Chứng khoán giảm phiên thứ tư liên tiếp

Trong khi sắc xanh lan khắp các sàn châu Á, VN-Index vẫn mất 1,1% hôm nay, trong đó bộ ba cổ phiếu “họ” Vingroup kéo thị trường giảm mạnh. 
Giờ Hà Nội (GMT+7)
Mới nhất Cũ nhất
  • 14h45
    Chốt phiên giảm 1,1%
    A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2020-03-2276-9830-

    VN-Index giảm 1,11% trong phiên 24/3. Ảnh: VNDirect

    Nhịp phục hồi vào đầu phiên chiều được giữ nguyên tới khi đóng cửa. Chốt phiên giao dịch 24/3, VN-Index giảm 7,38 điểm, tương đương 1,11%, xuống 659,21 điểm. VN30-Index giảm 1,17% còn 625,43 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,51%, còn UPCOM-Index tăng 1,98%. 

    Sắc xanh trở lại ở cuối phiên tại nhiều nhóm cổ phiếu. Trên HoSE, số cổ phiếu giảm không còn quá áp đảo. Riêng trong nhóm VN30, tỷ lệ mã tăng và giảm là 10:18.

    So với đầu phiên, đà giảm được thu hẹp, nhưng mức độ phân hóa được đẩy lên cao. Nhóm VN30 vẫn ghi nhận tới 5 mã giảm sàn là ROS, SBT, VHM, VRE và VIC. Riêng bộ ba cổ phiếu liên quan tới Vingroup kéo thị trường giảm 8,7 điểm. Những cái tên còn lại như POW, MWG giảm trên 4%, STB, SSI giảm trên 3%, HDB giảm 2,3%. 

    Ở chiều ngược lại, BVH giữ mức giá tăng trần cuối phiên, GAS tăng 4,3%, VNM tăng 2,9%, BID tăng 2,6%, CTD tăng 2,4%.

    Trong nhóm penny, chuỗi giảm sàn của nhóm cổ phiếu “họ” FLC và QCG vẫn chưa chấm dứt. Đến cuối phiên, HAI và AMD dư bán sàn hơn 11 triệu cổ phiếu, ROS và QCG dư bán xấp xỉ 3 triệu đơn vị. GAS, ART và FLC chìm trong sắc đỏ.

    Thanh khoản hai sàn niêm yết trong phiên nay đạt gần 4.800 tỷ đồng, tương đương với mức trung bình gần đây.

  • 14h30
    Hợp đồng tương lai thu hẹp đà tăng

    Trong khi thị trường cơ sở giao dịch chậm lại sau nhịp hồi đầu phiên chiều, thị trường phái sinh giằng co mạnh với đà tăng bị thu hẹp về gần tham chiếu.

    A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2020-03-6773-6934-

    Hợp đồng tương lai VN30 tháng 4 về gần ngưỡng tham chiếu vào cuối phiên chiều 24/3. Ảnh: VNDirect

    Hợp đồng tương lai VN30 đáo hạn tháng 4 thu hẹp đà tăng về dưới 1 điểm, trong khi hợp đồng đáo hạn tháng 5 và 6 đã trở lại sắc đỏ. Cả ba hợp đồng đều duy trì basis âm với thị trường cơ sở.

  • 14h00
    Cổ phiếu ngân hàng phân hóa

    Nhóm ngân hàng đang phân hóa trong biên độ hẹp, ngược với trạng thái bị bán tháo hôm qua. Nguyên nhân có thể do nhà đầu tư hoàn tất việc cắt lỗ trong phiên giảm lịch sử, cộng thêm nhiều cổ phiếu đang ở vùng quá bán và trở về vùng giá hấp dẫn cho chiến lược đầu tư dài hạn trên 2 năm.

    BID, VCB, CTG tăng điểm nhưng không nhiều, cao nhất chỉ 2,6% so với tham chiếu. EIB, STB và HDB giảm điểm nhưng nhiều nhất cũng chỉ ở mức 0,5%. Các cổ phiếu còn lại trong nhóm này như TCB, TPB và MBB đứng giá.

  • 13h40
    VN-Index ngược chiều chứng khoán châu Á

    Sắc xanh đang lan khắp các thị trường chứng khoán trong khu vực, trái với trạng thái của VN-Index. Chỉ số Nikkei225 của Nhật Bản đang tăng hơn 7,13%. Topix Index đại diện cho sàn Tokyo cũng tăng hơn 3,18%.

    Các chỉ số trên sàn chứng khoán Trung Quốc đều tăng điểm, thấp nhất khoảng 0,7% và cao nhất là 2,7%. Hang Seng Index của Hong Kong tăng gần 5%.

    Diễn biến tích cực nhất là thị trường Hàn Quốc khi Kosdaq đang tăng 8,2%. Các thị trường Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia… đều đang giao dịch trên tham chiếu.

  • 13h15
    Giằng co mạnh

    Dòng tiền mạnh ở nhóm bluechip giúp VN-Index đi lên ngay đầu phiên chiều, nhưng không lâu sau đã chuyển sang trạng thái giằng co mạnh quanh vùng 658 điểm. Chỉ số đại diện cho rổ VN30 cũng đang thu hẹp mức giảm xuống dưới 1%.

    Cổ phiếu họ FLC đang có phiên giao dịch ảm đạm khi ROS, HAI, AMD và KLF đồng loạt giảm sàn. Ba mã còn lại là FLC, ART và GAB đều giảm trên 2,8% với lực bán mạnh. Một số cổ phiếu trong nhóm này đang dư bán đến vài triệu đơn vị. 

  • 11h30
    Hơn 200 mã giảm điểm

    Sau khi rớt mạnh, VN-Index hồi phục nhẹ và giằng co trong những phút cuối phiên. Chỉ số chốt phiên sáng tại 656,5 điểm, giảm hơn 10 điểm so với tham chiếu.

    Độ rộng thị trường lệch về bên bán với 207 mã giảm điểm, trải đều ở các nhóm vốn hóa. Rổ VN30 có 19 mã giảm, trong đó nhóm Vingroup và ROS, SBT cùng giảm hết biên độ. Khối ngoại sáng nay tiếp tục bán hơn 400 tỷ đồng, giá trị bán ròng khoảng 275 tỷ đồng.


  • 11h10
    Đảo chiều nhanh chóng

    Ngay khi vừa chạm vào tham chiếu, VN30-Index ngay lập tức đảo chiều giảm mạnh vì các lệnh bán chực chờ trước đó được thực hiện. Chỉ số này giảm thẳng đứng, trong ít phút đã mất gần 10 điểm. Nhiều cổ phiếu cũng trở lại trạng thái giảm, trong đó họ Vingroup gồm VIC, VHM và VRE dẫn đầu danh sách đóng góp tiêu cực nhất đến chỉ số chung.

    VN-Index chịu ảnh hưởng nhiều bởi các bluechip nên cũng xoay chiều, rớt 11 điểm từ vùng giá sát tham chiếu. Chỉ số hiện giao dịch tại vùng 655 điểm. Độ rộng thị trường được nới ra về phía bán với hơn 200 mã giảm.

  • 10h45
    VN-Index lên sát tham chiếu

    Dòng tiền đang tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giúp VN30-Index bật qua tham chiếu, tăng gần 0,18%. Độ rộng rộ này cân bằng khi có 14 mã tăng và 14 mã giảm, còn lại đứng giá.

    ROS vẫn giảm hết biên độ và trắng bên mua.

    Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM cũng đón lực hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng nên thu hẹp mức giảm, hiện chỉ mất 0,07% so với lúc mở cửa.

    Thanh khoản khớp lệnh gần chạm mốc 2.000 tỷ đồng.

  • 10h20
    Khối ngoại tiếp tục bán ròng

    Đến 10h20, nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì vị thế bán ròng trên HoSE, mua vào hơn 2,6 triệu cổ phiếu nhưng bán ra tới 11,6 triệu đơn vị. Tổng giá trị bán ròng trong nửa đầu phiên sáng đạt hơn 115 tỷ đồng.

    Khoi-ngoai-10h30-4321-1585020573.jpg

    Phiên 23/3, khối ngoại xác lập phiên bán ròng thứ 30 liên tiếp. Theo giới phân tích, động thái bán ròng sẽ còn tiếp diễn do xu hướng rút vốn khỏi cách kênh đầu tư rủi ro, như cổ phiếu, vẫn chưa dứt. Bên cạnh đó, tỷ giá biến động theo chiều hướng tăng gần đây cũng là một nguyên nhân.

    Xem thêm Vì sao khối ngoại liên tục bán ròng

  • 10h15
    Chỉ số thu hẹp đà giảm

    Chỉ số đang tích cực thu hẹp đà giảm sau một giờ mở cửa. VN-Index đang mất khoảng 1% so với tham chiếu, tương đương 6,37 điểm. VN30-Index cũng rút xuống còn giảm 0,79%, tương đương 5 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán nhưng chênh lệch không quá lớn.

Minh Sơn – Phương Đông – Vnexpress