Người Italy xích lại gần nhau giữa lệnh phong tỏa

Tuần trước, Donata Zanotti đã nói xin chào với hàng xóm, điều bà chưa từng làm kể từ khi chuyển tới khu phố cách đây 20 năm.

Trước khi Italy áp lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 9/3 nhằm ngăn nCoV lây lan, vùng Lombardy phía bắc, tâm điểm dịch bệnh, đã bị xác định là “Vùng Đỏ”. Các trường học đóng cửa từ ba tuần trước, sau đó đến những nhà hát, phòng gym, quán bar, cũng như nhiều điểm tập trung đông người khác.

Những ai có thể làm việc từ xa đều được yêu cầu thực hiện điều này. Các cửa hàng đóng cửa, trừ siêu thị, tiệm tạp hóa, hiệu thuốc và nơi bán thuốc lá. Chính phủ cho phép người dân mua sắm và đi dạo “vì lợi ích của hoạt động thể chất ngoài trời”.

Tuy nhiên, tại thành phố Milan, nơi Donata Zanotti đang sinh sống, chính quyền địa phương thậm chí yêu cầu đóng cửa công viên để hạn chế người dân di chuyển. “Các hoạt động ngoài trời được cho phép trên giấy tờ, nhưng chúng tôi biết đi đâu?”, người đàn ông 32 tuổi tên Andrea Paracchino cho hay.

Bất chấp không khí căng thẳng do Covid-19 và quy tắc giữ khoảng cách, người dân tại Milan, thành phố vốn nổi tiếng vì sự xa cách, dần xích lại gần nhau bằng những lời an ủi. “Ít nhất tôi hợp với bạn cùng phòng. Tôi không thể tưởng tượng việc phải trải qua chuyện này bên một người tồi tệ”, Paracchino nói.

Người dân cổ vũ đội ngũ y bác sĩ từ ban công tại Milan, Italy hôm 14/3. Ảnh: NY Times. 
Người dân cổ vũ đội ngũ y bác sĩ từ ban công tại Milan, Italy hôm 14/3. Ảnh: NY Times. 

Cha mẹ của Paracchino sống tại vùng Piedmont lân cận, nhưng anh quyết định không tới đó trong thời gian phong tỏa. “Hành động như vậy là vô trách nhiệm. Nếu tôi mắc bệnh mà không biểu hiện triệu chứng thì sao? Tôi không lo lắng về bản thân, mà nghĩ cho người khác”, anh cho biết.

Zanotti, một nhiếp ảnh gia kiêm huấn luyện viên yoga, thức dậy lúc 6 giờ mỗi ngày và đi dạo trong lúc gần như cả thành phố vẫn say giấc, nhằm tránh va vào người khác. “Tôi sẽ phát điên nếu không được hít thở không khí”, bà giải thích.

Người phụ nữ 46 tuổi còn dần có thói quen ra ngoài ban công và trò chuyện với hàng xóm. Bà chụp và đăng các bức ảnh chân dung từ xa của họ lên mạng xã hội Instagram, đồng thời tham gia những khóa thiền qua mạng.

“Trong giai đoạn ai cũng chịu tổn thương, mọi người cần chậm rãi tận hưởng từng khoảnh khắc đẹp đẽ nhỏ nhoi”, Zanotti cho hay. Kiến trúc của Milan, với những ngôi nhà có xu hướng xây xung quanh khoảng sân chung, bỗng trở nên hữu ích. “Khoảng sân trở thành không gian chung của mọi người. Cảm giác đoàn kết này là điều không thể ngờ”, nữ nhiếp ảnh gia nói.

Từ những khung cửa sổ ở Milan, cũng như nhiều thành phố khác tại Italy, người dân còn cùng nhau ca hát nhằm khích lệ tinh thần. Tuy nhiên, khi tình cảm trong cộng đồng dường như thắm thiết hơn giữa vòng phong tỏa, cũng là lúc tình hình khó khăn hơn qua từng ngày.

Ngành mua thực phẩm trực tuyến đang quá tải vì số đơn hàng chồng chất. Anna Zafesova, nữ dịch giả đã ở trong nhà suốt một tuần nhằm đề phòng mọi nguy cơ với người chồng 66 tuổi, cho biết bà phải dành hàng giờ để cố gắng đặt hàng. Tuy nhiên, ngay cả khi thành công, Zafesova vẫn phải đợi khoảng 17 ngày.

“Có lẽ chúng tôi sẽ không chết đói, nhưng việc mua một ít thực phẩm tươi trở thành thách thức thực sự”, người phụ nữ 50 tuổi cho hay.

Lệnh phong tỏa đặc biệt nặng nề với những phụ huynh vừa phải làm việc ở nhà, vừa chăm sóc con cái. “Tôi kiệt sức rồi. Mọi người nói phong tỏa là cơ hội dành thời gian cho bản thân, nhưng vài tuần nay tôi không được nghỉ ngơi”, Serena Cima, bà mẹ có con 15 tháng tuổi cho hay.

Nhiều gia đình ngần ngại thuê người trông trẻ vì muốn tránh tiếp xúc với bên ngoài. Tuy nhiên, Cima tìm được một người ngay trong khu dân cư, có thể tới giúp vài giờ mỗi ngày mà không cần đi phương tiện công cộng. “Tôi khá may mắn, nhưng vẫn còn những căng thẳng về kinh tế”, cô nói. Giới chức miễn học phí cho học sinh trường công lập, nhưng Cima phải trả khoản tiền này bởi con cô học trường tư.

Người dân đang tự hỏi lệnh phong tỏa sẽ được duy trì trong bao lâu. “Tôi vô cùng lo lắng. Bây giờ mọi người gắn bó và cùng nhau hát quốc ca từ cửa sổ. Nhưng đến cuối cùng, không ai tránh được cảm giác lo sợ”, Zafesova cho hay.

Ánh Ngọc (Theo Washington Post) – Vnexpress