Lý do Anh cứng rắn hơn trong chống dịch

Dự báo rằng số người chết do Covid-19 ở Anh có thể đến nửa triệu là nguyên nhân khiến nước này thức tỉnh, chọn các biện pháp cứng rắn hơn. 

Trong một bước xoay chuyển hoàn toàn, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ hai yêu cầu cấm các hoạt động xã hội của nền kinh tế thứ 5 thế giới, cách ly người trên 70 tuổi để đảm bảo vùng an toàn cho họ. Bước đi này diễn ra sau một nghiên cứu dự báo nghiêm túc. 

Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Neil Ferguson, giáo sư môn Toán Sinh tại Cao đẳng Hoàng gia London, sử dụng phương pháp mô hình và dữ liệu thu thập từ Italy trong vài tuần để so sánh hậu quả Covid-19 với dịch cúm năm 1918.

Nhóm chuyên gia cho biết, nếu không áp dụng bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào, số ca tử vong có thể lên tới 500.000 tại Anh và 2,2 triệu tại Mỹ.

Nếu áp dụng biện pháp kiểm soát dịch trước đây, tức là người nghi nhiễm tự cách ly ở nhà, nhưng các hoạt động của cộng đồng vẫn bình thường, thì số tử vong cũng lên đến 250.000 và hệ thống y tế sẽ bị quá tải vài lần so với năng lực.

Với các biện pháp mà nhóm đề xuất – cách biệt xã hội và khuyến cáo tránh câu lạc bộ, quán rượu và nhà hát – đường cong và đỉnh dịch sẽ được làm phẳng đi. 

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Antrim Area ở Bắc Ireland. Ảnh: Sky News
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Antrim Area ở Bắc Ireland. Ảnh: Sky News

Azra Ghani, giáo sư dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm, đồng tác giả của nghiên cứu nói rằng việc đó sẽ gây một áp lực lớn tới kinh tế. Tuy vậy nghiên cứu đã góp phần thay đổi tư duy của chính phủ Anh, đồng thời thúc đẩy chính phủ gia tăng kế hoạch “tham vấn các chuyên gia” và triển khai các biện pháp mới.

“Các kết quả có tính thức tỉnh với nước Anh”, tiến sĩ Tim Colbourn, chuyên gia về dịch tễ toàn cầu tại Imperial College cho biết, đồng thời ông dự đoán một thời kỳ khó khăn trước mắt.

Các chuyên gia về y tế công cộng đang chỉ trích chính quyền Thủ tướng Boris Johnson, lo ngại rằng Anh sẽ không hành động nhanh hoặc đủ mạnh để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong khi các quốc gia khác như Italy, Tây Ban Nha và Pháp đang thực hiện các biện pháp phong tỏa chặt hơn.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Peter Piot, giám đốc Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh London và là chuyên gia về virus và bệnh truyền nhiễm, cách tiếp cận của Anh dựa trên những bằng chứng chắc chắn và chú trọng vào sự cân bằng giữa việc giải quyết khủng hoảng y tế công cộng cùng các vấn đề xã hội đa chiều có thể xảy ra.

“Trong một đại dịch chưa từng có gây ra bởi loại virus mà chúng ta vẫn biết rất ít, không có cách kiểm soát nào là phù hợp cho tất cả”, tiến sĩ Piot nói. “Chúng ta nên sẵn sàng thích ứng với bệnh dịch liên tục biến đổi và những hiểu biết khoa học ngày một xa hơn.”

Linh Phan (Theo Reuters) – Vnexpress