Đó là ngày 22/3, ngày đầu tiên nữ y tá 45 tuổi được điều lên làm việc tại khoa điều trị Covid-19 của Medical City Healthcare, một trong những bệnh viện tư lớn của thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ.
“Tôi cảm giác bất lực trước virus quái ác. Tại sao mình không thể cứu được một nam bệnh nhân trẻ tuổi, không có tiền sử bệnh lý nền, trước đó hoàn toàn mạnh khoẻ?”, chị Hailey chia sẻ với .
Từ cuối tháng một, khi ca nhiễm nCoV đầu tiên tại Mỹ được ghi nhận ở bang Washington, bệnh viện Medical City Dallas đã bắt tay vào chuẩn bị hạ tầng và trang thiết bị, dành một tầng với 15 phòng áp lực âm để sẵn sàng điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV.
Ngày 11/3, các đồng nghiệp của chị Hailey tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên. 10 ngày sau, số ca bệnh tăng lên 20, trong đó 5 người tuổi từ 2 đến 71 trong tình trạng nguy kịch. Triệu chứng chung của những bệnh nhân này là sốt cao khoảng 40 độ C, ho, đau nhức mình, khó thở.
Từ khoa hồi sức cấp cứu, nữ y tá gốc Việt được điều động tham gia cuộc chiến. Chị phụ trách chăm sóc cho hai bệnh nhân, trong đó có người đàn ông 34 tuổi trên.
“Khi được chuyển tới bệnh viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng nghiêm trọng, sốt, ho nhiều, khó thở, hàm lượng oxy dưới 70%. Các bác sĩ quyết định đặt ống thở ngay”, chị Hailey kể. “Kết quả chụp X-quang phổi màu trắng, ruột ngưng hoạt động, huyết áp tụt”.
Chị cho hay các bác sĩ đã sử dụng 3 loại kháng sinh azithromycin, levaquin, vancomycin, nhiều loại thuốc tăng huyết áp cùng plaquenil, một loại thuốc thường dùng trị sốt rét, viêm thấp khớp, lupus ban đỏ và tiêu chảy. Plaquenil hiện chỉ được các bác sĩ ở Medical City chỉ định sử dụng cho những bệnh nhân trẻ tuổi, không có tiền sử bệnh tim, do thuốc có thể kéo dài nhịp tim.
Tuy nhiên, tình trạng của nam bệnh nhân ngày một nguy kịch. Máy dưỡng khí không thể bơm oxy vào phổi của anh vì phổi tổn thương quá nặng. Tối hôm đó, bệnh nhân qua đời trước những nỗ lực vô vọng của chị Hailey và các y bác sĩ.
“Điều làm chúng tôi đau lòng hơn nữa là bệnh nhân ra đi mà không thể có người thân bên cạnh vào những giây phút cuối đời. Đã bao giờ nhân loại trở nên như thế này chưa?”, nữ y tá nói.
10 năm làm trong khoa hồi sức cấp cứu, chị Hailey từng chứng kiến nhiều bệnh nhân gục ngã trước tử thần, nhưng chưa một ai phải ra đi cô độc như những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Để tránh nguy cơ lây nhiễm, bệnh viện không cho phép người nhà tới thăm nom bệnh nhân nặng. Medical City có 3.000 giường bệnh, 7 cổng, nhưng hiện chỉ mở cửa 2 cổng và bất kỳ ai ra vào cũng có nhân viên kiểm tra thân nhiệt. Chưa bao giờ chị thấy bãi đỗ xe của bệnh viện trống trơn như bây giờ.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 85.000 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 1.300 ca tử vong, chủ yếu tập trung ở bang New York. Bang Texas nơi chị Hailey sinh sống cũng đã ghi nhận gần 1.000 ca, riêng Dallas gần 250 ca, trong đó 12 người đã tử vong.
“Các bác sĩ bệnh truyền nhiễm ở đây ban đầu cũng cho rằng Covid-19 chỉ là cúm bình thường và so sánh nó với cúm mùa, căn bệnh làm 20.000-30.000 người chết mỗi năm”, chị cho biết. “Tuy nhiên, khi số người nhiễm nCoV tăng nhanh toàn cầu, họ mới thừa nhận sự nguy hiểm của dịch bệnh. Thống đốc bang và thị trưởng thành phố ngày nào cũng tổ chức họp báo để cập nhật tình hình và ra những chỉ thị mới nhằm ngăn chặn virus lây lan”.
Toàn Dallas có 13 bệnh viện và may mắn chưa rơi vào tình trạng quá tải. Lãnh đạo bệnh viện Medical City hôm qua đã nhóm họp và đề nghị các y tá như chị Hailey sẵn sàng làm thêm một ngày trong tuần nếu tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Họ cũng tính đến phương án điều động các y tá đã về hưu hỗ trợ.
Mỗi tuần chị Hailey làm việc 3 ngày, mỗi ngày 12 tiếng, từ 7h đến 19h. Chị được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, mũ, đeo kính, khẩu trang, bọc giày, găng tay để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Hết giờ làm, chị cởi đồ bỏ lại bệnh viện để tiêu hủy, tắm rửa sạch sẽ mới dám về nhà.
Bệnh viện Medical City hiện điều trị 9 ca dương tính với nCoV và vừa tiếp nhận các kit xét nghiệm nhanh cho kết quả chỉ trong vòng 3 tiếng, thay vì 3-6 ngày như trước đây. Việc xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV tại bệnh viện đều miễn phí.
Tuy nhiên, việc xét nghiệm diện rộng chỉ diễn ra qua chương trình xét nghiệm trên xe (drive-thru). Người dân khai báo tình trạng sức khoẻ theo link trực tuyến, sau đó sẽ được hẹn đến điểm xét nghiệm. Họ hoàn toàn ngồi trên xe, được y sĩ dùng tăm bông lấy mẫu dịch, khuyên về nhà tự cách ly trong thời gian chờ kết quả.
Chị Hailey cho hay theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nếu dương tính với nCoV ở thể nhẹ, bệnh nhân nên ở nhà tự cách ly, báo cáo với bác sĩ qua điện thoại để được theo dõi và hướng dẫn điều trị.
“Chỉ những người có triệu chứng nặng, ho quá nhiều, sốt cao, không thở được mới được bác sĩ chỉ định tới bệnh viện hoặc có thể tự gọi cứu thương”, chị Hailey nói. “Khi bệnh nhân được xác nhận dương tính với nCoV, các bác sĩ sẽ điều tra dịch tễ và khuyến cáo những người từng tiếp xúc gần với họ làm xét nghiệm”.
Tuy nhiên, từ thực tế điều trị tại bệnh viện, nữ y tá cảnh báo rằng những người trẻ tuổi không nên chủ quan bởi nguy cơ mà Covid-19 gây ra đối với mọi người là không lường được.
“Những bệnh nhân mà chúng tôi tiếp nhận ở nhiều độ tuổi khác nhau và nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới. Người trẻ khỏe như nam bệnh nhân 34 tuổi trên không cứu được, trong khi có những bệnh nhân già lại hồi phục”, chị Hailey nói.
Để ngăn ngừa lây nhiễm nCoV, chị khuyên mọi người tuân thủ khuyến cáo của CDC, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách trên 2 mét. Nếu có triệu chứng nghi ngờ nên gọi điện cho bác sĩ, tự kiểm tra thân nhiệt hàng ngày.
Vì làm công việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19, hai tuần nay, chị Hailey đã gửi con gái 10 tuổi về nhà ông bà ngoại để đảm bảo an toàn. Hai cậu con trai lớn ở riêng cũng được mẹ thường xuyên gọi điện dặn dò giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người. Vài ngày một lần, vợ chồng chị lại mua nhu yếu phẩm mang sang đặt trước nhà bố mẹ, gõ cửa để thông báo họ ra lấy rồi đi về, mọi cuộc trò chuyện diễn ra qua điện thoại.
“Virus này nguy hiểm ở chỗ nó hoàn toàn mới, chúng ta chưa hiểu rõ về nó và cũng chưa có thuốc phòng ngừa hay đặc trị. Nhiều người cẩn thận nhưng vẫn không hiểu mình đã bị lây nhiễm như thế nào, nhiễm rồi cũng không có triệu chứng, đề kháng cơ thể mỗi người lại khác nhau”, chị Hailey nói. “Tôi mong mọi người cùng nâng cao ý thức, góp một tay làm phẳng đường cong của biểu đồ dịch bệnh. Bản thân tôi luôn sẵn sàng khi được điều động tiếp sức trong cuộc chiến”.
Anh Ngọc – Vnexpress