“Chúng tôi lo ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan, tính chất nghiêm trọng của dịch lẫn sự thờ ơ đáng báo động của nhiều bên. Do đó, chúng tôi đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được coi là đại dịch”, Tedros nói trong cuộc họp báo ở Thụy Sĩ hôm nay.
Tedros cho biết số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng gấp 13 lần trong hai tuần qua. “Chúng tôi dự đoán số ca nhiễm, số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng sẽ tăng lên cao hơn nữa trong vài ngày và vài tuần tới”, ông nói thêm.
Mike Ryan, người đứng đầu chương trình phản ứng khẩn cấp của WHO, cho biết trong cuộc họp báo rằng việc tổ chức này dùng từ “đại dịch” để miêu tả Covid-19 không làm thay đổi cách đối phó của họ.
WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1 khi có chưa tới 100 trường hợp nhiễm nCoV bên ngoài Trung Quốc. Hiện dịch xuất hiện ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 122.000 người nhiễm, hơn 4.300 người tử vong và hơn 67.000 người bình phục. Trong đó, Trung Quốc đại lục ghi nhận gần 81.000 ca nhiễm, hơn 3.100 ca tử vong và gần 62.000 người bình phục.
Thực tế, WHO không còn hạng mục phân loại bệnh là “đại dịch”, ngoại trừ cúm. Các quan chức WHO đã báo hiệu trong nhiều tuần rằng họ có thể sử dụng từ “đại dịch” như một thuật ngữ mô tả nhưng nhấn mạnh rằng nó không mang ý nghĩa pháp lý. Covid-19 không phải là cúm.
WHO từng tuyên bố dịch cúm lợn H1N1 năm 2009 là đại dịch, tức có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng toàn cầu. Tuy nhiên, dịch này sau đó được coi là không quá nghiêm trọng, khiến WHO hứng chỉ trích là phóng đại vấn đề. Phát ngôn viên WHO ngày 24/2 nói rằng họ đã “không còn sử dụng hệ thống phân loại mức độ nghiêm trọng cũ mà một số người có thể quen thuộc từ năm 2009”.
“Đại dịch không phải là một từ có thể sử dụng dễ dàng hay bừa bãi”, Tedros nói nhưng nhấn mạnh “việc mô tả tình hình là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do virus gây ra”.
Tedros cho biết một số quốc gia đã thể hiện khả năng ngăn chặn và kiểm soát ổ dịch, nhưng một số lãnh đạo thế giới chưa hành động đủ nhanh hoặc đủ mạnh. “Ngày nào chúng tôi cũng thúc giục các quốc gia hành động nhanh chóng và quyết liệt. Chúng tôi đã rung hồi chuông báo động rất to và rõ ràng”.
Ông chỉ ra số ca nhiễm mới ở Trung Quốc và Hàn Quốc đã giảm đáng kể trong những ngày gần đây, 81 quốc gia chưa ghi nhận dịch và 57 quốc gia chỉ ghi nhận chưa đến 10 ca nhiễm.
“Tất cả quốc gia vẫn có thể thay đổi tiến trình của đại dịch này”, ông nói. “Một số nước đang chật vật vì thiếu năng lực. Một số quốc gia đang chật vật vì thiếu tài nguyên. Nhưng một số quốc gia đang vật lộn với sự thiếu quyết tâm”.
WHO gọi Iran và Italy, hai vùng dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc đại lục, là các “tiền tuyến mới” trong cuộc chiến chống Covid-19. “Họ đang bị ảnh hưởng nặng nề nhưng tôi đảm bảo với các bạn rằng các quốc gia khác sẽ sớm rơi vào tình cảnh đó”, Ryan nói.
Tedros đánh giá Iran đang cố gắng hết sức để kiểm soát dịch nhưng cần được nhận thêm hỗ trợ. Họ đang thiếu hụt máy thở và thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế.
Giới chuyên gia đánh giá việc WHO tuyên bố đại dịch có thể gây tác động chính trị và kinh tế lớn. Động thái này có thể khiến thị trường thế giới thêm biến động và dẫn đến hạn chế đi lại, thương mại nghiêm ngặt hơn.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters) – Vnexpress