Tốc độ tăng ca Covid-19 nhanh gấp 17 lần so khởi phát

Chỉ trong 4 ngày thế giới ghi nhận thêm 100.000 ca bệnh, trong khi ban đầu cần 67 ngày để số ca tăng từ một đến 100.000, theo WHO.

Trong cuộc họp ở Geneva hôm 23/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra con số này và cảnh báo “Covid-19 đang ‘leo thang'”. 

Xu hướng đại dịch lây lan ngày càng nhanh hơn, đặc biệt khi số người bệnh vượt quá 300.000.

“Đại dịch sẽ leo thang. Ban đầu, mất tới 67 ngày để số ca bệnh tăng từ một đến 100.000. 100.000 trường hợp tiếp theo xảy ra trong 11 ngày, còn hiện nay chỉ cần 4 ngày để tiếp tục ghi nhận thêm 100.000 bệnh nhân”, ông Tedros tuyên bố.

Song ông cũng nhấn mạnh “tình thế vẫn có thể được đảo ngược”.

WHO kêu gọi các quốc gia áp dụng “chiến lược xét nghiệm và theo dõi nghiêm ngặt”.

“Điều quan trọng nhất hiện tại là những gì chúng ta làm. Bạn không thể thắng một trận bóng chỉ bằng việc phòng thủ. Cần phải tấn công nữa”, Tổng giám đốc WHO phát biểu trong một cuộc họp báo chung với Chủ tịch FIFA Gianni Infantino.

WHO yêu cầu người dân ở nhà và thực hiện các biện pháp “cách ly vật lý”. Đây được coi là cách thức quan trọng để làm chậm sự lây lan của virus.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo tại thành phố Geneva, Thuỵ Sĩ. Ảnh: WHO
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo tại thành phố Geneva, Thuỵ Sĩ. Ảnh: WHO

WHO khẳng định: “Để giành chiến thắng, chúng ta cần tấn công virus bằng nhiều chiến lược và mục tiêu cụ thể. Kiểm tra mọi trường hợp nghi nhiễm, cách ly và chăm sóc cho các ca bệnh đã xác nhận, tìm kiếm lộ trình di chuyển và cách ly cả những người tiếp xúc gần”.

Ông Tedros cảnh báo về tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân.

“Nhân viên y tế chỉ có thể chữa bệnh hiệu quả khi đảm bảo môi trường làm việc an toàn. Ngay cả khi chúng tôi làm mọi điều đúng đắn, nếu không ưu tiên bảo vệ các y bác sĩ, nhiều bệnh nhân sẽ tử vong vì người điều trị của họ bị bệnh”, ông nói.

WHO đang làm việc với các đối tác để hợp lý hóa và ưu tiên sử dụng các thiết bị bảo hộ, giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung toàn cầu. Song các biện pháp đưa ra để làm chậm sự lây lan của virus có thể khiến tình trạng khan hiếm trở nên nghiêm trọng hơn.

Tính đến ngày 25/3, toàn thế giới có hơn 400.000 trường hợp dương tính với nCoV, khoảng 18.000 ca tử vong. Số người đã hồi phục 108.779. Trung Quốc vẫn là nước ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất. Song tâm dịch đã dần chuyển sang châu Âu và châu Mỹ, chủ yếu ảnh hưởng đến các quốc gia Italy, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức…

Thục Linh (Theo WHO, BBC) – Vnexpress

WHO cảnh báo Covid-19 có thể lấy mạng giới trẻ

WHO: Phong tỏa chưa đủ đối phó Covid-19