Đây được coi là quyết định trục xuất phóng viên là công dân Mỹ của Trung Quốc sau khi Mỹ khống chế số lượng phóng viên người Trung Quốc ở nước này.
Theo Reuters, các phóng viên nào của 3 tờ báo trên có giấy phép hoạt động báo chí hết hạn trong năm nay phải nộp lại trong vòng 10 ngày và sẽ không được phép tác nghiệp tại Trung Quốc, Hong Kong hay Macau.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu nhà báo sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng yêu cầu đài Tiếng nói nước Mỹ, tờ The New York Times, The Washington Post,The Wall Strett Journal và tạp chí Times phải “khai báo thông tin bằng văn bản về nhân viên, tình hình tài chính, hoạt động và bất động sản tại Trung Quốc”.
Chính quyền Bắc Kinh cho biết họ đang trả đũa các hạn chế của Washington đối với các nhà báo Trung Quốc, đồng thời cũng đe dọa sẽ có thêm các biện pháp trả đũa nhằm vào các phóng viên Mỹ.
Một điểm nổi bật trong chính sách trả đũa lần này của Bắc Kinh là quyết định cấm các nhà báo Mỹ tác nghiệp ở Hong Kong và Macau, hai lãnh thổ bán tự trị của Trung Quốc với các quy tắc về truyền thông riêng. Trong quá khứ, các nhà báo nước ngoài bị đuổi khỏi Trung Quốc đại lục vẫn có thể làm việc tại Hong Kong.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên trong cuộc họp báo sau tuyên bố của Bắc Kinh rằng động thái trả đũa của Trung Quốc sẽ khiến thế giới và người dân Trung Quốc mất đi những thông tin có giá trị trong giai đoạn “cực kỳ thách thức” vì dịch COVID-19.
“Tôi lấy làm tiếc vì quyết định hôm nay của Trung Quốc. Tôi hy vọng họ sẽ xem xét lại” – ông Pompeo nói ngày 18-3 (theo giờ Trung Quốc).
Tổng biên tập báo Washington Post là Marty Baron cũng lên án hành động trục xuất phóng viên Mỹ của chính quyền Bắc Kinh.
Trong khi đó, Trung Quốc ngày 18-3 cho rằng hành động của họ “là những biện pháp đối phó hoàn toàn cần thiết và có qua có lại mà Trung Quốc buộc phải thực hiện để đáp trả sự áp bức vô lý của Mỹ đối với các tổ chức truyền thông Trung Quốc ở nước này”.
Theo ANH THƯ – Tuổi Trẻ