Dịch COVID-19: Xem phim, nghe nhạc trực tuyến lên ngôi

Trong lúc công chúng được khuyến cáo ở nhà và hạn chế tụ tập đông người, các dịch vụ truyền hình trực tuyến đều đẩy mạnh quảng bá. Trên nền tảng video lớn nhất thế giới là YouTube, nhiều kênh cũng ra mắt sản phẩm đều đặn mỗi tuần.
Dịch COVID-19: Xem phim, nghe nhạc trực tuyến lên ngôi - Ảnh 1.
Phim Em chưa 18 (2017) nổi bật trên truyền hình trực tuyến tuần qua – Ảnh: CHÁNH PHƯƠNG

Theo khảo sát về truyền hình trực tuyến trong tháng 2-2020 của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me (Việt Nam), tần suất sử dụng truyền hình trực tuyến tăng lên do có đến 78% người được khảo sát giảm ra ngoài vui chơi.

Khảo sát cũng cho thấy YouTube vẫn là dịch vụ video miễn phí có lượng truy cập lớn nhất.

Phim mới, phim cũ đều gây sốt

Từ ngày 25-2, Netflix đều đặn tung bảng xếp hạng phim thịnh hành trong ngày theo từng quốc gia và top 10 này như một gợi ý cho khán giả về các phim truyền hình đang được yêu thích.

“Top 10 phim thịnh hành trên Netflix Việt Nam hôm nay” phản ánh khá đúng thị hiếu của khán giả Việt khi phim Hàn Quốc chiếm phần lớn. Các phim xếp hạng cao ngày 17-3 là Tầng lớp Itaewon, Chào mẹ tạm biệt, Hạ cánh nơi anh, Lời hồi đáp 1988, 50 sắc thái tự do, Ngày xửa ngày xưa ở Hollywood, Em chưa 18…

Bảng xếp hạng này đã được bổ sung phim điện ảnh, chứ không chỉ phim truyền hình như trước. Đặc biệt, phim Việt Em chưa 18 (2017) cũng được quảng bá trên trang chủ nên được khán giả xem nhiều.

Dịch COVID-19: Xem phim, nghe nhạc trực tuyến lên ngôi - Ảnh 2.
Kingdom lên thẳng top 2 phim được xem nhiều sau khi ra mắt tuần qua – Ảnh: NETFLIX

Vương quốc thây ma (Kingdom) mùa 2 – phim truyền hình Hàn Quốc mới nhất – vừa ra mắt đã kịp leo lên thứ 2 trong top 10 của khán giả Việt. Có chất lượng tốt, phim cũng gây sốt trên mạng xã hội và mặt báo.

Thời gian gần đây, Netlfix bổ sung khá nhiều phim vào kho điện ảnh Việt nên có thêm lựa chọn cho khán giả muốn xem phim Việt có bản quyền. Ngoài Em chưa 18 còn có Hạnh phúc của mẹ, Lửa Phật, Hậu duệ mặt trời, Ngôi nhà bươm bướm, Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi, Siêu sao siêu ngố, Mẹ chồng, Về quê ăn tết, Hương Ga, Âm mưu giày gót nhọn, Cô dâu đại chiến, Taxi em tên gì?…

FPT Play có các phim truyền hình Ký ức tội ác, Thời gian và em đều thật ngọt ngào, Đại chúa tể hay gói HBO Go với nhiều phim điện ảnh đặc sắc như Niềm kiêu hãnh và vinh quang, Nhiệm vụ bất khả thi, Dị nhân: Thế hệ đầu tiên, phim truyền hình Thế giới miền Tây…

Dịch COVID-19: Xem phim, nghe nhạc trực tuyến lên ngôi - Ảnh 3.
Chương trình lâu năm Thử thách thần tượng (Running man) vẫn được khán giả Việt ưa chuộng – Ảnh: SBS

Thu hút không kém phim ảnh là các chương trình truyền hình như Thử thách thần tượng (Running man), Bạn muốn hẹn hò, Hành trình lột xác, Các ông bố nói gì?… và các chương trình thể thao. Những chương trình này đều dài tập nên khán giả cần thời gian rảnh mới có thể theo dõi liên tục như hiện nay.

Trong khi đó, những chương trình phổ biến trên Zing TV là phim truyền hình Trung Quốc, Thái Lan, phim hoạt hình Nhật Bản và các chương trình truyền hình Hoa ngữ.

Ông Phan Đỗ Trí Dũng – giám đốc điều hành Fim+ – cũng cho hay Fim+ sẽ trình chiếu bộ phim Mắt biếc độc quyền vào tháng 4 này. “Chúng tôi cũng đang bắt tay vào sản xuất các phim bộ độc quyền để công chiếu trong năm nay” – ông Dũng cho biết.

Vlog thu hút lượt xem ngất ngưởng

Không giống với những sản phẩm giải trí khác, Vlog là loại hình dễ dàng thực hiện, ít tốn công sức và nhân lực hơn, do đó nhiều kênh như Bà Tân Vlog, Oops Banana, Hậu Hoàng… vẫn ra mắt các sản phẩm đều đặn mỗi tuần, thu hút lượt xem cao ngất ngưởng.

Dịch COVID-19: Xem phim, nghe nhạc trực tuyến lên ngôi - Ảnh 4.
Vlog Làm có đội, ăn có hộ của Hậu Hoàng gần gũi với đời sống giới trẻ – Ảnh: YOUTUBE HẬU HOÀNG

Trên top trending YouTube của Việt Nam chiếm số lượng lớn là các sản phẩm giải trí như web drama, MV, Vlog, tiểu phẩm hài. Trong đó, video Làm có đội, ăn có hộ của kênh Hậu Hoàng đứng ở vị trí thứ 2 với gần 15 triệu lượt xem sau hơn một tuần ra mắt.

YouTuber Phạm Văn Dũ – chủ nhân kênh YouTube Oops Banana có hơn 4,4 triệu người đăng ký – nói: “Cùng thời điểm này so với những năm trước, số lượng lượt xem trên kênh của tôi cao hơn nhiều. Tuy nhiên, khi mọi người đều đang chú tâm vào thông tin liên quan tới COVID-19 thì nhiều nghệ sĩ, Vlogger hạn chế ra mắt sản phẩm bởi sẽ khó được chú ý.

Tôi vẫn làm và đăng tải khoảng 3-4 video mỗi tuần để khán giả xem, đối với những dự án cần đầu tư nhiều hơn thì tôi sẽ gác lại”.

Khó khăn cho khâu sản xuất

Có thể thấy dù nhu cầu xem các sản phẩm giải trí online tăng mạnh nhưng việc sản xuất trong thời gian này gặp phải không ít khó khăn. Đạo diễn, nhà sản xuất Hồng Tú cho biết: “Chúng tôi đang có nhiều dự án nhưng bắt buộc phải hoãn lại hết vì xin giấy phép quay không được.

Dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, lại nằm ở những địa điểm dự kiến quay nên chúng tôi không mời được diễn viên và êkip, hầu như ai cũng muốn ở nhà cho an toàn”.

Dịch COVID-19: Xem phim, nghe nhạc trực tuyến lên ngôi - Ảnh 5.
Chương trình ăn khách Giọng ải giọng ai phải tạm ngưng tuyển thí sinh mùa 5 vì COVID-19 – Ảnh: ĐIỀN QUÂN

Không riêng gì Hồng Tú trì hoãn, nhiều đơn vị sản xuất khác cũng đã hủy hoặc dời lại thời gian thực hiện và ra mắt sản phẩm. Đạo diễn Khương Dừa vừa gửi lời xin lỗi tới khán giả vì buộc phải tạm ngừng tuyển thí sinh cho chương trình Giọng ải giọng ai và có thể là cả Thách thức danh hài.

“Chương trình Giọng ải giọng ai mùa 5 dự kiến tuyển thí sinh vào ngày 13, 14, 15-3 nhưng phải tạm ngưng vì mấy hôm nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng lên.

Chương trình Giọng ải giọng ai có rất nhiều người muốn tham gia, mỗi ngày phải có đến gần 1.000 người ứng tuyển, rất đông. Tập trung đông người ở một nơi như thế rất nguy hiểm” – đạo diễn Khương Dừa nói.

Truyền hình trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh

Với sự phổ biến dần lan rộng của các dịch vụ truyền hình trực tuyến, có thể thấy người Việt ngày càng sẵn sàng chi tiền để được thưởng thức các nội dung chất lượng, có bản quyền. Các dịch vụ trả phí đang dần trở nên phổ biến hơn, phản ánh một xu hướng tiêu dùng mới. Đó là FPT Play, Netflix, K+, VTV Cab On, Zing TV…

untitled
Các nền tảng phim online đang được ưa chuộng hơn nhất là trong mùa dịch hạn chế tụ tập và di chuyển này

Các nội dung thu hút nhất ở những kênh này là phim truyền hình, phim điện ảnh, chương trình giải trí, game show, truyền hình thực tế, thể thao…

Theo khảo sát của Q&Me, ở nhà nhiều hơn nên người tiêu dùng chủ yếu sử dụng các dịch vụ này từ nhà riêng (97%). Đặc biệt, khá đông người xem cùng với vợ hoặc chồng (45%). Do đó, có thể nói các dịch vụ này góp phần gắn kết gia đình.

Truyền hình trực tuyến được dự báo tăng trưởng mạnh hơn khi một số địa phương ở Việt Nam tạm đóng rạp phim và các điểm vui chơi từ giữa tháng 3.

Mi Ly

Theo MI LY – TIẾN VŨ – Tuổi Trẻ