Đà Nẵng cách ly sớm ‘bệnh nhân 68’

Nhà chức trách Đà Nẵng chủ động đưa người về từ vùng dịch đi cách ly, nhờ đó “bệnh nhân 68” chỉ tiếp xúc gần 7 người cùng chuyến bay.

Chiều 18/3, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố Đà Nẵng thông báo đã xác định được những người tiếp xúc gần với bệnh nhân người Mỹ, đi chuyến bay MI632 từ Singapore đến Đà Nẵng ngày 14/3.

Theo đó, có 7 người nước ngoài ngồi cùng hàng, trên và dưới 2 hàng so với ghế của bệnh nhân. Trong số này 2 người đến khách sạn ở Đà Nẵng, hiện đã được cách ly, xét nghiệm ban đầu âm tính với nCoV; 5 người đến khách sạn ở Hội An (Quảng Nam) nên Đà Nẵng thông báo tới địa phương để áp dụng biện pháp phù hợp.

Ngoài ra, 4 cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế, 2 công an cửa khẩu và 2 nhân viên phục vụ mặt đất tiếp xúc với “bệnh nhân 68” trong quá trình làm thủ tục nhập cảnh đã đi cách ly tập trung tại bệnh viện. Việc cách ly này nhằm đảm bảo an toàn tối đa, dù quá trình tiếp xúc những người này đều đeo khẩu trang và dùng găng tay.

Bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi ca dương tính ở Đà Nẵng tiếp xúc với khoảng 100 người. Tuy nhiên, “bệnh nhân 68” chỉ tiếp xúc với 7 người (không tính lực lượng làm nhiệm vụ ở sân bay) nhờ cơ quan chức năng đã phản ứng sớm.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho du khách vào Đà Nẵng, ngày 16/3. Ảnh: Nguyễn Đông.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho du khách vào Đà Nẵng, ngày 16/3. Ảnh: Nguyễn Đông.

“Bệnh nhân 68” 41 tuổi, lấy vợ ở Đà Nẵng. Ngày 11/2, ông từ Đà Nẵng đi qua nhiều nước như Ấn Độ, Tây Ban Nha, Marốc, Thuỵ Sĩ, Đức, Hungary, Hà Lan. Ngày 13/3, ông đi chuyến bay SQ323, ghế ngồi số 57H, từ Hà Lan đến Singapore.

11h 14/3, ông đi chuyến bay MI632 đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, kiểm dịch viên đã hướng dẫn cho bệnh nhân làm tờ khai y tế; giám sát thân nhiệt bằng camera và không phát hiện dấu hiệu bất thường.

Tuy nhiên, qua xem xét kỹ khai báo y tế, cán bộ kiểm dịch y tế nhận thấy bệnh nhân đã đi qua nhiều nước đang có dịch bệnh, gần nhất là Đức, Hungary, Hà Lan và Singapore nên đã xin ý kiến Ban chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố. Lúc này chưa có quy định cách ly người nhập cảnh trên chuyến bay quốc tế, tuy nhiên nhận thấy “hành trình của người Mỹ này không rõ ràng”, CDC thành phố đã trao đổi ngay với Giám đốc Sở Y tế.

“Chúng tôi lo ngại nếu cách ly trường hợp này có thể ảnh hưởng đến ngoại giao. Trong khi Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia chưa có công văn hướng dẫn cụ thể”, bác sĩ Lâm kể.

CDC Đà Nẵng sau đó đã căn cứ vào yêu cầu “cách ly ngay người về từ vùng có dịch” trong công văn (số 953) trước đây của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 để thống nhất việc xử lý. Nhân viên y tế tại sân bay đã trao đổi với người Mỹ để thuyết phục, trong khi bác sĩ Lâm nói chuyện qua điện thoại với vợ ông này đang chờ ở khu vực bên ngoài. Cuối cùng gia đình đồng ý. “Nhờ chủ động đưa người từ vùng dịch đến vào khu cách ly, chúng tôi đã hạn chế được rất nhiều trường hợp tiếp xúc gần”, ông Lâm nói.

Theo ông, nếu người Mỹ này về gia đình nhà vợ thì người thân, hàng xóm sẽ là F1, chưa kể ông này sẽ di chuyển đến nhiều nơi khác, rất khó để khoanh vùng, phân loại khi xác định ca bệnh.

Sau khi đưa người Mỹ về cách ly tại Bệnh viện 199 (Bộ Công an) để lấy mẫu xét nghiệm, CDC Đà Nẵng đã liên lạc trực tiếp với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) để trao đổi về việc cách ly người đến từ các nước có dịch. Hai công văn 1271 và 1272 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sau đó đã có những quy định cụ thể, giúp các đơn vị dễ dàng thực hiện các vấn đề liên quan.

Nhân viên y tế phát tờ hướng dẫn kê khai y tế điện tử cho du khách. Ảnh: Nguyễn Đông.
Nhân viên y tế phát tờ hướng dẫn kê khai y tế điện tử cho du khách. Ảnh: Nguyễn Đông.

“Bệnh nhân 68” là ca dương tính thứ 4 tại TP Đà Nẵng. Trước đó, 2 người Anh đi trên chuyến bay VN54 từ London đến Hà Nội, sau đó nối chuyến vào Đà Nẵng đã lây nhiễm cho một nữ nhân viên điện máy khi đi mua điện thoại.

Việt Nam ghi nhận 68 ca bệnh trong đó 16 ca khỏi từ tháng trước, 52 ca đang cách ly điều trị. Các ca bệnh xâm nhập chủ yếu từ châu Âu và Mỹ, sau đó lây lan cộng đồng. Sức khỏe hầu hết bệnh nhân ổn định, tuy nhiên có hai ca nặng đều trên 60 tuổi và có bệnh nền. Có 5 bệnh nhân đã cho kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất một lần.

Nguyễn Đông – Vnexpress