Putin ủng hộ tính lại nhiệm kỳ tổng thống Nga

Tổng thống Putin cho biết sẽ ủng hộ đề xuất sửa đổi hiến pháp cho phép ông tiếp tục tranh cử khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc năm 2024.

Bà Valentina Tereshkova, phó chủ tịch Duma quốc gia Nga, hôm nay bất ngờ đề xuất một điều khoản sửa đổi hiến pháp tại cuộc họp ở Hạ viện, trong đó thiết lập lại các nhiệm kỳ tổng thống trước đây về 0, đồng nghĩa với việc Tổng thống Vladimir Putin có thể tái tranh cử thêm hai nhiệm kỳ nữa.

“Tôi đề nghị chúng ta hoặc dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống hoặc đưa vào hiến pháp sửa đổi một điều khoản rằng tổng thống đương nhiệm, như bất kỳ công dân Nga nào khác, có quyền tranh cử sau khi hiến pháp sửa đổi có hiệu lực”, bà Tereshkova phát biểu và được các nghị sĩ vỗ tay.

Sau khi nhiều nghị sĩ bày tỏ ủng hộ ý tưởng này, Tổng thống Nga đã đến Hạ viện ở Moskva và cho biết ông tán thành đề xuất của bà Tereshkova. Putin tin rằng ông nên có quyền tiếp tục tranh cử vì sự ổn định của nước Nga, dù các tổng thống trong tương lai cần bị giới hạn ở hai nhiệm kỳ.

“Tổng thống là người bảo vệ an nguy của nhà nước của chúng ta, sự ổn định phát triển trong nội bộ”, ông nói.

Tổng thống Putin tại Hạ viện Nga ở Moskva hôm nay. Ảnh: AP
Tổng thống Putin tại Hạ viện Nga ở Moskva hôm nay. Ảnh: AP

Putin từng giữ chức tổng thống Nga từ năm 2000 đến 2008, sau đó trở thành thủ tướng vào năm 2008 đến 2012 và tái đắc cử Tổng thống vào năm 2012. Hiến pháp Nga hiện cấm các tổng thống phục vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, đồng nghĩa với việc Putin sẽ không được tranh cử khi kết thúc nhiệm kỳ hiện nay vào năm 2024.

Tuy nhiên, theo đề xuất trên, hai nhiệm kỳ gần đây của Putin sẽ được “xóa”, cho phép Tổng thống 67 tuổi của Nga có thể tiếp tục tái tranh cử sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào năm 2024, giúp ông duy trì quyền lực đến ít nhất năm 2036.

“Những sửa đổi cần thiết này lẽ ra đã được thực hiện từ lâu và tôi chắc chắn rằng chúng sẽ hữu ích cho xã hội và người dân Nga”, Putin phát biểu. Ông cho rằng nước Nga cần một sự thay đổi mang tính cách mạng “vì chúng ta đã có quá đủ các cuộc cách mạng”, đồng thời nói rằng nước Nga có thể chưa sẵn sàng để có một lãnh đạo mới.

“Có những thời điểm quyền lực tối cao không được trao cho một người cụ thể. Nhưng điều này đã xảy ra trong lịch sử nước Nga và chúng ta không được phép phớt lờ nó”, ông nói.

Putin nói các đề xuất này chỉ có hiệu lực khi được Toà án Hiến pháp tuyên bố chúng không vi hiến. Tuy nhiên, ông không khẳng định rằng mình có kế hoạch tiếp tục chạy đua vào Điện Kremlin hay không.

Cuối bài phát biểu, Putin nhắn nhủ tới người dân Nga: “Tôi đảm bảo rằng cùng với nhau, chúng ta sẽ làm nên nhiều thứ vĩ đại hơn nữa, ít nhất là đến năm 2024. Sau đó, chúng ta sẽ xem thế nào”.

Các nghị sĩ Hạ viện Nga sau đó bỏ phiếu tán thành các đề xuất sửa đổi hiến pháp với 382 phiếu thuận, 44 phiếu trắng, không có phiếu chống. Họ sẽ bỏ phiếu vòng ba và là vòng cuối cùng vào ngày mai, Chủ tịch Hạ viện Vyacheslav Volodin cho biết.

Anh Ngọc (Theo NY Times, AFP) – Vnexpress