Bắt đầu từ đầu tuần này, các bang Maharashtra và Karnataka của Ấn Độ đã sử dụng các loại mực không thể xóa để “đánh dấu” những người đi máy bay bị nghi nhiễm.
Trên dấu mộc có in luôn ngày kết thúc việc tự cách ly tại nhà. Chính quyền các bang này tuyên truyền rằng những người bị đóng dấu nên cảm thấy “tự hào” vì đã góp phần bảo vệ những người khác.
“Khi tôi lần đầu nghe chuyện người ta sẽ bị đóng dấu ở Mumbai, tôi cứ nghĩ đó là tin giả”, một luật sư người Ấn chia sẻ với hãng tin Reuters. “Tôi hiểu mối lo ngại của chính quyền nhưng việc chống dịch cũng cần phải có những giới hạn rõ ràng, phải đảm bảo được các quyền cơ bản của người dân”.
Trên thực tế, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới, sức khỏe và sự an toàn của xã hội đang được đặt lên trên tự do cá nhân.
Một quan chức của bang Maharashtra đã bảo vệ quyết định của chính quyền. “Chúng tôi đã tìm thấy những người bị đóng dấu và đang đi du lịch. Trước đó họ đã ký vào một biên bản và hứa với chúng tôi rằng họ sẽ không đi lung tung bởi vì họ có thể là người mang virus”.
Công nghệ đang được sử dụng trên khắp châu Á để theo dõi và giúp ngăn chặn dịch bệnh.
Tại bang Kerala, chính quyền đã truy lịch sử cuộc gọi, camera an ninh và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trên điện thoại di động để theo dõi các liên hệ chính và phụ của bệnh nhân COVID-19.
Mặc dù cùng sử dụng công nghệ, song cách làm của Singapore lại theo hướng khác. Nhà chức trách Singapore ngày 20-3 đã ra mắt một ứng dụng điện thoại có tên TraceTogether dùng để theo dõi các cuộc tiếp xúc giữa người dân trong thời gian có dịch.
Người dân Singapore không bị bắt buộc phải tải ứng dụng này về điện thoại. Nó cũng không sử dụng GPS mà thay vào đó sử dụng Bluetooth để xác định vị trí, đồng thời mã hóa toàn bộ dữ liệu và không yêu cầu truy cập các dữ liệu khác trên máy như vị trí, kho ảnh…
Người sử dụng chỉ phải cung cấp dữ liệu từ ứng dụng khi có yêu cầu của Bộ Y tế. Các tính năng của ứng dụng sẽ bị vô hiệu hóa khi dịch bệnh được kiểm soát và suy giảm.
Theo BẢO DUY – Tuổi Trẻ