Tổng giám đốc IMF: ‘Rõ ràng chúng ta đã bước vào thời kỳ suy thoái’

Bà Kristalina Georgieva, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nói đại dịch COVID-19 đã đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái và cần nguồn ngân sách khổng lồ để giúp đỡ các nước đang phát triển.
Tổng giám đốc IMF: ‘Rõ ràng chúng ta đã bước vào thời kỳ suy thoái’ - Ảnh 1.
Bà Kristalina Georgieva – tổng giám đốc IMF – Ảnh tư liệu: REUTERS

“Rõ ràng chúng ta đã bước vào thời kỳ suy thoái” mà sẽ còn tồi tệ hơn năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Hãng tin AFP dẫn phát biểu của bà Kristalina Georgieva tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 27-3.

Với “cú khựng lại bất ngờ” của nền kinh tế thế giới này, bà Kristalina Georgieva ước tính khoản ngân sách để đáp ứng “những nhu cầu tài chính tổng thể của các thị trường mới nổi là 2,5 ngàn tỉ USD”.

Tuy nhiên bà cũng cảnh báo con số ước tính đó mới chỉ là “ở mức tối thiểu”.

Theo tổng giám đốc IMF, mặc dù chính phủ tại các thị trường mới nổi (cũng đang phải đối mặt với việc tháo chạy nguồn vốn hơn 83 tỉ USD trong các tuần qua) có thể tự lo được phần nhiều trong khoản ngân sách đó, nhưng “rõ ràng các nguồn lực trong nước là không đủ” và nhiều nước cũng đã có mức nợ công rất lớn.

Bà Kristalina Georgieva cho biết tới nay có hơn 80 quốc gia, hầu hết là các nước thu nhập thấp, đã đề nghị được IMF hỗ trợ khẩn cấp.

“Chúng tôi rất hiểu những nguồn dự trữ của họ và các nguồn lực trong nước sẽ là không đủ”, bà Kristalina Georgieva nói.

Bà tổng giám đốc IMF hoan nghênh động thái Mỹ thông qua dự luật gói cứu trợ 2.000 tỉ USD, cho rằng nó “hoàn toàn cần thiết để giảm bớt những tác động tiêu cực cho nền kinh tế lớn nhất thế giới trước sự suy giảm đột ngột của các hoạt động kinh tế vì dịch COVID-19”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ký phê chuẩn thành luật gói cứu trợ này vào tối 27-3.

Cũng trong ngày 27-3, theo Hãng tin Reuters, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF cùng nhấn mạnh nhu cầu phải cung cấp thêm các khoản vay cứu trợ cho những người nghèo bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Cả WB và IMF đều đã triển khai các chương trình khẩn cấp, đưa ra những khoản vay và trợ cấp cho các nước thành viên, tập trung nhiều nhất cho các nước đang phát triển và những thị trường mới nổi.

Theo D. KIM THOA – Tuổi Trẻ