch COVID-19, trong đó có người bán vé số – Ảnh: CHÍ HẠNH

Phải tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết một thời gian để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh là quyết định đúng, nhưng cuộc sống của những người kiếm cơm từng bữa thêm khó khăn khi “cần câu cơm” không còn nữa.

Thật ra, cuộc sống của người bán vé số đã khó hơn tháng qua rồi khi nhiều người vì lo dịch đã hạn chế tiếp xúc với người bán vé số dạo, hàng quán treo bảng “cấm vé số!”.

Đã xuất hiện những câu chuyện đẹp, như đại lý hỗ trợ người bán vé số mất thu nhập có tiền sống qua ngày. Hoặc chủ nhà miễn, giảm tiền thuê cho người ở trọ… Nhưng khó khăn lớn quá, lòng tốt không thể giúp cuộc sống của hàng vạn người không có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày.

Mất thu nhập vài tuần còn xoay trở được, kéo dài hàng tháng là vấn đề lớn.

Không thể chậm trễ hơn nữa. Bên cạnh mặt trận chống dịch bệnh COVID-19, rất mong gói hỗ trợ từ Nhà nước – trước là giúp dân, sau là giúp doanh nghiệp – sớm được triển khai. Trước mắt phải giải quyết các nhu cầu bức bách hằng ngày của người dân mất thu nhập, sau là khôi phục kinh tế khi hết dịch.

Vì bức bách nên việc hỗ trợ phải kịp thời, dễ thực hiện, đúng đối tượng, quy mô vừa đủ và minh bạch. Hai nguyên tắc kịp thời, dễ thực hiện sẽ giúp khoản hỗ trợ sớm đến được với hàng triệu người mất thu nhập. Làm cách nào để kịp thời?

Tổng cục Thống kê vừa tổng điều tra dân số, đó là dữ liệu quan trọng để có thể đưa tiền đến tay người cần hỗ trợ. Hoặc giảm trực tiếp hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại mà người dân phải thanh toán hằng tháng. Còn nguyên tắc đúng đối tượng, quy mô vừa đủ và minh bạch là để đảm bảo công bằng, tiền không bị rơi rớt, lãng phí.

Muốn cuộc sống người dân sau này không giảm sút, gói hỗ trợ phải bao gồm: chống dịch bệnh (đang triển khai), đảm bảo an sinh xã hội và duy trì sản xuất kinh doanh (cần có sớm và triển khai ngay), đầu tư công để “mồi” cho các hoạt động đầu tư khác; và cuối cùng là khôi phục sản xuất kinh doanh.

Vậy chúng ta cần bao nhiêu cho gói hỗ trợ này? Phải tính sao cho vừa đủ, không thừa, chẳng thiếu. Năm 2009, sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới, Việt Nam đã có gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 9 tỉ USD (gần 10% GDP khi ấy là 106 tỉ USD), trong đó có hỗ trợ 4% lãi suất cho người vay vốn.

Tại Mỹ, nơi khởi đầu cuộc khủng hoảng tài chính, đã tung ra gói trị giá 950 tỉ USD, tương đương 14% GDP (GDP của Mỹ lúc đó là 14.500 tỉ USD). Còn trong dịch COVID-19, Mỹ tung ra gói hỗ trợ 2.000 tỉ, khoảng 10% GDP.

Có nhiều điểm chung trong quy mô của gói hỗ trợ ở con số 10% GDP. Nếu chúng ta tung ra gói hỗ trợ kinh tế tương đương 10% GDP, tức 26 tỉ USD (GDP năm 2019 của Việt Nam là 260 tỉ USD), có thể giúp người mất thu nhập không thiếu ăn, doanh nghiệp được vay 0% lãi suất để trả lương, Nhà nước đổ thêm tiền làm hạ tầng để tạo công ăn việc làm và sau này doanh nghiệp có thể vay để mở rộng làm ăn khi dịch đi qua….

Chắc chắn các cơ quan chức năng phải đong đếm để đưa ra gói hỗ trợ ở mức hợp lý, biện pháp triển khai kịp thời nhưng phải khẩn trương theo tinh thần chống dịch như chống giặc, bởi bụng no chống dịch sẽ tốt hơn.

Theo TRẦN HOÀNG NGÂN (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) – Tuổi Trẻ