30.671 người đã chết trên toàn cầu do nCoV, trong đó châu Âu chiếm 2/3. Italy chiếm 1/3 tổng số ca tử vong toàn cầu với 10.023 trường hợp. Số ca nhiễm cũng tăng lên 662.674 tại 199 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca nhiễm và tử vong toàn cầu hôm qua lần lượt là 593.656 và 27.215.
Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 123.313 ca nhiễm, 2.211 ca tử vong và 3.231 người hồi phục. Số ca tử vong ở Mỹ đã tăng gấp đôi chỉ trong ba ngày, bao gồm trường hợp một trẻ sơ sinh ở thành phố Chicago. New York, Washington và California là ba bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang xem xét cách ly New York để làm chậm quá trình thành phố này biến thành tâm dịch, song Thống đốc New York Andrew Cuomo phản đối. Tuy nhiên, Trump sau đó cho biết ông sẽ không cách ly các khu vực nói trên bởi cho rằng việc đó “không cần thiết”.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ hôm 27/3 cho phép sử dụng kit xét nghiệm nCoV mới do Abbott Laboratories sản xuất, cho kết quả chỉ trong chưa đầy 15 phút. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cho hay công nghệ xét nghiệm mới có thể đẩy nhanh quá trình xét nghiệm nCoV tại các phòng khám.
Italy xác nhận thêm 5.974 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm lên 92.472, là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, Italy vẫn là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất với 889 trường hợp mới, nâng số ca tử vong lên 10.023.
Sự gia tăng ca nhiễm ở Italy có rất ít dấu hiệu chậm lại dù nước này đã bước sang ngày thứ 16 bị phong tỏa. Thủ tướng Giuseppe Conte hôm qua tiếp tục kêu gọi người dân dành nhiều thời gian hơn ở nhà.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai châu Âu, báo cáo thêm 7.516 ca nhiễm mới và 844 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 73.235 và 5.982.
Số liệu được báo cáo trong bối cảnh Tây Ban Nha tăng đáng kể xét nghiệm nCoV. Tỷ lệ ca nhiễm mới dường như có xu hướng giảm và giới chức cho biết dịch bệnh có khả năng sắp đạt đỉnh.
Thủ đô Madrid vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 2.757 người chết và 21.520 ca nhiễm, khiến các bệnh viện và nhà xác quá tải. Chính quyền địa phương đang triển khai kế hoạch cải tạo một tòa nhà bỏ hoang gần sân bay thành nhà xác dã chiến thứ hai. Quân đội cũng tham gia thu thập và vận chuyển các thi thể.
Đức ghi nhận thêm 6.824 ca nhiễm và 82 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và ca tử vong lên 57.695 và 433. Đức hiện là nước có số ca nhiễm nhiều thứ 5 thế giới. Bộ Y tế cho biết đã thực hiện nhiều xét nghiệm và người nhiễm tại Đức khá trẻ. Giới chức cảnh báo không nên quá chú ý đến tỷ lệ tử vong 0,5% vì tình hình có thể thay đổi.
Pháp cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể ca nhiễm mới trong ngày với 4.611 trường hợp, nâng số ca nhiễm lên 37.573. Số ca tử vong tại Pháp cũng tăng lên 2.314 sau khi xác nhận thêm 319 trường hợp mới.
Tuy nhiên, số ca nhiễm và tử vong thực sự ở Pháp được cho là cao hơn con số được công bố. Thủ tướng Edouard Philippe cảnh báo “trận chiến” chống Covid-19 chỉ mới bắt đầu và hai tuần đầu của tháng 4 sẽ còn khó khăn hơn hai tuần cuối tháng 3.
Trước làn sóng chỉ trích vì thiếu khẩu trang, đặc biệt cho nhân viên y tế, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết chính phủ đã đặt hàng một tỷ khẩu trang, chủ yếu từ Trung Quốc.
Anh báo cáo thêm 2.546 ca nhiễm và 260 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 17.089 và 1.019. Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 27/3 xác nhận dương tính với nCoV và đang có các triệu chứng bệnh nhẹ. Cả hai đều tự cách ly và tiếp tục làm việc tại nhà. Trước đó, Thái tử Anh Charles và Thứ trưởng Y tế Nadine Dorries cũng thông báo nhiễm bệnh.
Thủ tướng Anh cảnh báo tình hình sẽ tiếp tục xấu đi, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ quy tắc phòng dịch. Anh đã bị phong tỏa trong tuần này khi virus lây lan. Người dân được khuyên ở nhà bất cứ khi nào có thể, trong khi tất cả các cửa hàng và dịch vụ không thiết yếu đều phải đóng cửa.
Iran là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 3.076 ca nhiễm mới và 139 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 35.408 và 2.517. Hơn 3.000 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, trong khi 11.679 người đã hồi phục và xuất viện.
Quốc gia Trung Đông này đã áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, bao gồm lệnh cấm đi lại liên tỉnh bằng đường bộ. Các hạn chế sẽ còn hiệu lực ít nhất đến ngày 8/4.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu mới. Hai quốc gia này dường như đã kiểm soát được dịch bệnh khi số ca nhiễm mới giảm liên tục, song xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm ngoại nhập.
Tại Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 2.320 ca nhiễm và 27 người chết. Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 102 người chết trong 1.155 người nhiễm. Thái Lan và Philippines đều ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm, song Thái Lan mới ghi nhận 6 ca tử vong, trong khi con số này ở Philippines là 102.
Huyền Lê (Theo AFP, Worldometer) – Vnexpress